Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Danh Thắng Núi Dành, xuân này chuông lại ngân vang

Núi Dành, xuân này chuông lại ngân vang

Núi Dành, còn gọi là núi Chuông - chuông chung của hai xã Liên Chung và Việt Lập. Tới đây, danh thắng này sẽ là niềm tự hào của huyện Tân Yên (Bắc Giang) khi huyện đang thực hiện quy hoạch, xây dựng núi Dành trở thành Trung tâm du lịch tâm linh, sinh thái.

Núi Dành, xuân này, ngân vang, quy hoạch, xây dựng, Liên Chung, Việt Lập

Khách thập phương về núi Dành vãn cảnh thăm đền. Ảnh: Châu Giang

Sơn - thủy hữu tình

Cứ mỗi độ xuân về, từng đoàn du khách trong, ngoài huyện Tân Yên lại đến núi Dành tham quan, vãn cảnh. Nhiều người ở nơi xa thường tự hỏi: Núi Dành cao không nhỉ? Rừng thông có từ bao giờ? Cổ tự kia đã bao năm tuổi? Tại sao danh thắng này lại luôn cuốn hút khách tham quan?… 

Núi Dành không quá cao, chỉ chừng 100 m. Giữa dải đồi lô xô bát úp, ngọn núi Dành đột khởi hình dáng tựa quả chuông. Thế núi uốn lượn, uyển chuyển, lại thêm sông Thương và dòng Nhâm Ngao uốn lượn tạo nên phong cảnh sơn thuỷ hữu tình. Quanh núi có 19 di tích đình, đền, chùa, nghè, miếu... Trên núi hiện diện ngôi đền hàng trăm tuổi. 

Thả hồn vào khung cảnh có phần u tịch, hoà vào tiếng thông reo, núi Dành như đang kể câu chuyện cổ tích, rằng: Con người là hoa của đất và chính họ làm cho đất nở hoa. Đền Dành từng có thời kỳ vàng son, nhưng rồi do chiến tranh, loạn lạc, đền bị xuống cấp, hoang phế. Có một gia đình nghèo dưới chân núi thường lên núi Dành hái củi để bán. Một lần họ dừng chân trước phế tích, động lòng trắc ẩn mà thưa rằng: Nếu các ngài phù hộ cho chúng tôi khấm khá, chúng tôi nguyện sẽ sửa lại ngôi đền. Không ngờ sau đó không lâu, gia cảnh của gia đình nọ trở nên giàu có. Nhớ lại lời hứa năm xưa, họ đã bỏ tiền của hưng công dựng lại ngôi đền. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, núi Dành có một vị trí chiến lược quan trọng và bị giặc tàn phá. Mãi cho đến sau này, khi phong trào hợp tác xã phát triển, xã viên đưa thông lên núi trồng; tiếp đó người dân bản tự góp công góp của dựng lại ngôi đền. 

Từ năm 2002 - 2004, nhân dân hai xã Liên Chung, Việt Lập, nòng cốt là người cao tuổi thôn Hậu, Đồng Sen hưng công xây hàng trăm bậc gạch, trồng thêm hàng nghìn cây keo làm cho núi Dành thêm xanh. Dưới chân núi, đền Trình được xây dựng lại, giếng Ngọc được tu sửa... Hội núi Dành cũng được nâng cấp, trở thành một trong 4 lễ hội trọng điểm của huyện Tân Yên. Mỗi năm có hàng chục nghìn người về đây vãn cảnh, thăm đền.        

Đền Dành gồm đền Trình, đền Thượng và đền Hạ. Đền Trình và đền Thượng thuộc xã Liên Chung. Đền Trình dựng tại chân núi Dành, gần đó là giếng Ngọc quanh năm nước trong xanh. Đền Thượng tọa lạc trên đỉnh núi thờ thần Cao Sơn và Quý Minh, tương truyền là hai vị tướng giỏi thời Hùng Vương thứ 18. Đền Hạ nằm ở phía Tây Nam của núi Dành thuộc địa phận xã Việt Lập. Ngọn núi này còn sản sinh ra các loài thảo mộc quý, tiêu biểu là Sâm Nam Núi Dành. 

Định hình khu du lịch tâm linh, sinh thái

Những năm gần đây, huyện Tân Yên đã quan tâm xúc tiến việc Quy hoạch tổng thể xây dựng danh thắng này thành Khu du lịch tâm linh, sinh thái núi Dành, tổng diện tích 85,5ha. Từ nay đến năm 2020, một số hạng mục dự kiến sẽ được đầu tư xây dựng như: Tháp đền Dành cao 9 tầng, bãi đỗ xe, khu vui chơi giải trí, làm mới hệ thống giao thông quanh núi Dành...

Thực hiện quy hoạch, các ban, ngành, đoàn thể địa phương tích cực phối hợp tổ chức các hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp góp phần thu hút du khách về tham quan, vãn cảnh. Trước mắt, phía Nam núi Dành, tuyến đường tâm linh vừa được huyện đầu tư hơn 10 tỷ đồng cứng hóa hơn 4km, tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Đây là nét vẽ đầu tiên tạo nên diện mạo mới của Núi Dành hôm nay.

Điểm du lịch tâm linh, sinh thái Núi Dành đã định hình. Từ ngày 19 tháng Giêng, đền Dành chính thức khai hội. Những làn mưa xuân đã và đang thúc giục cỏ cây ở núi Dành nẩy lộc đâm chồi. Rừng thông như xanh hơn, rì rào trong gió mời gọi du khách về với vùng đất này.

Theo Báo Bắc Giang

Ngày cập nhật: 16/03/2015 Lượt xem: 579