Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Danh Thắng Thiền Viện Trúc lâm Phượng Hoàng- Kết nối các giá trị văn hóa, du lịch

Thiền Viện Trúc lâm Phượng Hoàng- Kết nối các giá trị văn hóa, du lịch

Khởi công từ cuối năm 2011, đến nay, Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng (tọa lạc tại xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) đã hoàn thành nhiều hạng mục và mở ra cơ hội mới cho việc gìn giữ giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch của tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Yên Dũng nói riêng.

Nơi kết nối giá trị văn hóa- du lịch
Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng được xây dựng trên ngọn núi Non Vua thuộc thôn Minh Phượng, xã Nham Sơn, cách trung tâm huyện Yên Dũng 2 km và cách TP Bắc Giang khoảng 10 km. Tổng diện tích quy hoạch xây dựng thiền viện hơn 18 ha gồm các hạng mục: Cổng tam quan; lầu chuông, lầu trống; Tòa điện chính; nhà tổ, nhà khách; nhà trưng bày; thiền đường, trai đường, thư quán… Các hạng mục công trình đều được thiết kế với kiến trúc đẹp, uy nghi, hài hòa với cảnh quan môi trường.
Ngọn Non Vua được cho là đỉnh núi cao nhất trong dãy Nham Biền. Trên đỉnh Non Vua có Giếng trời, còn được gọi là Thiên huyệt, quanh năm có nước sạch trong mát. Dưới chân núi Non Vua là khe Hang Dầu được biết đến là nơi quy tụ Nguyệt Nham của 9 ngọn núi Phượng, nguồn nước dồi dào, thảm thực vật đa dạng. (Theo quy hoạch, thời gian tới khe Hang Dầu sẽ được đầu tư thành khu vui chơi giải trí kết hợp biệt thự nghỉ dưỡng).Thời nhà Trần, vùng Nham Biền (nay thuộc xã Nham Sơn) là điền trang thái ấp của Thái sư Trần Thủ Độ. Tương truyền, núi Bành Kiệu, Non Vua là nơi Trần Thủ Độ đặt kiệu để rước vua về xem ông đánh rắn thần trừ tai họa cho nhân dân. Ngày nay đền Thanh Nhàn, đình Đông Hương và nhiều di tích khác dọc ven chân núi Nham Biền đều thờ quan Thái sư Trần Thủ Độ và Linh Từ quốc Mẫu Trần Thị Dung. 
Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng được xây dựng đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân địa phương, là nơi lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa đạo đức của tiền nhân, tiếp nối tư tưởng dòng thiền Trúc lâm Yên Tử. Đồng thời tạo thêm cảnh quan sinh thái,góp phần tạo bước đột phá về phát triển du lịch văn hóa tâm linh.Là công trình kết nối điểm đến hệ thống các điểm du lịch văn hóa tâm linh lớn trong vùng như: chùa Vĩnh Nghiêm, non thiêng Yên Tử, chùa Kem xã Nham Sơn (thuộc tỉnh Bắc Giang)và với khu di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc tỉnh Hải Dương. 
Điểm đến văn hóa tâm linh hấp dẫn 
Được biết, giai đoạn 1Thiền viện Trúc lâm Phượng hoàng được xây dựng với các hạng mục như: Cổng Tam quan, lầu chuông, lầu trống, đường dẫn từ tỉnh lộ 398 vào thiền viện, đường bộ lên chính điện với hơn 300 bậc đá; hệ thống tượng Phật, nhà tổ, thiền đường, một số công trình phụ trợ. Đặc biệt Chính điện với quy mô rộng khoảng 3.000m2 là công trình trọng điểm của Thiền viện đến thời điểm này đã cơ bản hoàn thành. Kinh phí xây dựng Thiền viện được huy động từ các nguồn xã hội hóa mà chủ yếu do Đại đức Thích Kiến Nguyệt, Trụ trì Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc) thực hiện cùng sự chung tay của các doanh nghiệp, phật tử trong cả nước và nhân dân địa phương.
Về mặt kiến trúc, các công trình ở đây đã thể hiện được sự gắn kết, tạo sự tôn nghiêm, đậm bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam, hòa quyện với hồn thiêng của sông núi. Điểm nhấn đầu tiên là ngoài con đường đi bên sườn núi, từ chân Thiền viện lên cổng Tam Quan và hơn 300 bậc đá rộng từ dưới sân lên đến Tam quan. Cổng Tam Quan với dòng chữ “Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng” uy nghi. Khu Chính điện - hạng mục chính của quần thể được thiết kế xây dựng cao và rộng, phù hợp với lối kiến trúc truyền thống văn hóa Phật giáo Việt Nam. Diện tích tổng thể khuôn viên Chính điện (bao gồm cả tầng 1và tầng 2) là 3.000m2. Phía trước Chính điện là lầu chuông và lầu trống được sắp đặt cạnh cổng tam quan tạo thế cân xứng, hài hòa. Bên trong Chính điện được trang trí hệ thống tranh vẽ tường kể về lịch sử cuộc đời của đức Phật Thích ca từ khi Ngài mới sinh ra. Cùng với đó là hệ thống các tượng điêu khắc về Bổn sư Thích ca mâu ni, ngài Phổ Hiền và ngài Văn Thù sư Lợi, Tổ sư Đạt Ma và tượng Tam Tổ Trúc lâm thời nhà Trần là Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông, Trúc Lâm Đệ Nhị Tổ Đồng Kiên Cương Pháp Loa và Trúc lâm Đệ Tam Tổ Huyền Quang Lý Đạo Tái.

 Không gian Thiền viện với nhiều cây xanh tạo cảm giác luôn an lành, hoan hỷ, chan hòa trong cảnh vật là nơi thanh tịnh để phật tử, du khách tìm đến sự bình an thanh thản trong tâm hồn. Chính vì thế mà từ khoảng hai năm nay, dù vẫn đang trong quá trình xây dựng nhưng, Thiền viện đã đón hàng nghìn lượt du khách đến tu học, tham quan, chiêm bái, nhất là vào các dịp lễ Phật đản, lễ Vu lan, ngày lễ, tết trong năm.… Chị Nguyễn Thị Hương Giang ở phường Trần Nguyên Hãn chia sẻ “ đã nhiều lần chị cùng bạn bè ở công ty và khu phố đã đến Thiền Viện để chiêm bái Phật và cùng với trong khu phố nhà chị có nhiều chị em còn theo học các khóa thiền được tổ chức tại đây, chị cũng cho biết thêm, thường trong cùng chuyến đi các chị sẽ kết hợp đến chùa Vĩnh Nghiêm ở Trí Yên sau đó qua Thiền Viện Trúc Lâm Phượng Hoàng”…Điều này cho thấy sức hút và tiềm năng du lịch tâm linh, tín ngưỡng rất ở thiền Viện Trúc Lâm Phượng Hoàng.
Theo các lãnh đạo huyện Yên Dũng thì Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng là một điểm nhấn của địa phương trong việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống đồng thời là một điểm đến quan trọng hy vọng sẽ tạo được cú hích thúc đẩy phát triển du lịch của huyện nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung./. 
 Hà Yến
Ngày cập nhật: 05/12/2018 Lượt xem: 968