Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Điểm du lịch khác Một thoáng trên dòng sông Chao Phraya Của Thái Lan

Một thoáng trên dòng sông Chao Phraya Của Thái Lan

Đến với đất nước Thái Lan du khách được đến với một đất nước có thiên nhiên tươi đẹp, được gặp gỡ những con người thân thiện, mến khách. Một đất nước có bề dày lịch sử với những trang viết vừa hiện thực lại vừa giàu chất huyền thoại vô cùng hấp dẫn. Thái Lan được gọi là đất nước của những ngôi chùa với kiến trúc độc đáo, linh thiêng. Thái Lan là thế giới đầy màu sắc của những người chuyển giới. Thái Lan là thiên đường mua sắm với các chợ đầu mối, đủ loại mẫu mã chủng loại kiểu dáng. Nếu du khách không kiềm chế cảm xúc của mình thì rất dễ để cho đam mê làm mình tiêu pha quá tay… Có bao điều để lại ấn tượng sâu sắc trên đất Thái Lan nhưng có lẽ một trong những ấn tượng khó quên với du khách là những phút giây được bồng bềnh trên sông nước của dòng sông Chao phraya huyền bí.
Chao Phraya thường được biết đến trong tiếng Việt với tên gọi sông Mê Nam) là một con sông lớn ở Thái Lan. Con sông này bắt đầu tại nơi hợp lưu của các sông Ping và Nan tại Nakhon Sawan ở tỉnh Nakhon Sawan. Sông Chao Phraya chảy từ phía Bắc đến phía Nam với chiều dài 372 km từ các đồng bằng trung bộ đến Bangkokak và vịnh Thái Lan. Trong các phương tiện thông tin đại chúng bằng tiếng Anh tại Thái Lan, người ta thường dịch tên con sông này như là "sông của các vị vua".
Mùa hè ở Thái Lan cũng giống như Việt Nam. Để tránh cái nóng nực của đêm hè trên đất liền, du khách có thể ngồi ăn trên thuyền, tận hưởng những cơn gió mát lành của mênh mông sông nước. Mắt dõi ngắm sao trời và hồn thả chênh chao theo nhịp đẩy con thuyền. Con người trong phút chốc đã cởi bỏ hết ưu phiền trả về cho thiên nhiên bao dung để thấy lòng sảng khoái, nhẹ bẫng.
Ban ngày ngồi trên thuyền ngắm cảnh, du khách sẽ thu vào trong tầm mắt của mình toàn bộ vẻ đẹp dọc bờ sông Chao Phraya. Du khách sẽ có một hình dung tương đối rõ về đời sống ở Bangkok, cảm nhận cuộc sống yên bình của khu dân cư nằm dọc theo hai bên bờ sông. Ngắm những ngôi nhà cao tầng hiện đại soi bóng xuống dòng sông. Nhìn những ngôi nhà gỗ được dựng trên mặt nước, du khách sẽ cảm nhận được mùi vị, hình ảnh văn hóa ẩm thực… của những con người bên bờ sông thơ mộng này. Du khách sẽ được nghe giới thiệu về lịch sử, kiến trúc, văn hóa, về những ngôi chùa, những cung điện... Trong đó, đáng chú ý là ngọn tháp cao 76m nằm sừng sững bên sông. Vật liệu để đúc nên ngọn tháp này chính là những mảnh vỡ còn lại của con tàu bị đắm.
Thú vị và ấn tượng nhất là khi du khách được chiêm ngưỡng cảnh những đàn cá chen chúc nhau, kéo về đen mặt nước. Chỉ cần mất chút tiền lẻ mua bánh mì của người bán rong thả xuống lòng sông, du khách sẽ được tha hồ ngắm cá. Trong phút chốc, cá nổi kín mặt sông, nhung nhúc vây thuyền du lịch để được tranh mồi. Cá to đến vài 3 kg trên một con. Khi đứng trên bờ, du khách vẫn nhìn thấy cá nhiều nhưng chỉ khi thả mồi xuống sông mới biết cá xung quanh thuyền dày tới mức nào. Có rất nhiều loại cá nhưng đa phần cá ở đây giống cá basa, cá da trơn ở Việt Nam. Theo lời giới thiệu của hướng dẫn viên du lịch: đây là loài cá tự nhiên trên sông, thuộc Hoàng Gia Thái, cá thiêng nên tuyệt nhiên không ai đánh bắt. Cho cá ăn và cầu nguyện đi, bạn sẽ thấy linh nghiệm. Người Thái Lan thường yêu quí và sùng kính nhà vua nên tất cả những gì có liên quan đến vua, họ đều trân trọng, gìn giữ như một vật báu. Những đàn cá trên sông Chao phraya là quà tặng của thiên nhiên, là sản vật con người Thái Lan bởi vậy mà sự sinh sôi, nảy nở của nó đi theo cùng với thời gian.
Chắc bởi sự linh thiêng đã đi vào tiềm thức của người dân Thái nên họ chẳng những không đánh bắt cá mà họ còn mua cá ở chợ về để thả phóng sinh nhân khi đi lễ chùa ven sông. Điều đó không những là nét văn hóa, là thói quen đẹp của người Thái mà còn góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường thiên nhiên sông nước tạo nên một không gian văn hóa du lịch riêng biệt, hấp dẫn, khó quên đối với du khách từ khắp nơi trên thế giới đã từng đến với Thái Lan, đến với dòng sông Chao Phraya thơ mộng giàu chất huyền thoại này. 
 Nguyễn Dung Nghi
(Trường TC Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang)
Ngày cập nhật: 12/12/2014 Lượt xem: 693