Hồ Cấm Sơn là một trong những hồ nhân tạo lớn nhất cả nước. Hẳn những ai đã đến đây đều bàng hoàng trước vẻ êm đềm, trong lành và có phần hoành tráng mà có người từng ví đó như là "Hạ Long trên cạn". Ở đó còn là một ốc đảo mênh mông sóng nước cùng những bản làng thưa thớt. Người Sán Chí, người Tày, Nùng chào đón chúng tôi bằng tất cả sự mến khách, thân thiện.
Mênh mang Cấm Sơn
Cách Hà Nội hơn 100km, mọi người có thể đến Cấm Sơn bằng 2 con đường từ Đình Lập (Lạng Sơn) sang và từ thị trấn Chũ (Lục Ngạn) vào. Dù là đường nào thì sự khó khăn của giao thông đều được đánh giá là tương đương nhau.
Tuy vậy chúng tôi chọn đường từ hướng Chũ để men theo những bản làng người Nùng, người Sán Chỉ, người Dao - nơi có những ngôi nhà đất nâu óng màu thời gian và những vườn đồi bạt ngàn cây trái ở miền quả ngọt Lục Ngạn.
Non xanh nước biếc
Mùa Đông, lúc mà lúa, ngô, sắn đã được mang về chất đầy nhà, treo đầy gác bếp là lúc người Nùng, người Tày các xã Cấm Sơn, Hộ Đáp, Tân Sơn, Sơn Hải (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) cảm thấy nhàn hạ hơn bên những chợ phiên đầy sắc màu của áo chàm, túi nải. Chưa nhìn thấy hồ Cấm Sơn nhưng các giác quan của chúng tôi đã được đánh thức bởi những làn hơi nước êm dịu thoảng qua.
Dòng Cấm Sơn xuất phát từ huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, đến Lục Ngạn bị chặn lại thành hồ. Với diện tích khoảng 2.650ha, chiều dài khoảng 25km, bề ngang nơi rộng nhất khoảng 7km. Gọi là "ốc đảo" bởi các bản làng ở đây nằm lọt thỏm giữa bốn bề là nước. Muốn đến trung tâm xã hoặc từ nhà nọ sang nhà kia đều phải sử dụng thuyền nan, thuyền máy.
Có lẽ điều mà mọi người bất chấp khó khăn để đến "ốc đảo" này chính là sự thuần khiết, nguyên sơ ấy. Được trải nghiệm một chuyến du thuyền giữa mặt hồ rộng hơn 25 nghìn ha ấy là niềm mong đợi không chỉ của tôi mà còn của nhiều du khách.
Đây cũng nơi tạo nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Phó Đức Phương sáng tác ca khúc "Hồ trên núi" từ năm 1971 với những giai điệu vừa tha thiết vừa dữ dội: Thuyền ta ngược, thuyền ta xuôi giữa dòng nước bạc nhịp chèo ta bơi/ Ai đắp đập, ai phá núi/ Cho hồ nước đầy làm mặt gương soi/ Non xanh mà nước biếc...
Nhạc sĩ tài hoa này từng có lần chia sẻ với chúng tôi rằng: "Những năm chiến tranh, tôi phải sơ tán về Hà Bắc học. Năm đó, tôi được đạo diễn Khánh Dư mời viết lời bài hát cho bộ phim tài liệu "Sông nước quê hương". Cùng đoàn làm phim lên Lục Ngạn công tác, chúng tôi tới thăm một số công trình thủy lợi, trong đó có hồ Cấm Sơn. Đi thuyền giữa không gian mây trời, sơn thủy tuyệt đẹp, con người hăng say lao động, cảm xúc trong lòng người nghệ sĩ dâng trào thành lời bài ca ấy".
Phiêu du cùng sóng nước
Chúng tôi đến Cấm Sơn vào buổi sớm mùa Đông, thời điểm thích hợp nhất để chiêm ngưỡng cảnh sắc, không gian mặt hồ Cấm Sơn trong xanh soi bóng núi rừng và hoa cỏ. Ai cũng như tranh thủ hà hít hật sâu vào lồng ngực bầu không khí trong lành. Một cảm nhận yên ả thanh bình từ những giọt nắng ban mai xiên qua lớp sương mỏng manh ánh lên những tia lấp lánh, lúc này mặt hồ Cấm Sơn giống như một chiếc "gương trời" khổng lồ giữa núi rừng thơ mộng.
Bao quanh hồ là những dãy núi, quyện cùng trời xanh mây trắng. Vừa chèo thuyền đưa chúng tôi dạo quanh hồ, anh Vi Văn Đương (dân tộc Nùng bản địa ở thôn Mấn) vừa kể, thôn chúng tôi có 64 hộ (chủ yếu là dân tộc thiểu số), trước đây mỗi gia đình đều có vài sào ruộng để trồng lúa và hoa màu nhưng khoảng 3 năm nay mực nước hồ dâng cao tới 4 - 5m nên ruộng đất bị chìm ngập hết, nhiều vườn cây ăn quả cũng héo úa vì bị úng lụt.
Chưa năm nào mực nước hồ dâng cao như năm nay, bởi vậy mà vẻ đẹp của miền sóng nước, núi rừng nơi đây càng trở nên quyến rũ và có sức hút mạnh mẽ. Lòng hồ bao la còn là nơi phát triển đàn thủy sinh khổng lồ. Có nhiều đêm người dân cất được những mẻ lưới cả vài trăm ký, rồi không ít người may mắn bắt được cá lớn tới hàng chục ký. Bởi vậy, hồ Cấm Sơn cũng là địa chỉ hấp dẫn không thể bỏ qua của những "cần thủ" mê câu cá.
Đồng bào trong vùng sống chủ yếu bằng nghề đánh cá. Mùa nước hồ rút các hộ trồng thêm ngô khoai và cấy lúa nhưng cũng chỉ là tự cung tự cấp. Nông sản làm ra muốn tiêu thụ cũng phải đi nửa ngày đường ra chợ trung tâm. So với trước đây, cuộc sống nhân dân vùng lòng hồ đã khấm khá hơn nhiều, điện lưới cũng đã về được vài năm tuy vậy cái nghèo, cái đói vẫn luôn rình rập.
Những ngôi nhà chình tường đất đã trở thành nét đặc trưng tại đây, anh Đương kể, đơn sơ vậy thôi nhưng nhà đất nện giúp giữ ấm vào mùa đông mà lại mát vào mùa hè. Một ngôi nhà như thế có khi thọ bằng mấy đời người. Cảnh Cấm Sơn mùa nào cũng có nét quyến rũ riêng của mây, nước, núi non hòa quyện.
Trong lòng hồ là hàng trăm đảo lớn nhỏ, vào mùa khô, những bãi bồi nặng đầy phù sa được tận dụng trồng ngô và hoa màu, tạo thành một dải xanh mướt. Mùa mưa nước dâng đầy, lênh đênh giữa mặt hồ bao la ra các đảo nhỏ mới thấy đất trời nơi đây thật mênh mang nhưng gần gũi./.
Bài: Nguyễn Hưởng; Ảnh: Lĩnh Phương