Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Danh Thắng An lạc, một bình yên xa xôi

An lạc, một bình yên xa xôi

Hôm nay, bất chợt đọc được một bài viết cá nhân của một du khách tên Phạm Hải Yến trên trang Facebook về vùng đất An Lạc, tôi lại nhớ về những chuyến đi trên mảnh đất An Lạc một vùng đất “xa xôi” mà “bình yên”.  Nói là “xa xôi” nhưng  An Lạc cũng đâu phải xa lắm. Chỉ cách Hà Nội khoảng 180 km, An Lạc là xã cuối cùng của huyện Sơn Động vốn là huyện cuối cùng trong bản đồ hành chính Bắc Giang. Điểm cuối cùng ấy cũng là điểm gặp nhau của ba tỉnh Bắc Giang – Quảng Ninh  - Lạng Sơn là nơi giao lưu văn hóa của những nhóm dân tộc khác nhau, và cũng là nơi hội tụ non nước với sông Lục Nam uốn mình qua bờ Tây Yên Tử để tạo nên những cảnh quan thiên nhiên đầy hoang xơ nhưng vô cùng cuốn hút.

 

Phong cảnh tự nhiên hoang sơ tại An Lạc.  Ảnh Văn Dương

Xe chúng tôi đang lăn bánh trên đường cái lớn bỗng bất chợt lái xe rẽ vào một cung đường nhỏ được bao phủ bởi một bên là những dãy núi nhấp nhô và một bên là cánh rừng đại ngàn Khe Rỗ. Cái khúc rẽ ấy như đưa chúng tôi bước vào một thế giới khác, sự sô bồ, bon chen, náo nhiêt tan biến để nhường chỗ cho một không gian trong lành, hoang sơ và yên bình. Xã An Lạc nằm trọn vẹn trong một vùng núi rừng và bao bọc lấy khu rừng đặc dụng Khe Rỗ. Rừng như một báu vật không những nuôi sống cộng đồng cư dân trong xã từ bao đời mà còn tạo ra những điểm nhấn cảnh quan kỳ thú.

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi trong chuyên khám phá rừng Khe Rỗ là Vũng Tròn. Cái tên ấy được người dân địa phương gọi theo nguyên nghĩa đen của nó. Từ lối vào rừng, đi bộ dọc theo khe suối khoảng 25 phút, trước mắt chúng tôi là một cái hồ lớn, trong suốt, nước mát lạnh, hình khá tròn và được người dân địa phương gọi là Vũng Tròn. Chiếc hồ lớn này được tạo bởi hai dòng suối Khe Rỗ và Khe O. Một con suối chảy từ hướng Đông và một con suối chảy từ hướng Tây gặp nhau tại đây, cùng hòa dòng tạo nên một cảnh quan đặc sắc, một chiếc hồ lớn như là kết quả của mối tình giữa hai dòng suối nằm gọn giữa núi rừng điệp trùng tạo ra một sự bất ngờ đến thú vị. Ngay cạnh phía trên hồ là một căn nhà sàn nhỏ được xây dựng bằng gỗ theo cách truyền thống mà ta vẫn thường bắt gặp trên vùng cao. Lại một bất ngờ thú vị nữa, chúng tôi tự hỏi không biết ai đang sống trong căn nhà sàn này? Một ẩn sĩ hay một tiên ông giống như các câu truyện dân gian chăng? Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn xinh xắn là ba cán bộ bảo vệ rừng. Thì ra đây chính là một chốt kiểm lâm, được lâp ra để bảo vệ rừng khỏi các mối nguy hại, sau khi được ăn cá suối nướng do chính tay các bác kiểm lâm đánh lưới về, chúng tôi được nghe rất nhiều câu chuyện về rừng Khe Rỗ. Khu rừng này vốn rất có giá trị về mặt đa dạng sinh học với nhiều loại động thực vật quý hiếm….

 

 Vũng Tròn Khe Rỗ. Ảnh Văn Dương

Khu rừng còn là nơi đầy huyền ảo với rất những địa danh có tên tuổi và gắn liền với những sự tích như: động Rơi, động Mẹ Kinh, suối Cá Ma… Anh Định, một cán bộ bảo vệ rừng hăng say kể cho chúng tôi nghe câu chuyện tình thơ mộng về cây Đa tình. Một cây Đa mọc tự nhiên từ bao giờ mà không ai biết, to đến hơn chục người cũng chưa ôm xuể nằm ngay cạnh bờ suối tới Vũng Tròn. Đây chính là nơi “thề non, hẹn biển” của biết bao cặp tình nhân. Và cứ theo như lời kể, đôi lứa nào tới đây tỏ tình cũng sẽ đều lấy được nhau, các đôi yêu nhau mà quan hệ bị rạn vỡ, tới cây đa này, tình cảm sẽ lại dạt dào và đằm thắm hơn xưa. Những cảnh vật không chỉ đẹp mà còn mang trong nó những câu truyện chứa đựng về lịch sử, tình cảm và những ước mơ giản dị của những người dân địa phương nơi đây.

