Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Danh Thắng Hành hương từ Tây sang Đông Yên Tử

Hành hương từ Tây sang Đông Yên Tử

Với những ai ưa khám phá vùng đất mới thì có lẽ Tây Yên Tử đích thực là nơi đáng để đến, cảm nhận sự nguyên sơ, kỳ vĩ. Và nếu như sườn Đông Yên Tử bên phía tỉnh Quảng Ninh đã từng làm mòn gót chân biết bao du khách thì sườn Tây Yên Tử bên phía huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang như một bức tranh nhiều màu sắc và khá mới mẻ.

Cung đường đáng nhớ 
Đầu Đông, những cơn mưa rào bất chợt ở Tây Yên Tử đã thực sự như là một phép thử làm khó đối với du khách chúng tôi về sự kiên nhẫn khi chinh phục non thiêng huyền thoại. Đồng bào bản địa ở xã Tuấn Mậu chia sẻ rằng, cả tháng nay vùng đất này liên tục có mưa, những lối mòn lầy lội và mây mù luôn quẩn quanh bên các bản làng người Dao. Không khí ẩm thấp nên cũng thật dể hiểu khi một số công nhân đang thi công các hạng mục của dự án du lịch trên địa bàn nói rằng, họ cảm thấy thèm được sưởi ấm bằng những tia nắng mặt trời hanh hao.
So với dăm năm về trước, đường lên Tây Yên Tử giờ đây đã dễ đi hơn gấp cả trăm lần. Những con suối đầy rẫy sỏi đá lô nhô ngày nào đã được thay bằng những chiếc cầu bê tông kiên cố. Tuyến đường tỉnh 293 còn có tên gọi là đường “Tây Yên Tử” có chiều dài hơn 70 km từ TP Bắc Giang đến thôn Đồng Thông, xã Tuấn Mậu đã rút ngắn khoảng cách giữa đô thị và rẻo cao của cộng đồng người Dao Thanh y bản Mậu.
Một hành trình đẹp như mơ bởi sức hút kỳ lạ từ cánh rừng nguyên sinh với ngút ngàn mây trắng, núi non điệp trùng, mây giăng hư ảo. Điểm đừng chân đầu tiên của đoàn chúng tôi tại đỉnh Đèo Bụt nơi giáp ranh giữa hai huyện Lục Nam và Sơn Động của tỉnh Bắc Giang. Con đèo ngoằn ngòe, quanh năm mây trắng bao phủ, người dân tại đây kể rằng, hầu như đoàn nào lên Tây Yên Tử cũng đều dừng chân tại Đèo Bụt để ngắm cảnh. Chỉ nghe tên đèo, tên núi cũng đủ để biết nơi đây ẩn chứa những giá trị lâu đời của Phật giáo. Mùa đông, Tây Yên Tử nổi bật với vẻ đẹp của những vạt hoa lau nở trắng hai bên đường. Cảnh vật cứ như níu chân du khách, những chiếc xe cứ chạy một cách thong thả trên đường để chủ nhân mải mê chiêm ngưỡng cảnh vật thiên nhiên. Qua mỗi đoạn đường hoa nở nhiều, chúng tôi đều dừng lại không bỏ lỡ cơ hội ghi lại những khoảnh khắc ấy.
Từ đèo Bụt di chuyển chưa đầy 3 km nữa, chúng tôi chạm chân tới bản Mậu thuộc xã Tuấn Mậu- bản của 109 hộ người dân tộc Dao nổi tiếng với nhiều cô gái xinh đẹp, duyên dáng. Có người ví von đó là bản gái đẹp tiến vua bởi không ít mỹ nữ xuất thân từ đây được giải cao trong các cuộc thi hoa khôi, hoa hậu trong nước. Và nếu như ai muốn nghe về những huyền tích về nguồn gốc, hay những câu chuyện về bản gái đẹp này thì từ trẻ nhỏ đến người già trong bản đều thuộc nằm lòng. Đó là chuyện của quá khư, của những huyền thoại, còn ngày nay, chỉ cần ghé vào bản một lúc là có thể bắt gặp thấp thoáng đâu đó những nét mặt dịu dàng với đôi chân thon dài, làn da trắng trẻo của những thiếu nữ miền sơn cước và tôi tin rằng mấy anh bạn đi cùng đoàn chắc chắn đều có cảm giác có chút gì đó “xiêu lòng”. 
 Giữa rừng trúc xôn xao
