Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Vùng đất con người Bắc Giang Bắc Giang : Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Lý – Trần

Bắc Giang : Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Lý – Trần

Tỉnh Bắc Giang ngày nay vốn là vùng đất Châu Lạng thuộc lộ Bắc Giang của Đại Việt thủa trước. Đây là vùng đất trọng yếu được đặc biệt coi trọng trong quá trình dựng nước và giữ nước của các triều đại phong kiến, nhất là thời đại Lý - Trần. Bằng chứng là các thời vua ở hai triều đại này đã có nhiều công chúa được gả cho các châu mục lộ Bắc Giang. Để làm rõ các giá trị di sản văn hóa Lý – Trần trên địa bàn Bắc Giang từ đó tìm ra giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa trong giai đoạn hiện nay, ngày 2/11/2010 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang đã phối hợp cùng UBND huyện Lục Ngạn tổ chức buổi hội thảo khoa học” Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Lý – Trần tỉnh Bắc Giang ”. Buổi hội thảo đã thu hút được sự tham gia của đông đảo các học giả, nhà nghiên cứu của trung ương và địa phương.

PGS. TS Nguyễn Hải Kế phát biểu trong hội trong hội thảo ( Ảnh XS)

Các bài viết tham gia hội thảo chủ yếu của các nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu văn hóa các nhà quản lý trong lĩnh vực văn hóa và địa phương. Các ý kiến tham gia tại hội thảo đã tập trung nêu bật những giá trị văn hóa lịch sử và nhân văn của vùng đất con người Bắc Giang. Và khẳng định Bắc Giang có một hệ thống các di tích, di chỉ, đền chùa được xây dựng từ thời Lý – Trần. Các di tích này mặc dù trải qua thăng trầm của thời gian nhưng vẫn còn lưu giữ được nhiều giá trị đến ngày hôm nay như khu di tích đền Từ Hả thờ phò mã tướng quân thời nhà Lý Thân Cảnh Phúc, đền Cầu Từ thờ các vị công chúa thời Lý hay những di tích về cuộc kháng chiến chống quân Tống ở bờ trái sông Cầu thuộc đất Hiệp Hòa, Việt Yên, trung tâm phật giáo Vĩnh Nghiêm thời nhà Trần… Các nhà nghiên cứu cho rằng giá trị văn hóa Lý - Trần ở Bắc Giang là rất dày đặc và có đặc điểm giống với di tích được khai quật ở Hoàng Thành Thăng Long. Những di tích này đặc biệt đậm đặc ở khu vực huyện Lục Ngạn và dọc theo tuyến sông Lục Nam. Những di chỉ phát lộ được tìm thấy cùng nhiều giá trị văn hóa phi vật thể còn lưu giữ tại mảnh đất này cho thấy nền văn hóa Thăng Long đã được tỏa sáng ở xứ Bắc. Và vai trò địa chính trị, kinh tế của vùng Bắc Giang trong thời đại Lý – Trần  một lần nữa được các nhà nghiên cứu khoa học khẳng định là “ một bộ phận quan trọng được vương triều Lý – Trần quan tâm, tạo điều kiện phát triển. Với vị trí tấm lá chắn của kinh đô, hậu phương của vùng biên giới Bắc Giang , thông qua những cuộc hôn nhân ràng buộc, vùng đất này gắn bó mật thiết với kinh thành Thăng Long, từ đó tạo ra sức mạnh phát triển kinh tế, văn hóa trên vùng đất”( Tiến sĩ Trịnh Hoàng Hiệp- Viện Khảo cổ học). Giá trị nhiều tầng của văn hóa Lý – Trần ở Bắc Giang là rất lớn song nhiều nhà khoa học cũng nhận định: trong những năm qua hoạt động đầu tư nghiên cứu khai thác và phát huy các giá trị này còn hạn chế. Bắc Giang chưa có những cuộc khảo sát nghiên cứu quy mô về những giá trị lịch sử văn hóa thời Lý – Trần . Việc bảo tồn, trùng tu tôn tạo các công trình di tích vẫn còn hạn chế do đó những giá trị to lớn của các di tích lịch sử văn hóa chưa được phát huy đúng mức. PGS.TS Tống Trung Tín ( viện khảo cổ học) cho rằng thời gian tới đây Bắc Giang cần có phương án lập dự án quy hoạch bảo vệ các di sản văn hóa; điều tra nghiên cứu thu thập tư liệu của các di tích và hệ thống các đề tài nghiên cứu khoa học và xây dựng hệ thống hồ sơ khoa học về các loại hình di vật, hồ sơ ảnh, bản vẽ để tiếp tục làm cứ liệu khoa học cho việc mở rộng nghiên cứu. Nhiều nhà khoa học khác cũng cho rằng Bắc Giang cần tiến hành bảo quản thường xuyên các di dích và có hướng khai thác giá trị của hệ thống di tích phục vụ cho chủ trương phát triển du lịch của tỉnh.

Di chỉ phát lộ tại đền Cầu Từ huyện Lục Ngạn ( ảnh Hà Yến)

PGS. TS Nguyễn Hải Kế - CN khoa Lịch Sử trường Đại học KHXH và Nhân Văn cho rằng: Các báo cáo tham gia hội thảo đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lịch sử, giá trị di sản văn hóa Lý – Trần trên địa bàn Bắc Giang. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của trấn Kinh Bắc trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Vấn đề bức thiết đặt ra hiện nay là làm cách nào để khai phá, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa của các di tích. Tiến sĩ Nguyễn Hải Kế nhận định: Với lực lượng những nhà nghiên cứu tại chỗ khá đông, ( đã có 18/27 nhà nghiên cứu địa phương tham gia hội thảo) có trình độ sẽ là điều kiện thuận lợi để Bắc Giang đẩy mạnh công tác khảo sát, nghiên cứu khẳng định những giá trị còn tiềm ẩn trong các di tích ở Bắc Giang đặc biệt là những di tích mang dấu ấn thời Lý- Trần.

Khẳng định quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước Bà Hoàng Thị Hoa – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang cho biết: Tỉnh Bắc Giang rất coi trọng việc gìn giữ và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống. Các ý kiến tham gia của các nhà khoa học sẽ là cơ sở khoa học để Bắc Giang xem xét tiến hành các giải pháp quản lý, bảo vệ  các di tích văn hóa Lý – Trần. Đồng thời thông qua việc bảo tồn Bắc Giang sẽ đưa các công trình này vào khai thác phục vụ cho việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, khai thác phục vụ cho phát triển nghành kinh tế du lịch của địa phương. Trước mắt sau hội nghị này Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang sẽ tham mưu cho UBND tỉnh huy động sự vào cuộc của toàn xã hội trong việc đầu tư, gìn giữ bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn đồng thời phối hợp cùng 4 huyện có dấu vết di tích văn hóa Lý – Trần xây dựng đề án khai thác tiềm năng của các di tích, trong đó tập trung khai thác hệ thống di tích văn hóa Lý – Trần tại vùng phía Tây Yên Tử để phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng gắn với du lịch văn hóa tâm linh./.

Hà Yến

Ngày cập nhật: 23/09/2014 Lượt xem: 911