Sẵn tôm, đầy cá
“Cấm Sơn có núi Ba Hòn, có đoàn du kích lên non diệt thù”. Tìm về câu ca xưa, chúng tôi ngược đèo lên với Cấm Sơn. Giữa cái nắng vàng hanh hao trải khắp miền núi rừng, những cơn gió bắc ngập tràn như càng góp thêm cho hồ Cấm Sơn nét thanh bình, yên ả. Làn nước trong xanh, sóng vỗ dập dềnh, chiếc thuyền nan khua nhẹ mái chèo lướt trên sóng nước, mặt hồ in bóng núi rừng như gom cả trời xanh xuống đáy nước bao la. Bạt ngàn bông lau, hoa dại bung nở trắng quanh hồ mùa này… Quả là một bức tranh sơn thủy đan xen cùng những nếp nhà đất nâu đã óng màu thời gian của người Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chí, càng khiến cho cảnh thu ở Cấm Sơn thêm khoáng đạt, yên bình.
Cuộc sống thường ngày của cư dân vùng lòng hồ Cấm Sơn. Ảnh: Trường Khang
Đoàn có mặt ở Cấm Sơn sau hành trình hơn 1 giờ đồng hồ di chuyển từ thành phố Bắc Giang trên quốc lộ 1A, ngược Hữu Lũng (Lạng Sơn) rồi đi vào đường nhánh rẽ sang xã Tân Sơn. Đường đi khá thuận lợi và cảnh quan hai bên đường mỗi lúc như mở ra bao điều mới lạ. Thi thoảng lại gặp những bóng áo chàm của đồng bào Tày, Nùng rủ nhau đi chợ phiên. Hồ Cấm Sơn hiện ra trước mắt với cảm giác thực sự ngỡ ngàng, làn nước mát tỏa ra cùng tiếng gió rì rào bên những rặng keo, thông cao vút, đã lâu lắm rồi tôi mới cảm nhận được “mùi” của khí núi hương trời đậm sâu đến vậy. Đoàn thuê thuyền máy cùng một người dân rẽ sóng du ngoạn đi qua các đảo chìm, đảo nổi, trò chuyện cùng thợ đánh cá và hòa chung với sóng nước mây trời. Cũng có khi bước chân lên đảo khám phá các bản làng, tìm hiểu về cuộc sống, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số. Và cũng không quên thưởng thức món tôm, cá nướng trên đảo nhỏ, món gà đồi luộc thơm mùi lá chanh, nhâm nhi chén rượu men lá Kiên Thành mềm môi ấm áp.
Thật hấp dẫn khi chứng kiến mẻ cá vừa được kéo lên từ lòng hồ của một ngư dân với đủ các loại trôi, chép, chạch trấu, cua, tôm... còn tươi rói. Đó là thành quả của một đêm thả lưới vương của người dân với bao vất vả nhọc nhằn. Bà con nơi đây kể rằng: Trước đây mỗi gia đình trong các đảo đều có vài sào ruộng để trồng lúa và hoa màu nhưng mấy năm nay mực nước hồ dâng cao tới 4 đến 5m nên ruộng đất bị chìm ngập hết, thậm chí nhiều vườn cây ăn quả cũng héo úa vì bị úng. May thay, nguồn thủy sinh ở hồ khá phong phú. Hầu hết các gia đình tại đây đều có lưới vương, lưới chùm, lưới bát quái, vó, rọ tôm, thuyền nan, thuyền máy. Đánh bắt được nhiều, ăn không hết lại chuyển cá lên bờ bán lấy tiền mua gạo và các vật dụng thiết yếu. Hoặc cũng có khi người dân chọn những con cá mương, cá thiểu loại nhỏ ướp muối, phơi khô để dành được lâu.
Du khách tham quan hồ Cấm Sơn. Ảnh: Trường Khang
Xưa nay Cấm Sơn vẫn được xem là “ốc đảo” hoang vu, người dân trong vùng lòng hồ gần như sống biệt lập với thế giới bên ngoài nên đồng bào khá chất phác, thân thiện. Dù đường giao thông đã phần nào được cải thiện hơn so với trước song những chiếc thuyền vẫn là phương tiện chính của bà con. Họ đi chợ bán cá, bán nông sản hằng ngày bằng thuyền, trẻ em đến lớp bằng thuyền và thậm chí từ nhà nọ sang nhà kia cách nhau có có vài mét cũng phải sử dụng thuyền. Cuộc sống bao đời nay vẫn lênh đênh cùng sóng nước. Công cuộc mưu sinh giữa lòng hồ có biết bao gian truân nhưng thương nhất là những em nhỏ phải tự chèo thuyền đến trường mà lạ thay bé nào cũng bơi giỏi như rái cá, chèo thuyền thật điêu luyện, cả những cô giáo trẻ miền xuôi “yêu nghề mến trẻ” phải cắm bản cả tháng trời mới có dịp ra ngoài phố.
Mùa này hanh khô, nước hồ Cấm Sơn đã bắt đầu rút sâu hơn, để lộ ra những bãi đất phù sa, người dân lại tranh thủ trồng hoa màu ven bờ nhưng sự mênh mang của hồ nước đầy vẫn còn hiện rõ. Cảnh đẹp, người dân thân thiện, mến khách, cộng thêm những định hướng, hỗ trợ của ngành chức năng, chính quyền địa phương nên du lịch vùng hồ ngày càng khởi sắc. Lượng khách du lịch đến hồ cũng đông hơn, cùng đó đã có thêm nhiều dịch vụ cho du khách khi đến Cấm Sơn.
