Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Danh Thắng Đánh thức tiềm năng du lịch Lục Ngạn

Đánh thức tiềm năng du lịch Lục Ngạn

Là một huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, cách thành phố Bắc Giang 40km và cách thủ đô Hà Nội 90km về phía Đông Bắc. Đây là vùng đất cổ có bề dày truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm với nhiều địa danh hiển hách đã được lưu truyền trong sử sách như: Động Giáp, Đèo Ải, Nội Bàng, Bến Bò, Nam Điện... Không những thế, thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng đất Lục Ngạn một tiểu vùng khí hậu ôn hòa, mát mẻ, để rồi hôm nay, huyện miền núi Lục Ngạn đã trở thành một vùng cây ăn quả trù phú và những sản vật nổi tiếng của cả nước như vải thiều, mỳ Chũ, rượu Kiên Thành và nếp cái hoa vàng Phì Điền. Trong đó tiếng thơm của Vải thiều thơm ngon, bổ dưỡng đã và đang chắp cánh cho thương hiệu Lục Ngạn không ngừng vươn xa ra khắp trong và ngoài nước. Không chỉ có vậy, nơi đây còn có nhiều quần thể di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, tạo nên một tiềm năng du lịch hấp dẫn đang mời gọi du khách gần xa đến với vùng quê Lục Ngạn. Mỗi khi nhắc đến Lục Ngạn, người ta nghĩ đến vùng đất này không chỉ là vùng đất đã viết nên bao huyền thoại, với những địa danh đã đi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, những thắng cảnh nguyên sơ, thơ mộng du khách còn biết đến Lục Ngạn như là kinh đô của quả vải thiều vang danh khắp chốn gần xa.

 

Ảnh sưu tầm

 

Có thể thấy, Lục Ngạn là vùng đất  được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện tự nhiên như địa hình, khí hậu, nguồn nước, đất đai… cho nên nơi đây rất phù hợp với việc phát triển  các loại cây ăn quả đặc biệt là vải thiều, đây là một trong những đặc sản nổi tiếng của địa phương mà khắp bốn phương đâu đâu ai cũng biết đến. Nếu như hơn 20 năm trước, ở Lục Ngạn là một vùng đất đồi cằn đá sỏi, hoang sơ thì giờ đây với bàn tay, khối óc của người Lục Ngạn đã biến vùng đất này thành những miệt vườn trù phú với cây vải thiều, để rồi hôm nay, vùng Lục Ngạn được bạn bè khắp gần xa biết đến như một vương quốc vải thiều, viên ngọc xanh nơi phên dậu phía Đông Bắc của Tổ quốc.

Những khu vườn đồi trồng vải vươn dài, trải rộng từ vùng thấp đến vùng cao đã và đang tạo ra cho nơi vùng quê này một môi trường sinh thái trong lành mát mẻ,  một khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp với màu xanh ngút tầm mắt. Nếu những ai đã từng đến Lục Ngạn vào mùa xuân, khi cả vùng đồi Lục Ngạn khoác trên mình tấm áo trắng tinh khôi của hoa vải sẽ thấy lòng mình thư thái đến lạ thường, hương thơm từ mật hoa đã mời gọi hàng chục nghìn đàn ong về làm mật. Khi cả vùng Lục Ngạn được tô điểm lên màu đỏ rực của vải thiều chín, những vườn vải thiều chín lúc lỉu rung rinh dưới nắng hè càng tô điểm cho bức tranh thiên nhiên thêm phần sống động. Hương vị ngọt ngào của quả vải cùng với tình người đất vải đang là điểm nhấn mời gọi du khách gần xa về với vùng quê Lục Ngạn. Du khách đến với Lục Ngạn vào dịp này sẽ thỏa sức đi thăm các vườn vải thiều chín, được tận tay ngắt trái vải chín mọng trên cây để mềm môi thưởng thức mà cảm nhận được duyên đất và tình người được chắt chiu trong đó. Thăm vườn vải thiều, kết hợp với các dịch vụ nhà vườn sinh thái sẽ là một trong những loại hình du lịch hấp dẫn được khai thác trong tương lai không xa ở huyện miền núi Lục Ngạn.

Không chỉ có vải thiều, du khách đến Lục Ngạn còn được thưởng thức nhiều loại trái cây khác như hồng Nhân Hậu, táo Đài Loan, cam Đường Canh hay Bưởi Diễn… đây  cũng là những đặc sản mà du khách thường chọn lựa sau mỗi chuyến thăm quan để làm quà tặng cho người thân.