Để có được cái nhìn toàn cảnh về rừng Khe Rỗ, theo sự giới thiệu của các bác kiểm lâm chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến đỉnh núi Khau Tron. Đường lên đỉnh núi không xa lắm chỉ cách Vũng Tròn khoảng 1.5 giờ leo núi, với những người chưa quen leo núi chắc cũng chỉ mất khoảng 2 giờ thôi. Chúng tôi men theo con đường mòn nhỏ, đường đi khá dốc dẫn chúng tôi vào sâu hơn khu rừng. Một sự trải nghiệm bổ ích, khi chúng tôi có dịp khám phá rừng Khe Rỗ với những thảm thực vật khác nhau. Băng qua khu rừng tre nứa, chúng tôi tiếp tục đi đến khu rừng với nhiều loại cây khác nhau: lim, xẻ, táu… Sự đa dạng của các loại cây tạo ra một sự đa dạng của cảnh quan nơi đây. Vượt qua mấy ngọn núi, đỉnh Khau tron đã ở ngay trước mắt, có một sự thay đổi lớn trong thảm thực vật. Ở độ cao này, không còn chỗ cho những loại cây cao lớn, um tùm mà chỉ còn những loại cây bụi, cây hoa, cỏ nhỏ. Những bông hoa sim tím mọc ngang thân người. Không phải là người yêu hoa nhưng tôi cũng không cưỡng lại được, ngắt một cành hoa cài vào đầu gậy. Cảnh đẹp và nên thơ quá tưởng chừng như nếu có đôi trai gái nào dù chưa từng biết nhau nhưng khi đi qua nơi đây cũng phải nảy sinh tình ý. Nhưng đường lên núi không chỉ đẹp và lãng mạn như vậy. Chúng tôi cũng phải thở gấp mỗi lần trèo lên một đỉnh núi, hay cảm giác mỏi gối chồn chân khi bước suống dốc sâu. Mồ hôi, ngày càng thấm ướt lại càng thu hút  côn trùng trong rừng. Đặc biệt khi mới bắt đầu quãng đường, lúc độ cao còn thấp, cây cối um tùm, có rất nhiều muỗi vây quanh. Chính vì như vậy, cái cảm giác lên tới đỉnh Khau Tron lại càng khiến chúng tôi cảm thấy ý nghĩa và hạnh phúc, một cảm giác chinh phục và vượt qua chính mình. Đỉnh Khau Tron không chỉ cao mà còn rộng như một thảo nguyên thu nhỏ, với bề mặt rộng phủ kín bởi cỏ và hoa rừng. Một chỗ lý tưởng cho những hoạt động cắm trại nhóm. Đứng trên đỉnh nhìn toàn cảnh khu rừng mà nhìn mãi vẫn chỉ thấy một màu xanh bất tận. Tôi muốn thét to một tiếng “chào rừng Khe Rỗ. Người mới thật hùng vĩ, lớn lao.” Và chúng tôi đang đứng ở trên đỉnh  với một cảm giác thật nhỏ bé, hư vô trước cái lơn lao của thiên nhiên, đất trời.

Cảnh thiên nhiên An Lạc với rừng Khe Rỗ mới thật cuốn hút, khiến cho chúng tôi tiếp tục say đắm khám phá. Cách 15 km về phía Tây Vũng Tròn là một địa danh khác mà nhiều người dân ở đây vẫn thường nói “ Chưa đến Khe Vàng thì chưa hẳn đã đến thăm An Lạc”. Chúng tôi lại bắt đầu chuyến đi tới Khe Vàng với rất nhiều háo hức. Đường tới Khe Vàng sẽ phải đi dọc theo xã An Lạc, xuyên qua 6/12 thôn bản của xã. Con đường đất nhỏ mà ô tô rất khó đi vào đặc biệt là lúc trời mưa gió. Đi xe máy sẽ thuận tiện hơn và quan trọng là được hít thở, chiêm ngưỡng cảnh quan các thôn bản và đời sống trong xã. Ở đây, nhà phần lớn được xây trên khung làm bằng gỗ, tường nhà được tạo thành bởi các phiến tre lứa đan rồi được đắp bùn lên. Phải rất khó, chúng tôi mới bắt gặp một ngôi nhà xây bằng gạch. Đi dọc cả 6 thôn mới thấy có một cái chợ nằm ở trung tâm. Gọi là chợ nhưng ở đây chỉ có hai cửa hàng tạp hóa, một hàng bán đậu và một hàng bán thịt lợn. Cuộc sống vẫn theo tự cung, tự cấp với những sản phẩm nông nghiệp mình làm ra và những sản phẩm từ rừng. Đời sống dân bản còn nghèo khó quá. Nhưng dường như cái nghèo lại làm tăng thêm cái vẻ thơ mộng chốn núi rừng.