Những ngư dân vùng hồ thuộc nằm lòng từng ngõ ngách trên hồ, họ là những hướng dẫn viên không chuyên thường kể cho đoàn khách về những sự kiện lịch sử, những sự tích về làng Mấn, đảo Lăn Lóc, núi Ba Hòn nhuốm màu huyền thoại... Đấy cũng là chất liệu quan trọng tô điểm thêm cho bức tranh nơi này. Chuyện là năm 1947, thực dân Pháp tràn về khu vực Lạng Sơn và chiếm đóng núi Ba Hòn thuộc tổng Cấm Sơn, khi đó chưa có hồ nước như ngày nay, nơi đây được đánh giá có vị trí đắc địa, nếu tiến có thể nhanh chóng vượt qua đèo Quao sang Lạng Sơn, khi lui sẽ tạo thế phòng thủ. Đội du kích núi Ba Hòn được thành lập. Năm 1950, sau hơn 3 năm kháng chiến, quân Pháp đã bị đánh bật khỏi Cấm Sơn, người dân từ khắp nơi lại trở về sinh sống, xây dựng bản làng. Hay chuyện giữa hồ có một ngọn đồi nhỏ tên là “đồi 63” vì năm 1974, đơn vị thủy sản của địa phương đã quây lưới đánh bắt được tới 63 tấn cá. Ở ven hồ kia, một số hộ đã làm bè nổi nuôi thả cá. Một số người còn phát triển mô hình làm bè lồng nuôi cá hồi xứ lạnh tại Cấm Sơn. Nơi đây còn có sự tích núi Ba Hòn đã nhuốm màu huyền thoại...
Bảo vệ hồ nước ngọt quý giá
Được biết, hằng năm, ngành nông nghiệp địa phương đã thả vài tấn các loại cá như: Trôi, mè, chép và rô phi nhằm bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên; tạo điều kiện giúp bà con các xã vùng hồ tăng nguồn thu nhờ khai thác, đánh bắt cá tại chỗ. Lắm tôm cá và cảnh quan tươi đẹp là lý do để nhiều nhóm, câu lạc bộ câu cá ở các thành phố lớn tìm về Cấm Sơn cắm trại vui chơi giải trí. Trong khi đó, từ năm 1992 đến 1998, quanh hồ Cấm Sơn được dự án CARE (Úc) đầu tư trồng rừng phòng hộ, diện tích cây xanh đã được phủ kín nên tạo canh quan môi trường sinh thái rất thân thiện. Cấm Sơn không chỉ có tôm cá nhiều, mà hơn hết là chất lượng nguồn nước rất tốt bởi xung quanh người dân trồng rừng bao phủ, lại không có hoạt động sản xuất công nghiệp xả thải ra môi trường.
Cư dân vùng lòng hồ Cấm Sơn vào mùa gặt hái. Ảnh: Trường Khang
Nằm ở độ cao khoảng 300m so với mực nước biển, hồ Cấm Sơn là công trình đại thủy nông lớn của cả nước và lớn nhất miền Bắc. Công trình trải rộng qua địa phận 4 xã gồm: Cấm Sơn, Tân Sơn, Hộ Đáp và Sơn Hải, có nhiệm vụ điều tiết, cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp khu vực huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) và huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn); điều hoà nguồn nước khu vực đầu nguồn sông Thương; phân lũ, cắt lũ cho vùng hạ lưu ở các huyện thuộc tỉnh Bắc Giang. Với diện tích khoảng 2.650ha, hồ Cấm Sơn đã trở thành tài sản quý giá mang lại nguồn lợi lớn cho địa phương. Đặc biệt theo đánh giá của các nhà chuyên môn, hồ Cấm Sơn là một trong những hồ nước ngọt tự nhiên quý giá và lớn nhất Việt Nam, có chất lượng nước tốt, lưu lượng ổn định, ít bị ảnh hưởng từ các hoạt động gây ô nhiễm, đây cũng chính là lý do để mới đây một doanh nghiệp chuyên cung cấp nước sạch đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch lấy nước từ hồ cấp cho nhân dân trong khu vực. Do đó bảo vệ an toàn nguồn nước sạch chính là nhiệm vụ mà cơ quan có trách nhiệm cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa. Được biết hiện một số doanh nghiệp trong nước đang khảo sát tiến tới xây dựng Dự án khu du lịch sinh thái Cấm Sơn. Địa phương cũng đã có những chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào khu du lịch này. Và trước khi điều đó thành hiện thực, việc làm tốt công tác bảo vệ môi trường sinh thái; bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc cần phải được quan tâm chú trọng.
Một chuyến đi trọn vẹn trong ngày ở Cấm Sơn đã cho chúng tôi thu hoạch bao điều mới lạ và những trải nghiệm đáng quý. Chia tay Cấm Sơn khi chiều buông với tâm trạng đầy lưu luyến, trong lòng lại gợi về câu hát trong nhạc phẩm của nhạc sĩ Phó Đức Phương được sáng tác vào năm 1971 được lấy cảm hứng từ một chuyến đi thực tế đến hồ Cấm Sơn: “Thuyền ta ngược, thuyền ta xuôi giữa dòng nước bạc nhịp chèo ta bơi/ Ai đắp đập, ai phá núi/ Cho hồ nước đầy làm mặt gương soi/ Non xanh mà nước biếc...”.
Theo svhttdl.bacgiang.gov.vn