Đến với Lục Ngạn, ngoài việc thăm quan các miệt vườn trái chín, du khách sẽ không quên một lần đến thăm làng nghề truyền thống nơi bên kia dòng sông Lục hiền hòa và nếm thử hương vị dẻo dai, béo ngậy của đặc sản mỳ Chũ. Sợi mỳ mềm, dẻo, dai, có màu trắng ngà rất được du khách trong và ngoài nước tin dùng, bên cạnh đó Lục Ngạn còn nổi tiếng với sản phẩm mật ong hoa vải có chất lượng cao, tăng cường sức khỏe, làm thuốc chữa bệnh...

Cách thị trấn Chũ, về phía Tây Bắc chừng 10 đến 30km, du khách sẽ được đắm mình trong không gian mênh mông sơn thủy hữu tình của hồ Khuôn Thần và hồ Cấm Sơn. Đây là 2 địa danh nổi tiếng về du lịch sinh thái hấp dẫn và thu hút đông khách đến thăm nhất của huyện Lục Ngạn nói riêng và của Bắc Giang nói chung. Du khách đến nơi đây sẽ được tắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, được chèo thuyền câu cá, kết hợp với nghỉ dưỡng và đi bộ leo núi….so với hồ Khuôn Thần thì  hồ Cấm Sơn có diện tích lớn hơn, hồ có diện tích mặt nước là 2650ha, dài khoảng 26 km, chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 7km, mặt nước trong xanh phẳng lặng, đan xen giữa mặt hồ là các đảo nổi nhấp nhô, xung quanh mặt hồ là những dãy núi cao và làng xóm bao bọc trùng điệp. Tại đây, du khách sẽ được cảm nhận bầu không khí trong lành mát mẻ, được hòa nhập với thiên nhiên tuyệt diệu, phong cảnh hữu tình, trên mây dưới hồ nước.... Hồ Cấm Sơn và hồ Khuôn Thần là hai dự án nằm trong tổng số 8 dự án được tỉnh Bắc Giang kêu gọi đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2011-2015 (Hồ Cấm Sơn số vốn đầu tư là 4000 tỷ, với diện tích từ 1000-2300ha. Hồ Khuôn Thần số vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng diện tích khoảng 400 ha).

 

Hồ Khuôn Thần xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang. Ảnh TTXTDL

Đến với Lục Ngạn du khách không chỉ được thưởng thức những sản vật nổi tiếng của địa phương, được du ngoạn trên hồ Khuôn Thần và hồ Cấm Sơn mà còn được tham quan các di tích lịch sử văn hoá đã có từ lâu đời như đền Từ Hả, xã Hồng Giang; đền Cầu Từ, xã Phượng Sơn và mới đây là khu di tích lịch sử văn hóa chùa Am Vãi (hay còn gọi là Am Ni Tự) tọa lạc trên đỉnh ngọn núi Am Ni (núi Quan âm) thuộc xã Nam Dương, chùa nằm trên sườn núi cao hơn so với mực nước biển 700m thuộc vòng cung Yên Tử. Từ trên cao nhìn xuống thung lũng trải một màu xanh mượt, đan xen là sông uốn khúc như dải lụa bạc. Cảnh sơn thủy hữu tình lại có thêm ngôi chùa cổ càng làm tăng thêm vẻ đẹp của vùng đất nơi đây. Bên cạnh đó Lục Ngạn còn là mảnh đất lưu giữ những giá trị di sản văn hoá phi vật thể đặc sắc của đồng bào các dân tộc của tỉnh Bắc Giang như lễ hội đền Từ Hả, xã Hồng Giang và các hội hát soong hao, hát sli, hát lượn… nay đã trở thành nét văn hóa được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Những giá trị trên là điều kiện lý tưởng để Lục Ngạn  phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch văn hoá và du lịch tâm linh...

