Từ trước đến nay, người dân Việt Nam đã quen với cái tên chè Thái Nguyên, chè Shan tuyết Suối Giàng. Mấy ai biết rằng, trên đất Sơn Động, Bắc Giang cũng có một loại chè thơm ngon không kém, có tên là Bát Tiên.
Từ thành phố Bắc Giang, chúng tôi ngược quốc lộ 31 đến ngã ba Yên Định rồi theo đường tỉnh 293, vượt qua những bản làng ẩn hiện trong màn sương mờ ảo, đến thị trấn Thanh Sơn, huyện Sơn Động...
Được chia tách từ năm 2008 trên cơ sở xã Thanh Sơn trước đây, thị trấn Thanh Sơn đang có những bước phát triển vượt bậc. Cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Thị trấn Thanh Sơn đang dần khẳng định vị thế của một trung tâm phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở phía Tây Yên tử.
Được thiên nhiên ưu đãi, từ lâu ở thị trấn Thanh Sơn đã nổi tiếng với những rừng chè bạt ngàn do người dân ở miền xuôi lên đây khai khẩn. Tuy nhiên, trải qua một thời gian dài, vùng chè trung du không còn phù hợp và cho hiệu quả thấp. Với mong muốn giữ gìn và phát triển vùng chè truyền thống của địa phương, năm 2003 Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang đã đưa giống chè Bát Tiên về trồng thử nghiệm trên địa bàn thôn Đồng Giang thị trấn Thanh Sơn. Bằng những biện pháp KHKT cùng với bàn tay cần cù, chăm chỉ của người nông dân, cây chè Bát Tiên đã dần khẳng định được ưu thế trên đồng đất Thanh Sơn. Cũng từ cây trồng này mà nhiều hộ gia đình ở đây đã trở lên thoát nghèo và tiến tới làm giàu.
Cây chè Bát Tiên khẳng định ưu thế trên đồng đất Thanh Sơn, Sơn Động. Anh cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Sơn Động đi cùng chúng tôi đánh giá, chè Bát Tiên rất phù hợp với chất đất và khí hậu ở thị trấn Thanh Sơn. Điều khác biệt của chè Bát Tiên với chè thường là bán được giá cao gấp từ 3-4 lần. Do vậy, hiệu quả kinh tế từ trồng chè cao hơn rất nhiều so với các loại cây trồng khác.
Theo lãnh đạo thị trấn Thanh Sơn thì thôn Đồng Giang có diện tích chè Bát Tiên lớn nhất, với khoảng 10 ha. Thôn có 108 hộ, 3 dân tộc cùng chung sống. Hầu như gia đình nào cũng trồng từ 2-5 sào chè Bát Tiên, thu nhập từ 20-70 triệu đồng/năm. Cây chè đã mang lại sự đổi mới cho vùng quê nơi đây.
Chúng tôi tìm đến khu vườn chè của gia đình bác Nguyễn Thị Miến, một trong những gia đình tiên phong và thành công với giống chè Bát Tiên trong nhiều năm qua. Bác Miến đang cùng người nhà chăm sóc vườn chè cuối vụ. Những cây chè đã chuyển dần sang màu xanh sẫm, điểm những đốm nâu vàng của lá già, chỉ còn ít búp non chồi lên đón ánh nắng cuối thu se lạnh. Bác Miến cho biết: Gia đình bác có khoảng hai mẫu chè Bát Tiên, năng suất không cao bằng chè trung du nhưng chất lượng thì hơn hẳn, giá bán cao gấp nhiều lần.
Bác Miến vui vẻ mời chúng tôi vào nhà và tận tay pha chè mời chúng tôi... Trong tiết trời se se lạnh, chén chè nóng vừa rót bốc làn hơi mỏng mang theo hương thơm rất riêng, khác hẳn những loại chè chúng tôi đã từng uống. Màu nước xanh trong thật đẹp mắt. Hít hà hơi nóng thơm dịu thoang thoảng như hương bưởi, nhấp một ngụm nhỏ, ai nấy đều cảm nhận được vị đậm đà đặc trưng, ban đầu hơi chát nhưng về sau ngọt dịu nơi đầu lưỡi và cảm nhận được sự ấm nồng thấm vào từng tế bào cảm giác. Ngẫm cũng có lý khi đặt tên là chè Bát Tiên.
Bác Miến còn cho biết thêm: Sở dĩ chè Bát Tiên có giá cao hơn là do chè có mùi vị thơm ngon, có tác dụng thanh nhiệt, đặc biệt chè Bát Tiên không có lắng cặn và không làm mốc, ố, hay vàng ấm chén cho nên được thì trường ưa chuộng.
Rồi như một người làm công tác PR, bác Miến hào hứng “quảng cáo” về công dụng của chè Bát Tiên, nào là chống oxi hóa, ngăn ngừa ung thư tiền liệt tuyến, làm đẹp da, thư giãn, phòng ngừa bệnh, chống béo phì… nào là, chè Bát Tiên đặc biệt không gây mất ngủ, đảm bảo sức khỏe, hợp khẩu vị với mọi lứa tuổi.
Bác Miến giới thiệu những công đoạn làm chè Bát Tiên. Với sự thân thiện chân chất của người vùng núi, để thỏa sự tò mò của chúng tôi, bác Miền còn say sưa giới thiệu cách thức chế biến chè. Quả thực cầu kỳ, cẩn trọng. Để có được 1 kg chè khô ngon, bổ, người chế biến phải làm 7-8 công đoạn mới hoàn thành, từ việc thu hái, vò, ốp đến sao chè… Tất cả theo quy trình và đúng kỹ thuật, nếu làm sai một công đoạn thì hương vị chè sẽ kém ngon. Chính vì vậy, trồng chè cũng được coi là nghề khá vất vả.
Trước đây, bà con thường sao chè bằng xoong, chảo và đảo bằng tay nên chè thường bị đỏ, mất nhiều công sức. Để giúp nâng cao chất lượng sản phẩm chè Bát Tiên, năm 2007 Trung tâm khuyến công tỉnh đã hỗ trợ 15 gia đình có diện tích trồng chè lớn nhất xã mua máy vò chè và thùng sấy gắn động cơ. Từ dự án này đã giúp bà con tiết kiệm được thời gian, góp phần làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Chia tay bác chủ nhà thân thiện, mến khách, chúng tôi vẫn còn cảm giác khoan khoái bởi hương vị chén chè nóng, nhất là nụ cười xởi lởi của bác Miến, nhưng cũng thấy mình phải có phần trách nhiệm với lời nhắn nhủ của bác: “Bà con nơi đây cũng mong muốn Nhà nước hỗ trợ thêm về kỹ thuật, đặc biệt là xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra ổn định cho chè Bát Tiên Sơn Động. Có như vậy thì vùng chè mới phát triển được”…
Đăng Lâm