Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Điểm du lịch khác Hướng phát triển du lịch qua chuỗi di tích - Di sản

Hướng phát triển du lịch qua chuỗi di tích - Di sản

Bắc Giang là vùng đất cổ giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, Bắc Giang lưu giữ kho tàng di sản văn hoá phong phú và đa dạng với tổng số 661/2.237 di tích đã xếp hạng (23 điểm di tích quốc gia đặc biệt, 99 di tích quốc gia, 539 di tích cấp tỉnh).
Trong hệ thống di tích tỉnh Bắc Giang, di sản tư liệu được xem là hệ thống đặc sắc và có giá trị đặc biệt. Tiêu biểu trong hệ thống này có kho mộc bản chùa Bổ Đà (Việt Yên), mộc bản động Thiên Thai (Yên Thế) và đặc biệt là kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng).
Kết nối chuỗi di tích - di sản tư liệu là hình thức quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy giá trị các di tích, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, du lịch và quảng bá hình ảnh địa phương. Việc kết nối ở Bắc Giang hiện nay đang được tập trung khai thác trên nhiều hình thức như: kết nối theo địa lý giao thông, kết nối theo tính chất di tích và kết hợp cả hai hình thức trên, trong đó tập trung thực hiện liên kết nội tỉnh và liên kết với các tỉnh khác.
Nhận thức được giá trị to lớn của hệ thống di tích và kết nối chuỗi di tích - di sản tư liệu trong quảng bá hình ảnh và phát triển kinh tế, du lịch địa phương, thời gian qua Sở VHTTDL Bắc Giang đã phối hợp lập quy hoạch, đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản tư liệu. Điển hình là việc triển khai xây dựng khu tâm linh Tây Yên Tử, xây dựng và nâng câp tuyến đường 293 “con đường tâm linh” với tổng kinh phí gần 3.000 tỷ đồng nối thành phố Bắc Giang với vùng núi Yên Tử - Quảng Ninh. Con đường này kết nối nhiều di tích liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và hưng thịnh của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử như các chùa: Vĩnh Nghiêm, Khám Lạng, Am Vãi, Hồ Bấc, Bình Long, khu di tích - danh thắng Suối Mỡ, khu sinh thái Đồng Thông…
Lễ đặt đá Khu tâm linh Tây Yên Tử
Trong đó trung tâm là chùa Vĩnh Nghiêm với 3.050 mộc bản chứa đựng nhiều giá trị tư liệu, lịch sử, nghệ thuật, văn hóa vô giá. Năm 2012, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu trong Chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đây cũng được xem là điểm nhấn quan trọng góp phần quảng bá hình ảnh của Bắc Giang nói riêng và Việt Nam nói chung đến bạn bè trong nước và quốc tế. Đây cũng là vị trí trung tâm để hình thành chuỗi di tích - di sản tư liệu nội tỉnh và liên tỉnh.
Bên cạnh đó Bắc Giang có 23 điểm di tích nằm trong hệ thống Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có di tích động Thiên Thai. Đây là di tích lịch sử thờ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩn (1875-1929), danh sĩ yêu nước nổi tiếng có tư tưởng chống thực dân Pháp vào những năm 90 của thế kỷ XIX. Nơi đây còn lưu giữ 48 bản ván khắc, gồm các bộ Thành đạo thần kinh, Thiên tổ cứu kiếp chân kinh và Thiên đế cung kinh từ có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIX…

Quang cảnh lễ hội Yên Thế tại khu vực tượng đài Hoàng Hoa Thám
Liên kết hệ thống di tích - di sản tư liệu dọc bờ Bắc sông Cầu nối hai huyện Việt Yên và Hiệp Hòa với các di tích có giá trị như: đình Thổ Hà, chùa Bổ Đà, (huyện Việt Yên); Đình Lỗ Hạnh, lăng Dinh Hương (huyện Hiệp Hòa). Trong chuỗi liên kết này có hệ thống mộc bản quý giá của chùa Bổ Đà. Hiện nay tại chùa còn lưu giữ được rất nhiều tư liệu quý hiếm về thời kỳ Phật giáo phát triển rực rỡ tại Việt Nam qua gần 2000 bộ mộc bản. Bộ mộc bản kinh Phật mang những tư tưởng của hai dòng Phật giáo lớn nhất Châu Á xưa là Ấn Độ và Trung Hoa được khắc vào năm 1740, đời vua Lê Cảnh Hưng. Các ván kinh được khắc bằng chữ Hán, chữ Nôm và chữ Phạn. Trải qua gần 300 năm, bộ ván in kinh hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn. Trên những tấm ván khắc, các nghệ nhân xưa còn trang trí thêm nhiều đường nét họa tiết, hình khối điêu luyện và tinh xảo, phản ánh những tư tưởng, triết lý sâu xa của đạo Phật.