Vượt qua những ngôi nhà nhỏ xinh xắn, chúng tôi đến một khe suối, và cứ men theo khe suối này sẽ đến được Khe Vàng. Cuối cùng, cái chúng tôi chờ đợi đã hiện ra và hơn cả một sự kì vọng. Một ngọn thác đổ rầm rầm nước xuống tạo ra một lòng hồ phía dưới mà người dân vẫn gọi là Khe Vàng. Nói là “vàng” vì dưới đáy hồ có nhiều cây diệp lục tạo nên màu vàng cho nước. Nước ở đây rất trong, có thể uống trực tiếp được. Chính quyền xã đã làm một hệ thống dẫn nước từ Khe Vàng tới các thôn bản trong xã để sử dụng. Nhìn làn nước ấy, chúng tôi cùng ùa nhau lao xuống vẫy vùng cùng dòng nước như để đắm chìm và hòa mình vào thiên nhiên. Khác vơi Vũng Tròn được tạo bởi cuộc hôn nhân của hai dòng suối, Khe Vàng lại là sản phẩm của một thác nước hụng tợn. Nhiều khi, đằng sau chính sự dữ dội hung tợn lại là cả một sự yên bình mà đôi lúc chúng ta chưa kịp nhận ra. Nét đặc biệt nhất của Khe Vàng là sự hoang sơ. Có cảm giác như không có một dấu tích nào của con người quanh đây. Không có những bác kiểm lâm, không có những con đường được bàn tay người làm cho du khách ghé thăm. Tất cả đểu rất hoang sơ, tự nhiên như ngàn năm nó vẫn thế. Chưa bao giờ tôi lại có cảm giác mình lại ở gần thiên nhiên, ở trong thiên nhiên đến thế.     

Cảnh quan thiên nhiên ở đây thực sự có một ma lực thu hút chúng tôi nhưng điều mà giữ chân chúng tôi ở lại, dùng dằng mãi vẫn chưa về được là lòng hiếu khách giản dị mà chân thành của người nông dân ở đây. Chúng tôi chia nhau ở tại các nhà dân do ban quản lý du lịch cộng đồng phân công. Mỗi gia đình chỉ nhận không quá 4 người. Tại đây, chúng tôi có dịp hiểu hơn về cuộc sống hàng ngày của những người dân địa phương. Buổi sáng trong đoàn có người theo các bác nông dân ra đồng bẻ ngô, có người lại theo vào rừng tìm lâm sản phụ và cây thuốc, có người lại ở nhà học hỏi cách bắt và nuôi các đàn ong rừng để lấy mật. Chỉ là những cuộc sống đơn giản hàng ngày tiếp nối ngày qua ngày tại nơi đây nhưng tất cả đều rất mới lạ với chúng tôi. Tất cả những việc đó tạo nên một sự trải nghiệm vô cùng bổ ích, chúng tôi hiểu hơn về cộng đồng địa phương và cũng tự tay làm những việc mà mình chưa từng làm. Buổi tối kết thúc chuyến hành trình bằng buổi giao lưu văn nghệ. An Lạc đã thành lập ra một đội văn nghệ xã để gìn giữ nàn điệu hát Then và chơi đàn tính truyền thống của người Tày. Nghe những bài hát tiếng Tày, chúng tôi cũng chẳng hiểu gì cả, nhưng âm nhạc thì đâu có biên giới và giới hạn. Cứ nghe nhạc điệu và nhìn nét mặt rạng rỡ của những nghệ nhân mà mới chỉ sáng nay thôi còn là  những người nông dân cũng đủ để chúng tôi cảm nhận được phần nào. Hơi rượi nấu bằng men lá hòa cùng tiếng nhạc tạo nên những âm hưởng xôn xao giữa chốn núi rừng tĩnh lặng.

An Lạc hội tụ những giá trị về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa để trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn. Cho đến nay, với sự hỗ trợ của tổ chức GTV, những người nông dân xã An Lạc cũng bắt đầu làm du lịch. Các đội dịch vụ du lịch được thành lập, các lớp tập huấn được GTV mở ra, đào tạo các kĩ năng và những hiểu biết cơ bản về dịch vụ nhà nghỉ, nấu ăn, hướng dẫn, y tế và văn hóa quốc tế. Một số công trình hỗ trợ phát triển du lịch đã được triển khai. Một mô hình du lịch sinh thái cộng đồng đã bước đầu được hình thành trên quê hương An Lạc. Nhưng để An lạc không còn trở thành một nơi “bình yên xa xôi” mà là một địa điểm gần gũi với du khách cần có sự chủ động hơn nữa của người dân địa phương và sự tham gia của chính quyền địa phương, ngành du lịch nhất là trong hoạt động quảng bá du lịch. Đó cũng chính là những mong muốn của chúng tôi, khi càng có nhiều người biết về khu du lịch cộng đồng sinh thái Khe Rỗ - An Lạc. Một cuộc sống hối hả lại trở về. Chúng tôi rời khu rừng thiên nhiên Khê Rỗ và chào tạm biệt những người dân An Lạc. Ai cũng cần có một chốn bình yên để tìm về và với riêng tôi, tôi đã tìm được một nơi như thế.

Nguyễn Doãn Huân

Tổ chức GTV tại Việt Nam

Ngày cập nhật: 10/09/2014 Lượt xem: 575