Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Điểm du lịch khác Ấn tượng những Di sản tư liệu của Việt Nam

Ấn tượng những Di sản tư liệu của Việt Nam

1.Mộc bản Triều Nguyễn ( 2009)
Mộc bản triều Nguyễn là những bản gỗ khắc chữ Hán Nôm ngược dùng để in sách, phổ biến dưới triều Nguyễn. Tài liệu mộc bản triều Nguyễn được hình thành chủ yếu trong quá trình hoạt động của Quốc sử quán triều Nguyễn (Quốc sử quán được thành lập năm 1820 dưới thời vua Minh Mạng) tại Huế. Đây là loại hình tài liệu đặc biệt quý hiếm của Việt Nam và hiếm có trên thế giới. Hiện nay, khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV- Đà Lạt, Lâm Đồng.
Mộc bản triều Nguyễn gồm 34.618 tấm với 55.318 mặt khắc, chứa đựng nội dung của 152 đầu sách với 1.935 quyển phản ánh mọi mặt của xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn như: lịch sử, địa lý, chính trị - xã hội, quân sự, pháp chế, văn hóa giáo dục, tôn giáo - tư tưởng- triết học, văn thơ, ngôn ngữ - văn tự.

 

2. 82 Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc tử giám ( 2010)
82 bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê-Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội  (gồm: 13 bia khắc các khoa tiến sĩ triều đại nhà Lê sơ, 1 bia khắc khoa thi tiến sĩ triều đại nhà Mạc, 68 bia khắc các khoa thi tiến sĩ triều đại nhà Lê trung hưng) được dựng từ năm 1484 (niên hiệu Hồng Đức thứ 15) đến năm 1780 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 41) khắc các bài văn bia đề danh cùng thứ bậc và quê quán của 1304 vị tiến sĩ Nho học Việt Nam của các khoa thi Đình thời Lê sơ, thời Mạc và thời Lê trung hưng (1442-1779).
Đây không chỉ là nguồn tư liệu phong phú phản ánh một giai đoạn lịch sử hơn 300 năm dưới triều Lê - Mạc, bia tiến sĩ Văn Miếu còn là bức tranh sinh động về việc tuyển dụng và đào tạo nhân tài độc đáo ở Việt Nam, thể hiện ở tư tưởng trị quốc dựa vào nhân tài.

 

3. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm ( 2012)
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là những bản gỗ khắc chữ Hán và chữ Nôm với kĩ thuật khắc ngược dùng để in ra thành sách. Mỗi tấm Mộc bản kinh gồm có hai mặt, mỗi mặt khắc tương ứng với 2 trang sách. Tài liệu mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được khắc chủ yếu trong khoảng thời gian từ thế kỉ 16 đến thế kỉ 19. Đây là loại hình tài liệu đặc biệt quý hiếm của Việt Nam và hiếm có trên thế giới. Hiện nay, khối tài liệu Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đang được lưu trữ tại ngôi chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) – ngôi chùa được mệnh danh là "Đại danh lam cổ tự" nổi tiếng khắp cả nước.
Kho Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm gồm 3.050 đơn vị ván khắc chứa đựng nội dung của 9 đầu sách lớn thuộc các thể loại: Kinh, luật, luận, truyện ký, lục, sách thuốc… (trong đó chủ yếu là kinh, sách, các văn bản về giới luật nhà Phật và một số trước tác về thơ, phú, nhật kí của một số vị cao tăng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử). Kho Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm chứa đựng những giá trị trường tồn với thời gian. Đó là giá trị về tư tưởng giáo lý của nhà Phật, về triết lý nhân sinh, giá trị về văn học và ngôn ngữ, giá  trị về kiến trúc và đặc biệt là giá trị nhân văn sâu sắc.

 

4.Châu bản Triều Nguyễn ( 2014)
Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính của triều Nguyễn, triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam từ 1802-1945. Hiện, Châu bản triều Nguyễn đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước gồm 85.000 văn bản của 11 triều vua nhà Nguyễn. Các tài liệu này hình thành trong hoạt động quản lý, được soạn thảo chủ yếu bằng chữ Hán, chữ Nôm và một số ít văn bản bằng cả chữ Hán Nôm, chữ Pháp và chữ Việt của Hoàng đế Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn. Khối tài liệu được viết tay trên giấy dó bằng bút lông bởi một loại mực truyền thống mài thủ công và được soạn thảo bởi các thư lại có khả năng văn chương và chữ viết đẹp.
Châu bản triều Nguyễn được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương bởi những giá trị nổi bật về mặt nội dung phong phú, hình thức độc đáo, tính duy nhất không thể thay thế và có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực và thế giới…

 

Theo cinet.gov.vn

Ngày cập nhật: 09/09/2014 Lượt xem: 612