Núi Yên Tử nằm trên cánh cung Đông Triều ôm gọn vùng Đông Bắc Việt Nam, sườn Đông thuộc tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, sườn Tây thuộc tỉnh Bắc Giang. Nếu Đông Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh) được xem là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành đắc đạo, thì Tây Yên Tử (Bắc Giang) chính là con đường hoằng dương Phật pháp, truyền bá, mở mang đạo Phật của vị vua từng rũ bỏ vinh hoa phú quý, chuyên tâm tu hành và tạo dựng một dòng Thiền mang bản sắc dân tộc Việt. Các tài liệu nói rằng: sau khi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, thiền sư Pháp Loa và tổ đệ tam Huyền Quang cũng theo con đường phía Tây này thực hiện nhiệm vụ Phật sự của Trúc Lâm và cho mở mang, xây dựng chùa tháp, phát triển đạo Phật rộng khắp ở Bắc Giang, Hải Dương. Bởi thế phía sườn Tây núi Yên Tử còn đó trầm tích của hàng loạt các công trình di tích liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và hưng thịnh của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử như: Chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Khám Lạng, chùa Yên Mã, chùa Am Vãi, chùa Hồ Bấc, chùa Đám Trì, chùa Bình Long, chùa Sơn Tháp… Những nền móng kiến trúc do các nhà khảo cổ học khai quật được trước đây tại những di tích trên đều chứng minh được có từ thời Trần và có mối liên hệ mật thiết với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Tam Tổ Trúc Lâm sáng lập. Từ đây leo bộ mất gần 2 giờ đồng hồ giữa rừng trúc để lên đỉnh chùa Đồng. 
Bên sườn Tây Yên Tử, hiện đã được xây dựng các công trình tâm linh gồm chùa Hạ, chùa Thượng, đồng thời hệ thống cáp treo cũng đã sắp đưa vào khai thác, sử dụng để phục vụ khách du lịch đến với vùng đất thiêng Yên Tử. Tuy nhiên việc hành hương bộ qua các lối mòn vẫn là sự lựa chọn được nhiều du khách quan tâm.
Tháng 12, Yên Tử thưa vắng khách nên đường đi lối lại cũng bị cỏ dại và cây trúc choán ra hai bên. Dốc khi thoai thoải, khi gấp khúc, giữa mùa đông mà áo ai cũng ướt đẫm, nhưng rồi cũng mau chóng được hong kho từ những cơn gió lớn trên đỉnh núi. Tiếng chim muông hòa cùng tiếng lá trúc kêu xào xạc càng tạo cho không gian chốn thiền thêm huyền ảo. Cách chùa Đồng khoảng 1km, chúng tôi gặp một “cụ” đá đầu hướng về chùa Đồng. “Cụ” rùa đá nằm tại vị trí giáp ranh giữa đất của Quảng Ninh với Bắc Giang, ai cũng đều dừng lại chắp tay lậy và không quên lưu giữ vài bức hình thật kỳ lạ, độc đáo đó. Người dân vùng đất này còn âm vang mãi về một thuyền thuyết rằng, trong quá khứ “cụ” rùa này đi từ đất Bắc Giang sang Quảng Ninh, tới đây “cụ” đuối sức và đã hóa thành đá nên rất linh thiêng, từ đó tới nay mỗi khi ai đi qua đây đều cúi đầu vái lậy.
Càng lên cao sương mù càng dày đặc, chúng tôi vén những cành trúc để đi và rồi cũng đến được đỉnh chùa Đồng. Mùa này Yên Tử vắng khách, xung quanh cũng chỉ toàn là mây mù, thật tiếc khi không được phóng tầm mắt bao quát cả một vùng giang sơn cẩm tú. Trong màn sương lạnh, cả đoàn thành tâm, thành kính chắp tay lễ Phật và kịp xuống núi khi trời chiều ngả bóng. Chuyến hành hương về đất Phật kết hợp khám phá thiên nhiên tươi đẹp ngày đầu Đông thật ý nghĩa và thú vị để tìm những cảm giác thật yên ả, tĩnh mịch và an nhiên./.
 Nguyễn Hưởng
Ngày cập nhật: 21/12/2018 Lượt xem: 608