Mùa vải thiều đang chín rộ, nhiều du khách ở các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước đã lựa chọn hình thức du lịch đến “vương quốc vải thiều” huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) để tham quan những đồi vải thiều sai trĩu quả, được thỏa niềm đam mê chụp ảnh, trải nghiệm công việc thu hái vải thiều, tận tay lựa chọn những chùm quả thơm ngon, ngọt lịm chính danh vải thiều Lục Ngạn về thưởng thức và làm quà cho người thân.
Đoàn khách du lịch huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai tham quan vườn vải thiều tại xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn. |
Ngay đầu vụ vải năm nay, anh Kiên và chị Hải là đôi bạn thân từ thời Trung học phổ thông, nay đều là những thương nhân thành đạt ở Hà Nội đã rủ nhau mỗi người đi một chiếc xe ô tô hiệu BMW về Lục Ngạn xả tress và để thỏa niềm đam mê chụp ảnh mùa vải chín.
Hai anh chị đã hỏi thăm đến tận vườn vải thiều của bà con đang thu hoạch ở xã Tân Mộc để trải nghiệm cảm giác làm nông dân thu hái vải và chụp những bức ảnh đẹp về vải thiều. Ngay khi có được những khoảng khắc đẹp về hoạt động thu hái và thu mua vải thiều của người dân nơi đây, cả hai đều đã đăng tải hình ảnh lên facebook để chia sẻ niềm vui với bạn bè.
Tâm sự với tôi, anh Kiên chia sẻ, mỗi chuyến đi pícníc thế này mình chuẩn bị tốt máy ảnh cùng các loại ống kính rồi thực hiện chụp hàng chục bức ảnh khác nhau, trong đó chỉ cần có được một đến hai bức ảnh đẹp ưng ý là đã thỏa mãn rồi.
Trong quá trình chụp ảnh tại vườn vải thiều, được chủ vườn mời thưởng thức những trái vải thơm ngon mang đặc trưng riêng của vùng đất Lục Ngạn nên khi chia tay bà con về Hà Nội, cả anh Kiên và chị Hải đều mua mỗi người nửa tạ vải thiều về làm quà cho người thân và bạn bè.
Chị Nguyễn Thị Thu Hương, thương nhân ở Hà Nội tại vườn vải thiều ở xã Tân Mộc, Lục Ngạn. |
Còn chị Lê Thị Hạnh là công chức tại Hà Nội đã tận dụng ngày nghỉ vào Chủ nhật để lái ô tô đưa chồng và hai con nhỏ lên “kinh đô vải thiều” tham quan. Mục đích của chị Hạnh là muốn tạo điều kiện cho hai con của mình đang trong thời gian nghỉ hè có chuyến đi chơi về vùng nông thôn bổ ích.
Đó là đến vùng vải thiều Lục Ngạn để bọn trẻ được vào tận vườn vải vui chơi thỏa thích, để chúng được tận tay hái những quả vải thơm ngon rồi mang về khoe với ông bà. Cùng đó, vợ chồng chị Hạnh cũng muốn được thưởng thức quả vải thiều Lục Ngạn hái tại vườn xem chất lượng có khác với vải thiều đang bán tại Hà Nội hay không?
Trên thực tế, huyện Lục Ngạn chỉ cách Hà Nội 90 km, đi ô tô khoảng 2 tiếng là đến nơi. Người dân Lục Ngạn luôn thân thiện và mến khách nên khi gia đình chị Hạnh liên hệ vào vườn vải thiều của nhà anh Nguyễn Đức Thắng ở khu Dốc Đồn, thị trấn Chũ đã được tiếp đón nhiệt tình.
Sau khi được tham quan vườn vải và được thưởng thức hương vị vải thiều Lục Ngạn, chị Hạnh tâm sự: “Đúng là vải thiều ở đây thơm ngon hơn hẳn vải thiều nơi khác thật, thảo nào mà giá cả bán tại vườn của bà con đã bằng thậm chí còn cao hơn cả giá vải thiều bán lẻ ở Thủ đô".
Khác với các anh chị Kiên, Hải, Hạnh, với mục đích chính là đi tham quan du lịch, mới đây, đoàn cán bộ Đài Phát thanh - Truyền hình huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã tổ chức đến Lục Ngạn để vào thăm những vườn vải thiều vào mùa đang chín đẹp trên vùng đất đồi.
Sau khi được đi thực tế ngắm cảnh và thưởng thức hương vị vải thiều, chị Nguyễn Thị Thu Hường, Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Sa Pa tâm sự: “Vải thiều ở khu vực Cửa khẩu Lao Cai cũng có nhiều, nhưng được đến tận vườn vải của người dân Lục Ngạn để ăn thì thực sự là một trải nghiệm thú vị đối với đoàn. Bà con trồng vải Lục Ngạn có lòng hiếu khách và rất thân thiện, thực sự tạo ấn tượng tốt đối với chúng tôi”.
Khách tham quan mua vải làm quà tại một hộ dân. |
Cứ mỗi dịp vải thiều chính rộ, huyện Lục Ngạn lại thu hút hàng nghìn lượt du khách từ các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh… đến tham quan và trải nghiệm hoạt động thu hái vải thiều cùng với nhân dân địa phương. Trong số du khách đó, chiếm phần lớn là các hộ gia đình có ô tô, tranh thủ thời gian rảnh rỗi đi du lịch. Thậm chí có khách còn xin ngủ trọ lại tại nhà chủ vườn để trải nghiệm không khí lao động tất bật cùng với người trồng vải.
Tuy nhiên, để hình thức du lịch này phát triển, các hộ dân trồng vải Lục Ngạn cần có tư duy làm du lịch sinh thái như: Nấu cơm cho khách; chuẩn bị phòng nghỉ tiện nghi và tạo không khí cởi mở, thân thiện đối với khách du lịch…Có như vậy, mới thu hút được khách du lịch quay trở lại với Lục Ngạn.
Theo Báo Bắc Giang