Huyện Yên Dũng có dãy Nham Biền trập trùng 99 ngọn, trong đó một ngọn núi mang tên Phượng Hoàng - nơi có đỉnh Non Vua. Từ Trúc Lâm Thiền Viện tới đỉnh Non Vua là đoạn đường núi nhiều cảnh sắc, đủ đẹp để mê hoặc du khách. Thiên nhiên, cây cỏ, mây trời gió núi, những huyền tích cổ xưa, cộng thêm sự tôn tạo của con người đã tạo nên sự hấp dẫn của điểm đến du lịch Bắc Giang với đầy đủ “non sông tú khí”.
Giữa vùng đồng bằng trù phú, bỗng nổi lên dãy Nham Biền khá kỳ vĩ và cao hơn hẳn là đỉnh Non Vua. Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng được xây dựng tại lưng chừng ngọn Non Vua, một điểm sơn thủy giao hòa, nhìn sông tựa núi, cảnh sắc, không gian nhuốm màu huyền thoại, có tầm nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn. Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng đều đặn sáng mõ, chiều chuông. Ngày cuối tuần, nhiều phật tử hoặc những nhóm, câu lạc bộ yêu thích văn hóa - thể thao thường tổ chức leo núi khám phá dãy Nham Biền, đích đến là đỉnh Non Vua ở độ cao gần 300m so với mực nước biển.
Đỉnh Non Vua có địa danh giếng Trời, còn được gọi là Thiên Huyệt, quanh năm có dòng nước trong mát tuôn chảy xuống khu vực chùa Nguyệt Nham, rồi hòa vào dòng sông Thương. Con đường từ chân núi đến Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng khá thuận lợi với độ dốc thoai thoải, hai bên đường là những hàng thông gió reo vi vút.
Đường lên Non Vua mùa nào cũng đẹp, hai bên trải dài những trảng cây bụi sim, mua, ràng ràng và rừng thông ngút ngàn reo trong gió. Độ cao, gấp khúc thực sự là một thử thách đối với nhiều người. Càng lên cao khí hậu càng mát mẻ, cảm giác như chạm vào mây. Dưới chân núi có khe Hang Dầu được biết đến là nơi quy tụ nguồn nước dồi dào. Những người dân bản địa quan niệm rằng: Dải núi Nham Biền được ví như chiếc đòn gánh, gánh hai dải bạc Nhật Đức và Nguyệt Đức (dòng sông Thương và sông Cầu). Đứng trên đỉnh núi có thể bao quát toàn bộ một vùng châu thổ trù phú mênh mông phía hạ du. Phóng tầm mắt về phía tây là dòng sông Cầu uốn khúc quanh co, trải dài như một dải lụa trắng. Hướng về phía đông bắc quan sát thấy Phủ Lạng Thương và dòng sông Thương “bên đục bên trong” êm đềm ngàn năm lặng chảy.
Dải Nham Biền có 99 ngọn núi, mỗi ngọn đều mang một tên riêng hàm chứa đầy huyền tích lịch sử như các núi: Non Vua, Vua Bà, Ông Lão, Bành Kiệu, Cột Cờ, Hàm Long, Mâm Xôi, Giếng Tiên…Trên đỉnh Non Vua còn có bàn cờ tiên bằng đá, tương truyền xưa kia có mười một nàng tiên nữ thường hay xuống núi Nham Biền ngắm cảnh đẹp và chơi cờ trên khối đá này.
Truyền thuyết kể rằng: Trên dãy núi Nham Biền, cây cối xanh mát, mây phủ quanh năm, sinh khí dồi dào, vốn là nơi cho muôn loài tụ hội. Ngọc Hoàng cho 100 nàng tiên xuống đắp 100 quả núi và đào 100 cái ao ở vùng đất này. Nhưng có một nàng tiên lơ đễnh đã đào 1 cái ao và đắp một quả núi ở vùng khác nên chỉ còn 99 ngọn núi và 99 cái ao. Một ngày kia, có vị quân vương vì muốn chọn đất lập đế đô mở mang cơ nghiệp nên đã tìm về dãy núi này ngắm địa thế. Thấy nơi đây ngùn ngụt vượng khí, mây lành quấn quýt nên ngài rất ưng ý. Chợt lúc ấy, có 100 con chim phượng hoàng từ đâu bay về, mỗi con đậu trên một ngọn núi; riêng con chim đầu đàn vì không có chỗ đậu nên đành vỗ cánh bay đi, kéo cả đàn cùng theo. Nhìn thấy đàn chim thiêng vỗ cánh rời đi, vị quân vương thầm thở dài, dù biết là vùng đất đẹp nhưng không phải là nơi làm đế đô nên đành chọn nơi khác. Chỗ vị quân vương đứng ngắm đất ấy nay chính là ngọn cao nhất của dãy núi có tên gọi Non Vua.
Ít người biết rằng, chính vùng đất Phượng Hoàng này lại từng là thái ấp của Thái sư Trần Thủ Độ - vị công thần có công lao sáng lập nhà Trần. Theo các nguồn tài liệu chính sử: Do có công khai sáng nên tới khi triều Trần được thiết lập, Trần Thủ Độ được vua Trần ban cho hưởng lộc ở đất Châu Lạng, thuộc lộ Lạng Giang tức vùng Bắc Giang ngày nay. Đây là vùng đất nằm giữa sông Thương và sông Cầu trong đó có dãy Nham Biền và Non Vua. Thái sư Trần Thủ Độ là người luôn quan tâm đến việc trị thủy, chống úng lụt cho dân vùng đất Phượng Hoàng, giúp mùa màng tốt tươi, cuộc sống người dân ấm no hạnh phúc. Nhân dân trong vùng cảm tạ ơn đức đó đã tạc tượng Thái sư Trần Thủ Độ và vợ là Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung đưa vào thờ ở đình Kẻ Cáu, tôn làm Thành hoàng làng để bốn mùa hương khói.
Chính sử, huyền sử đan xen càng tạo nên sức hút và sự huyền bí về một vùng đất giàu tiềm năng du lịch. Thêm vào đó, vẻ đẹp sơn thuỷ hữu tính của dãy Nham Biền, đỉnh Non Vua và Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng ngày càng thu hút nhiều du khách đến thăm, khám phá, trải nghiệm và chiêm bái. Đây cũng là một trong những điểm du lịch mới của vùng đất bg được mời gọi, thu hút đầu tư./. Bài: Lê Đức Cương
Ảnh: Lưu Xuân San