Bắc Giang là tỉnh trung du giáp danh với nhiều tỉnh có hệ thống di tích đa dạng như Lạng Sơn, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Quảng Ninh. Sự phong phú về loại hình, nội dung, đa dạng về hình thức, nhiều về số lượng của hệ thống di tích ở các tỉnh này tạo nên những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc mang tính đặc trưng riêng của vùng đất nhưng nằm trong sự giao thoa, tương đồng nhiều giá trị truyền thống giữa các địa phương. Việc phát triển chuỗi liên kết di tích - di sản tư liệu của Bắc Giang với các tỉnh bạn được xem là hướng đi quan trọng giúp quảng bá, nâng cao hình ảnh của Bắc Giang và được thực hiện theo 2 hướng cơ bản: Dọc theo Quốc lộ 1A từ Hà Nội đến Lạng Sơn; hướng thứ hai từ Tây sang Đông từ (Thái Nguyên qua Bắc Giang, Bắc Ninh tới Hải Dương, Quảng Ninh). 
Đoàn khảo sát Bắc Giang tại Khu di tích Côn Sơn
- Chuỗi di tích lịch sử, văn hóa Bắc Giang – Bắc Ninh:
+ Chuỗi di tích liên quan đến cuộc kháng chiến chống xâm lược Tống thời nhà Lý: đền thờ Trương Hống, Trương Hát, nơi Lý Thường Kiệt đọc bài Nam Quốc Sơn Hà, tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam (Bắc Ninh) gắn với phòng tuyến bờ Bắc Sông Cầu như: chùa Xác, nghè Ngũ Giáp nổi tiếng với lễ hội bơi chải - Tung hoa làng Tiếu Mai; Tam Tầng; Núi Đồn, Vân Cốc, Trúc Tay…(Bắc Giang);
+ Chuỗi kết nối di tích khoa bảng: đền thờ Tiến sĩ làng Yên Ninh, đền thờ Tiến sĩ Đào Toàn Mân, làng Tiến sĩ Phương Độ (Bắc Giang) gắn với Văn miếu Bắc Ninh, nơi lưu giữ những bia đá là những minh văn ghi chép về thân thế sự nghiệp của nhiều Tiến sỹ thời phong kiến của tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh…
+ Chuỗi liên kết không gian văn hóa quan họ: Bắc Ninh và Bắc Giang nằm trong vùng văn hóa Kinh Bắc, Bắc Giang có 5 làng quan họ cổ, cùng với 44 làng của tỉnh Bắc Ninh đ¬ược UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 30/9/2009; Ngoài các làng quan họ đã được ghi danh, tỉnh Bắc Giang còn có 13 làng quan họ cổ đã được thống kê và kiểm kê vào năm 2006, trong đó có làng Trung Đồng - nơi có đền thờ Bà Chúa Quan họ có mối quan hệ kết nghĩa keo sơn với các làng Thượng Đồng, Hạ Đồng (Bắc Ninh)…
Biểu diễn Quan họ
- Chuỗi di tích tâm linh Bắc Giang - Quảng Ninh
+ Chuỗi liên kết của 3 khu di tích: Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh), Khu di tích lịch sử nhà Trần (Đông Triều, Quảng Ninh), Khu di tích và Danh thắng Tây Yên Tử (Bắc Giang).
+ Tuyến du lịch văn hoá tâm linh Tây Yên Tử, Bắc Giang kết nối với tuyến du lịch Đông Yên Tử, Quảng Ninh là điểm đến thu hút đông khác thập phương.
