Lục Nam (Bắc Giang) là vùng bán sơn địa đan xen với cánh cung Đông Triều phía Tây Yên Tử ôm ấp dải Huyền Đinh; có dòng sông Lục hiền hoà như dải lụa mềm chảy qua những xóm thôn trù phú. Hình sông thế núi ấy cùng với nền văn hoá bao đời mang lại cho vùng đất này nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.
Bắt nguồn từ mạch nước trên dải Huyền Đinh, Suối Mỡ đã mở ra cho Lục Nam một triển vọng lớn về du lịch, gắn với danh thắng này là truyền thuyết về tục thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn. Là di tích được xếp hạng cấp quốc gia đã hơn 20 năm, giờ đây Suối Mỡ đang phát triển mạnh mô hình du lịch tâm linh sinh thái.
Du khách thăm khu du lịch Suối Mỡ. Ảnh: Việt Hưng
Khi đến đây, ngoài các "tua” du lịch leo núi, mạo hiểm, đắm mình trong thiên nhiên hùng vĩ, du khách còn được thưởng thức những giá đồng của nghệ thuật hát chầu văn đặc sắc.
Suối Mỡ thường thu hút đông du khách vào các kỳ nghỉ lễ bởi nơi đây chỉ cách trung tâm TP Bắc Giang chưa đầy 40 km. Cũng trên cung đường này, đi vào sâu trong khu Tứ Sơn còn có suối Nước Vàng, thác Giót, xa xa một chút là vùng đất Phật Yên Tử.
Ba năm trở lại đây, riêng khu du lịch sinh thái Suối Mỡ đã được Nhà nước đầu tư khoảng 65 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Mới đây, khu du lịch này còn được tiếp nhận 1.200ha rừng cảnh quan và dự án trồng, quản lý, bảo vệ rừng với kinh phí đầu tư 6 tỷ đồng. Theo ông Dương Quang Học, Trưởng BQL khu du lịch sinh thái Suối Mỡ thì Suối Mỡ đang trở thành điểm nhấn cho du lịch Lục Nam, du khách đến đây ngày một tăng.
Bên cạnh những danh thắng đẹp, Lục Nam còn có khoảng 260 di tích, trong đó 81 di tích đã được xếp hạng, lưu giữ được những hiện vật quý, những giá trị lớn về kiến trúc, lịch sử, văn hoá... Đặc biệt, nơi đây còn có thể khai thác tiềm năng du lịch đường thuỷ khi có tuyến đường sông chảy dài, cắt ngang qua những di tích lịch sử văn hóa khá nổi tiếng
Nghề dệt thổ cẩm thôn Khe Nghè, xã Lục Sơn được khôi phục.
Ảnh: Đoàn Anh Tuấn
Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, từ nguồn xã hội hoá, các địa phương đã vận động nhân dân phát tâm công đức, trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá với số tiền lên đến gần chục tỷ đồng. Năm 2012 và 2013, toàn huyện có thêm 18 di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng, trong đó riêng xã Bảo Sơn có 5 di tích.
Ông Hoàng Công Bẩy, Chủ tịch UBND xã Bảo Sơn cho biết: "Nhân dân địa phương rất trân trọng giá trị của các di tích lịch sử văn hoá mà cha ông để lại. Vì vậy, việc góp công sức, tiền của để tôn tạo các công trình đều bắt nguồn từ sự tự nguyện của người dân. Cũng nhờ được quan tâm tôn tạo, các công trình ngày một bề thế, trở thành điểm sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của nhân dân trong vùng và du khách thập phương”.
Tiềm năng du lịch Lục Nam đang mở ra cùng với sự đầu tư của Nhà nước cho tuyến tỉnh lộ 293, được xác định là "con đường tâm linh” kết nối các di tích thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh) với chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), đình chùa Sàn (xã Phương Sơn), đình Hà Mỹ (xã Chu Điện), đình Thân (thị trấn Đồi Ngô), di chỉ khảo cổ chùa Cao (xã Khám Lạng), đình làng Đại Từ (xã Bảo Đài) - cơ sở Đảng đầu tiên của Lục Nam... Phía bên kia sông Lục có hệ thống chùa của xã Cương Sơn, Huyền Sơn, xa hơn là hệ thống đình, đền, chùa trong quần thể du lịch sinh thái Suối Mỡ và thông sang Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương).
Trong những kỳ Đại hội Đảng bộ huyện gần đây, Lục Nam đã xây dựng nghị quyết xác định du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển KT-XH. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện, việc tạo ra các sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện còn gặp không ít khó khăn, thiếu bóng dáng các sản phẩm đặc trưng, các tua du lịch chưa được khai thác hiệu quả, thiếu sự kết nối giữa các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Để du lịch Lục Nam phát triển, ngoài sự quan tâm, tạo cơ chế thuận lợi trong thu hút đầu tư của các cấp uỷ đảng, chính quyền, rất cần người dân chung tay phát triển làng nghề gắn với du lịch, bảo tồn các giá trị văn hoá; xây dựng hình ảnh Lục Nam thân thiện, hiếu khách…