Theo câu hát “Gửi về sông Lục núi Huyền” của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, chúng tôi tìm đến huyện Lục Nam (Bắc Giang). Thiên nhiên, tạo hóa ưu ái ban tặng cho mảnh đất sườn Tây Yên Tử này nhiều danh lam, thắng cảnh tuyệt đẹp. Suối reo, thác đổ, rừng xanh, núi thẳm, đền chùa cổ kính… hấp dẫn du khách, níu chân người trải nghiệm đến quên lối về.
Kỳ diệu suối, thác núi Huyền
Với những người yêu thích du lịch ở Bắc Giang, khi nói đến vùng đất sông Lục, núi Huyền (tức sông Lục Nam, núi Huyền Đinh), họ sẽ nghĩ ngay tới thắng cảnh Suối Mỡ. Hiện nay, từ TP Bắc Giang, du khách có thể dễ dàng di chuyển theo quốc lộ 31 hoặc tỉnh lộ 293 - cung đường tâm linh để đến Lục Nam.
Suối Mỡ - điểm du lịch sinh thái, tâm linh nổi tiếng ở Lục Nam. |
Gặp mấy anh chị trong đoàn du khách ở TP Bắc Giang, tôi được nghe họ kể: “Khoảng 20-30 năm trước, cứ đến dịp nghỉ hè, từng tốp học sinh cấp 2, cấp 3 ở thị xã Bắc Giang (nay là TP Bắc Giang) và các huyện lân cận lại đạp xe vài chục km lên chơi Suối Mỡ. Đi hết hè này sang hè khác mà không biết chán…”. Quả thực, khi những thắng cảnh khác ở Bắc Giang còn chưa được quảng bá, thì Suối Mỡ đã trở thành thương hiệu, điểm nhấn du lịch của tỉnh.
Vừa hàn huyên với mọi người, chúng tôi vừa bách bộ từ thấp lên cao ngược dòng chảy của con suối. Nhìn từ xa, suối Mỡ uốn lượn như dải lụa trắng tô điểm vào vẻ đẹp của bức tranh rừng xanh núi thẳm Huyền Đinh. Dưới suối là những tảng đá to, nhỏ xếp ngổn ngang. Dòng nước trong vắt luồn lách qua từng khe đá, thỉnh thoảng đổ xuống tạo thành ngọn thác nhỏ tung bọt trắng xóa.
Chẳng biết từ bao giờ cái tên Suối Mỡ xuất hiện. Đến đây, chúng tôi được nghe câu chuyện truyền thuyết rằng: Để ghi nhớ công ơn của công chúa Quế Mị Nương đã tạo ra nguồn nước, để đất đai tốt tươi, mùa màng bội thu, người dân trong vùng đã đặt cho cái tên suối Mỡ (đọc lái đi là suối Mẫu). Từ “Mỡ” ấy có nghĩa mầu mỡ tốt tươi. Nhưng cũng có nhiều du khách cười đùa bảo rằng suối đá trơn như đổ mỡ nên có tên như vậy chăng?…
Dọc theo cung đường dạo bộ sảng khoái, mát mẻ, du khách còn được viếng thăm những ngôi đền linh thiêng. Nào là: “Đền Trung, đền Thượng hương khói vi vu” , rồi đến đền Hạ, đền Trần, đền Quan trầm mặc uy nghi… Đặc biệt ấn tượng với chúng tôi khi phát hiện ra cây hoa lan đại thụ ở phía sân sau của đền Hạ. Vào mùa hoa, khách đứng xa vài chục mét cũng có thể ngửi thấy hương thơm của “cụ" lan đã hơn 200 tuổi này.
Giữa bao la đất trời, từng cơn gió ào ào thổi tung vạt áo, vành mũ khiến ta cảm nhận một cách chân thực như thiên nhiên đang ùa vào lòng. Nếu ngành du lịch Bắc Giang và Quảng Ninh có sự phối kết hợp để khai thác bài bản… thì đây sẽ trở thành cung leo núi, trải nghiệm, bái Phật vô cùng hấp dẫn, thú vị. |
Cung bậc cảm xúc lên cao, chúng tôi quyết định vượt rừng lên đỉnh Huyền Đinh tìm tới thác Thùm Thùm. Từ chân núi, du khách cần phải vượt qua cung đường đèo dốc với nhiều khúc cua tay áo để tới đỉnh.