Có thể nói, Lục Ngạn là miền đất cổ có từ lâu đời, giàu truyền thống lịch sử văn hóa, trải qua sự thăng trầm của lịch sử, đến nay Lục Ngạn vẫn còn lưu giữ được nhiều những  di tích  lịch sử có giá trị văn hóa như thành nhà Mạc tại xã Phượng Sơn, nơi đây là địa điểm phòng tuyến chống quân Nguyên-Mông của Trần Hưng đạo. Vùng đất Lục Ngạn cũng là nơi sinh ra những bậc hào kiệt anh hùng như tướng quân Thân Cảnh Phúc, theo truyền thuyết ông là Phò Mã của vương triều nhà Lý là người văn võ song toàn, có công đánh đuổi giặc Tống vào thế kỷ XII, Quân Tống khiếp sợ ông và phong ông là Thiên Thần Động Giáp.Hiện nay, tại đền Từ Hả, xã Hồng Giang là nơi nhân dân tôn thờ và tưởng niệm đến công lao to lớn của ôngLục Ngạn còn được du khách gần xa biết đến với ngôi đền Cầu Từ nổi tiếng linh thiêng, trong đền có cây Thị cổ thụ to khoảng vài người ôm không hết, lá quanh năm xanh tốt, theo các cụ  cao niên trong làng cho biết  cây Thị có khoảng  trên 600 trăm năm  tuổi. Kế bên đền là một khu đất nhỏ đã được các nhà khảo cổ học khai quật và phát hiện một số gạch ngói niên đại khoảng thời Lý( thế kỷ thứ XI-XII).

Lục Ngạn cũng là nơi sinh sống của đông đồng bào dân tộc anh em như: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chí, Cao Lan, Dao và dân tộc Hoa…bởi vậy, nơi đây còn lưu giữ được những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.  Du khách lên Lục Ngạn và đi chợ hội vùng cao, sẽ được nghe câu sloong hao chợ Cầu Trắng xã Phong Vân, chợ Thác Lười xã Tân Sơn, nghe câu Soong cô của dân tộc Sán Dìu, điệu then tình tứ của người Tày và tiếng Khèn gọi bạn của người Dao Na Lang hay điệu Sịnh ca của dân tộc Cao Lan, xã Đèo Gia… Đặc biệt  những nét văn hóa ấy được hội tụ trong ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc Lục Ngạn được tổ chức hàng năm vào ngày 18, tháng 2 âm lịch đã trở thành bản sắc văn hóa của vùng đất và con người Lục Ngạn.

Tuy nhiên, để Lục Ngạn trở thành một điểm đến hấp dẫn trong tương lai lại là cả một quá trình dài bền bỉ phấn đấu của các cấp, ngành và nhân dân địa phương. Ngoài sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương Lục Ngạn rất cần sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương cho lộ trình phát triển du lịch Lục Ngạn. Ngoài các tiềm năng phong phú về các loại hình du lịch, vị thế cho Lục Ngạn cũng cần phải lựa chọn bước đi, cần phải có chiến lược phát triển du lịch. Trong đó, cần coi trọng yếu tố văn hóa, bởi văn hóa luôn là nền tảng của du lịch, cho du lịch cơ hội khai thác, phát huy. Và hơn hết, việc gìn giữ bản sắc, gìn giữ không gian, môi trường, di sản văn hóa phải được quan tâm thường xuyên. Mặt khác, công tác đầu tư phát triển du lịch văn hóa cần tránh làm sai, hỏng hoặc “mới hoá” vốn bản sắc văn hóa truyền thống. Để làm được điều này, trước tiên, Lục Ngạn cần phải lập bản đồ quy hoạch và khoanh vùng tổng thể, trước mắt tập trung cho ba điểm: du lịch hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn, đền Từ Hả và chùa Am Vãi. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với chủ trương phát triển du lịch, tạo ra sự đồng thuận cao trong việc bảo vệ các di tích, cảnh quan, môi trường và từ đó người dân tự giác tham gia làm du lịch.  Đồng thời, thực hiện công tác thu hút đầu tư phát triển du lịch theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư hạ tầng dịch vụ như: nhà nghỉ, khu vui chơi, nghỉ dưỡng, khu nhà hàng, khách sạn. Có như vậy, tiềm năng du lịch của Lục Ngạn mới được phát huy, khai thác tạo nguồn thu cho ngân sách và góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương.

Cùng chung sự phát triển du lịch của tỉnh Bắc Giang, du lịch Lục Ngạn đang ngày càng khởi sắc. Với những tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú, Lục Ngạn sẽ là địa phương mang đến cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có nhiều sự lựa chọn để khai thác, xây dựng và phát huy các sản phẩm du lịch đặc sắc, mang nét riêng, đặc trưng của vùng Lục Ngạn. Đây là những yếu tố quan trọng  giúp cho du lịch Lục Ngạn sẽ tiến nhanh hơn trong chặng đường phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Lượt xem: 993