- Chuỗi di tích lịch sử, văn hóa Bắc Giang - Hải Dương:
+ Chuỗi di tích liên quan đến cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thời nhà Trần: đền Trần, Suối Mỡ, đền Trần Minh Tông, chùa Vĩnh Nghiêm, đền Yết Kiêu (Bắc Giang), quần thể di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc (Hải Dương).
+ Chuỗi kết nối di tích khoa bảng: đền thờ Tiến sĩ Đào Toàn Mân, đền thờ Tiến sĩ làng Yên Ninh (Bắc Giang); đền thờ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ (thị xã Chí Linh), văn miếu Mao Điền và trường thi Hương, cụm di tích ở làng Mộ Trạch (Hải Dương) mở rộng liên kết khu văn miếu Hưng Yên…
- Chuỗi di tích lịch sử cách mạng Bắc Giang - Thái Nguyên:
Kết nối vùng An toàn khu II, huyện Hiệp Hòa của Bắc Giang với An toàn khu Định Hóa của Thái Nguyên và chuỗi kết nối di tích lịch sử - văn hóa dọc bờ sông Cầu “Thượng Đu Đuổm, hạ Lục đầu giang” với khoảng gần 380 di tích thờ Đức Thánh Tam Giang, từ các điểm di tích thuộc huyện Hiệp Hòa (đình Hữu Thịnh, đình Hương Linh, đình Ninh Tào...) đến các điểm di tích thuộc huyện Phú Bình, Thái Nguyên (đền Đu Đuổm, đình Đồng Ao, đình Hội Lệnh...).
Đoàn khảo sát  tại đền Đuổm - Thái Nguyên
- chuỗi liên kết 04 Di sản thuộc chương trình Ký ức thế giới
Liên kết du lịch kết nối di sản Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm với 82 Bia đá Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc tử Giám; Liên kết du lịch kết nối di sản Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm với di sản Mộc bản triều Nguyễn; Liên kết du lịch kết nối di sản Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm với Châu bản triều Nguyễn. Hình thành ba chuỗi liên kết là nhằm mục đích học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh/thành nơi lưu giữ các di sản trong Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, qua đó vận dụng vào điều kiện thực tế của từng địa phương để quảng bá Di sản tư liệu gắn với nâng cao hình ảnh của tỉnh và của quốc gia. Việc Hình thành ba chuỗi liên kết cũng là góp phần thiết thực giáo dục thế hệ trẻ, từ đó khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm đối với quốc gia trong việc lưu giữ và bảo vệ nguồn Di sản tư liệu của đất nước - đây cũng chính là tôn chỉ mục đích của Chương trình Ký ức thế giới
Với Bắc Giang giá trị di sản văn hóa nổi tiếng được gắn với Phật giáo để lại ở những ngôi chùa cổ nếu biết khai thác tốt sẽ trở thành thương hiệu du lịch. Đây là loại hình du lịch tiềm năng nhất của Bắc Giang gồm các địa danh nổi tiếng như: Chùa Vĩnh Nghiêm với 3050 mộc bản - kho tàng di sản tư liệu quý giá, nơi đã từng là trung tâm Phật giáo của Việt Nam hay chùa Bổ Đà có vườn tháp đẹp và lớn nhất Việt Nam; Cụm di tích Tên Lục và cây Dã Hương ngàn năm tuổi đã được Vua Lê Cảnh Hưng sắc phong là “Quốc chúa Đô mộc Dã Đại Vương”…Bắc Giang còn được biết đến với những làn điệu Dân ca Quan họ mượt mà, đằm thắm làm say đắm lòng người mỗi khi du khách tới thăm. Vùng đất Bắc Giang đã được lịch sử được ưu ái khi sở hữu những tinh hoa di sản văn hóa độc đáo và hấp dẫn. Đây được xem là những "mỏ vàng" của ngành "công nghiệp không khói", những sản phẩm du lịch đặc sắc của Bắc Giang và Việt Nam. Hy vọng trong tương lai, những di sản của Bắc Giang sẽ là lựa chọn yêu thích của đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Bài Thân Quang Huy, ảnh Trần Anh Tuấn
Ngày cập nhật: 22/07/2015 Lượt xem: 713