Bông lau nở trắng rừng Tây Yên Tử.
Thật may mắn bởi không phải ai đến nơi này cũng có cơ hội được ngắm bông lau nở trắng rừng vì bông lau chỉ nở rộ từ độ heo may đến tháng 12 rồi nhanh chóng tàn phai. Đoàn xe chúng tôi nối đuôi nhau chạy bon bon giữa miền thiên nhiên tươi đẹp. Từ thị trấn Thanh Sơn xe ngược theo đường 291 đi về phía nhiệt điện Đồng Rì, ở đâu cũng dễ dàng bắt gặp khung cảnh toàn hoa lau trắng muốt đến choáng ngợp. Con đường trải nhựa phẳng lỳ nhưng cảnh vật cứ như níu chân du khách, kết quả là những chiếc xe cứ chạy một cách thong thả trên đường để chủ nhân mải mê chiêm ngưỡng cảnh vật thiên nhiên. Sự hiền hòa, thơ mộng, cộng thêm không gian yên ả, thanh bình của vùng cao càng có sức quyến rũ hơn bởi những bãi cờ lau. Có tận mắt chứng kiến thì mới thấy được vẻ đẹp của loài hoa dại nở trắng muốt này đang kiên cường đu mình trong gió. Những bông cỏ lau trắng gợi lên vẻ đẹp tinh khôi, mong manh yếu ớt như những thiếu nữ nhưng lại toát lên dáng vẻ đầy kiêu hãnh. Đó là nét chấm phá rất đỗi nhẹ nhàng đưa tâm hồn ta về với thiên nhiên. Người dân ở đây cho biết: Cứ độ gió heo may về là bông lau tại đây bắt đầu dần bung nở, hoa thường được người dân lấy về làm chổi quét nhà, thân và lá dùng làm vật liệu để lợp mái nhà, xưa kia còn dùng phơi khô là nguyên liệu làm nên những chiếc nệm ấm, là của hồi môn không thể thiếu của cô dâu vùng núi khi về nhà chồng. Cây bông lau thường mọc ở những khu đất ẩm, bằng phẳng ven rìa rừng.
Tiếp tục vòng qua Long Sơn, ngược đèo Hạ Mi và xuôi về thị trấn An Châu, rồi cũng có khi xe cúng tôi phải vượt đèo, đổ dốc. Chính hoa lau hai bên vệ đường đã khiến cho người cầm lái cảm thấy bớt đi sự hiểm trở từ những khúc cua tay áo. Qua mỗi đoạn đường hoa nở nhiều chúng tôi không bỏ lỡ cơ hội ghi lại những khoảnh khắc ấy để làm kỷ niệm. Đẹp là vậy nhưng vì lá bông lau có cạnh sắc lẹm nên cũng rất dễ gây ra vết thương cho những ai muốn đến gần chúng. Hơn nữa lau lách là loài cỏ rất dễ cháy nên vào mùa khô người dân đi rừng nếu sơ ý rất có thể để xảy ra hỏa hoạn, cháy rừng.