Sau quãng đường 7-8 km, mọi người dừng xe tại điểm cách chân thác 1 km. Từ đây là hành trình trải nghiệm rừng già. Sau hơn 20 phút bách bộ, tiếng thác đổ lớn dần vọng đến tai mọi người. Nhìn từ xa thác có 4 tầng đầy thử thách. Từ đỉnh núi Huyền Đinh, quanh năm dòng nước đổ xuống qua những vách đá hiểm trở. Dải nước trắng xóa như được núi rừng tạc lên, đẹp mê hồn.
Chinh phục đỉnh Phật Sơn
Một ngày sống giữa suối, thác núi Huyền vẫn chưa cảm thấy “đã”, nên hôm sau chúng tôi quyết định đến xã Lục Sơn nằm bên sườn Tây dãy núi Yên Tử. Mảnh đất sâu, xa nhất của huyện Lục Nam này có những điểm đến mà chúng tôi đã ước ao được khám phá, chinh phục bấy lâu.
Biết chúng tôi ở xa đến muốn khám phá suối Nước Vàng, thác Giót, chinh phục đỉnh núi Phật Sơn, chàng trai người Tày tên Thân Văn Doanh đã tình nguyện làm người dẫn đường. Men theo từng đoạn suối, bụi cây, cả đoàn dần lạc vào vùng rừng nguyên sinh. Không gian chỉ còn những tiếng chim kêu lảnh lót, hòa với âm thanh lá rừng xào xạc khi gió thổi qua.
Vừa dẫn đường, Doanh vừa kể chuyện. Chuyện kể rằng ở quanh chân núi Phật Sơn có vài xóm người Tày, Nùng, Cao Lan đã sinh sống lâu đời. Từ xa xưa mọi người biết đến suối Nước Vàng và coi đây như nguồn nước quý. Thứ nước suối có màu vàng sóng sánh như mật ong rừng Tây Yên Tử ở đây thật kỳ diệu. Người dân thường ra suối lấy nước về ăn, uống. Phụ nữ Cao Lan còn đem nước suối về để đun với lá thảo dược rừng tắm cho trẻ sơ sinh để cầu mong con lớn lên có sức khỏe, trí tuệ…
Cứ theo dòng suối, đoàn người dần lạc vào vùng lõi của cánh rừng. Gần đến trưa cả nhóm tới thác Giót (dân bản địa gọi là khe Giót) nằm ở lưng chừng núi Phật Sơn. Thác Giót được xem như thượng nguồn của suối Nước Vàng. Từ trên mỏm núi, dòng thác ào ào đổ xuống, qua vách đá rêu cỏ xanh non.
Người dân xã Lục Sơn kê đá làm cầu qua suối Nước Vàng. |
Phía trước, đỉnh núi Phật Sơn hùng vĩ đang vẫy gọi. Đoạn đường cuối lên núi mọi người phải đi qua nhiều bụi rậm, lại khá dốc đòi hỏi cả đoàn tập trung cao độ. Vượt qua những lùm cây cuối cùng, chúng tôi vỡ òa sung sướng khi bắt gặp một bãi cỏ rộng mênh mông. Ở độ cao gần 900 m so với mực nước biển, thảo nguyên hoang dã hiện ra đầy mê hoặc. Rải rác khắp thảm cỏ xanh là những phiến đá to, nhỏ xám xịt. Đá có đủ hình hài kỳ dị, lạ mắt.
Dân bản địa ở hai bên sườn núi Phật Sơn thuộc tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh từ xưa lên đây đã tưởng tượng ra câu chuyện về các vị tiên hạ phàm. Tiên dạo chơi trên núi đánh cờ, đàm đạo. Từ đó cái tên Sân Trời được họ đặt cho bãi đá. Còn những hòn đá nhỏ nằm rải rác là các quân cờ để tiên chơi. Có phiến đá y như hình con trăn đang thu mình thành những vòng tròn. Tảng khác lại giống hệt con rùa khổng lồ ngóc đầu lên trời cao… Tất cả như được các thần tiên nhào nặn ra…
Mọi người vô cùng thích thú khi được trèo lên tảng đá con rùa ngả lưng thả hồn phiêu lãng cùng mây trời. Giữa bao la đất trời, từng cơn ào ào thổi tung vạt áo, vành mũ khiến ta cảm nhận một cách chân thực như thiên nhiên đang ùa vào lòng. Từ đỉnh núi, nếu có thời gian du khách có thể hạ sơn sang sườn Đông để tới chùa Hồ Thiên, am Ngọa Vân… bên đất Đông Triều (Quảng Ninh). Nếu ngành du lịch Bắc Giang và Quảng Ninh có sự phối kết hợp để khai thác bài bản… thì đây sẽ trở thành cung leo núi, trải nghiệm, bái Phật vô cùng hấp dẫn, thú vị.
Theo Báo Bắc Giang