Thiền phái Lâm Tế được truyền vào nước ta từ những năm cuối thế kỷ 17 gắn liềnv ới sự kiện phái đoàn hoằng pháp của Thiền sư Thạch Liêm - Đại Sán sang nước ta truyền giới theo lời thỉnh cầu của Quốc chùa Nguyễn Phúc Chu. Hoà Thượng Thạch Liêm cùng Hội đồng thập sư sang mở đàn truyền giới tại chùa Thiền Lâm, Linh Mụtại Huế và chùa Di Đà tại Hội An. Ở xứ Kinh Bắc, có hai chốn tùng lâm sớm ảnh hưởng và tiếp nhận dòng Lâm Tế là chùa Bổ Đà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang và chùa Bảo Quang (còn gọi là chùa Bách Tháp) ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Hai sơn môn này đều được phát triển từ nửa đầu thế kỷ 18 và là nơi được nhiều tăng ni thuộc phái Lâm Tế ở miền Bắc nước ta trọn làm nơi an nghỉ vĩnh hằng. Chính vì thế, hai ngôi chùa này là hai danh lam cổ tự có vườn tháp nhiều ngôi nhất nước ta. Tuy nhiên, do hai cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, nhiều ngôi tháp chùa Bảo Quang (tức chùa Bách Tháp) bị mai một nay chỉ còn mấy chục ngôi... Trong khi đó, vườn tháp chùa Bổ Đà vẫn còn nguyên vẹn, và nay trở thành vườn tháp cổ và có quy mô rộng lớn.
Vườn tháp chùa Bổ Đà nơi tàng lưu xá lị, tro cốt nhục thân của các tăng ni dòng thiền Lâm Tế nằm ở bên trái khu Nội tự và Vườn chùa. Đó là bãi đất nằm nghiêng theo độ cao của núi Bổ Đà có diện tích gần 8.000m2. Bao quanh vườn tháp nhà chùa đã dùng đá núi, gạch chỉ và đất tạo nên bức trường để giữ gìn yên tĩnh giấc ngủ ngàn thu cho các những nhà tu hành đắc đạo.
Nhiều du khách đến thăm vườn tháp chùa Bổ Đà không khỏi ngạc nhiên trước sự mênh mông rộng lớn của vườn tháp, nhất là số lượng các ngôi tháp ở đây quả xứng đáng được liệt danh vào cuốn sách ghi kỷ lục của nước nhà. Qua gần ba trăm năm hưng thịnh, và kể từ khi sư tổ có tên tục là Phạm Kim Hưng viên tịch đến nay, sơn môn Bổ Đà đã xây dựng tất cả 97 ngôi tháp, mộ lớn nhỏ. Trong vườn tháp ta thấy đa số là những ngôi tháp ba, bốn tầng với độ cao từ từ ba đến năm mét, riêng mấy ngôi tháp sư tổ thì đồ sộ cao rộng hơn nữa.
Tàng chứa trong gần 100 ngôi tháp cổ là mộ, xá lị, tro cốt của trên 1200 nhà sư tu hành đắc đạo của dòng Lâm Tế khắp nơi trên cả nước từ gần ba thế kỷ nay. Điều độc đáo mà du khách được chiêm bái ở vườn tháp chùa Bổ Đà, đó là trong vườn có cả tháp mộ sư tăng, sư ni (điều hiếm thấy ở các dòng phái khác). Tháp mộ sư tăng trên đỉnh tháp bao giờ cũng gắn bình cam lộ đặt trên tòa sen. Tháp sư ni thì khác, đỉnh tháp mộ lại được gắn một búp sen...Như thế, Phật tử có thể đến vãn cảnh vẫn biết được có bao nhiêu vị tăng, ni viên tịch và yên nghỉ ở chốn này.
Các ngôi tháp chùa Bổ Đà đều được kiến tạo bằng đá và gạch chỉ được bít mạch dùng vôi vữa trộn với mật mía và bột giấy bản nên rất bền và mịn. Đa số các ngôi tháp đều có tên, trong lòng tháp thường đặt bia ghi bài vị và ghi thời gian sinh, hóa của các nhà sư, cho nên mỗi ngôi tháp đều là những nguồn tư liệu chân thực giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu sâu sắc hơn về Phật phái Lâm Tế nói chung, lịch sử chùa Bổ Đà nói riêng.
Quang cảnh chùa Bổ Đà nhìn từ trên cao Xưa nay, vườn tháp được xem như một công trình kiến trúc góp phần tôn vinh giá trị cho danh lam cổ tự và thu hút đông đảo khách thập phương đến du ngoạn cảnh chùa. Vườn tháp cùng hệ thống kiến trúc độc đáo phần nội tự, hệ thống cổng chùa, tường đất cũ kỹ rêu phong, vườn cây đại thụ chùa Bổ Đà thật xứng danh là ngôi chùa mang đậm bản sắc văn hóa Việt.
Hội chùa Bổ Đà từ ngày 16 tháng 2 đến ngày 18 tháng 2 hàng năm. Vào ngày hội khách thập phương thường đến rất đông. Để đi tới Chùa Bổ, từ Hà Nội đi tới thành phố Bắc Ninh, qua cầu Thị Cầu rẽ trái men đê sông Cầu 3 km là tới. Hoặc tới Thổ Hà đi tiếp theo hướng Bắc tới làng Lát rẽ phải, từ Thổ Hà tới Chùa Bổ là 3 km. Đến thăm Chùa Bổ là du khác đã được chiêm ngưỡng một địa điểm du lịch nổi tiếng của đất Kinh Bắc xưa và của tỉnh Bắc Giang ngày nay.