Những ngày đầu năm mới, thay vì tìm đến điểm du lịch tâm linh nổi tiếngbên sườn Đông của danh sơn Yên Tử (Uông Bí - Quảng Ninh), chúng tôihướng về sườn núi phía Tây (thuộc Đông Triều - Quảng Ninh), nơi chứađựng những di sản vô giá của một trung tâm Phật giáo thời Trần.
Xuyên qua những con đường mòn ẩn hiện trong rừng trúc, vượt qua vách núi cheoleo, những ngôi chùa, am, tháp... gần 700 năm tuổi và dấu tích còn lại của nó hiệnra trong mây mù bạt ngàn của rừng núi Tây Yên Tử.
Xuất phát từ xã Bình Khê, chúng tôi mải miết bước trên những con dốc trơn như mỡ và rợn ngợp bóng trúc. Tuy mệt mỏi nhưng ai cũng động viên nhau gắng sức, bởi chuyến đi này chúng tôi còn mang theo một số đồ dùng cần thiết để biếu nhà chùa.
Điểm đến đầu tiên là am Ngọa Vân.Ngôi chùa này đã được lịch sử ghi nhận là nơi vị tổ thứ nhất của thiền phái Trúc Lâm, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1258 - 1308) chọn làm nơi tu thiền trong những năm cuối đời, đồng thời viên tịch tại đó. Trong am còn có Phật hoàng tháp, tương truyềnlà nơi chứa xá lị của ngài.
Hoa đào, hoa mận bung nở trên những bậc đá dẫn lên am. Sương mai còn đọng lại trên cánh hoa, long lanh như những hạt ngọc.
Từ Ngọa Vân am đi về phía Đông là chùa Hồ Thiên, nơi từng tồn tại một quần thể chùa tháp lớn, khi Phật hoàng thường tới đây đăng đàn thuyết pháp. Con đường dẫn sang chùa Hồ Thiên đi qua một thung lũng nhỏ tràn đầy mây. Đó là bãi Đá Chồng, một bãi đá tự nhiên với hàng trăm tảng đá lớn nhỏ, có tảng to gần chục người ôm.
Bãi Đá Chồng nhìn từ đỉnh đối diện. Chúng tôi dừng chân bên quán của vợ chồng ông lão chăn bò, nghe kể về những câu chuyện kỳ lạ.
Mây tỏa như khói, khiến khung cảnh càng thêm hùng vĩ.
Tôi đứng nhìn ra biển mây mù quanh năm, thấy mây ùa đến rồi lại bay đi, quẩn mãi quanh chân, mà mường tượng về một cõi thiền vô định. Tôi tự hỏi cái tên Hồ Thiên, phải chăng là “biển trời”, nơi chỉ thấy mênh mang mây và gió?
Phật tử và khách nghỉ chân cùng lên chùa dự giờ sám hối. Áo tràng xám phất phơ trên những bậc đá và ẩn hiện trong mây mù, nửa như thực, nửa như mơ.