Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Vùng đất con người Bắc Giang Bắc Giang: Khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch đặc trưng

Bắc Giang: Khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch đặc trưng

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 112 của Tỉnh ủy Bắc Giang về phát triển du lịch (PTDL) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, bức tranh du lịch của tỉnh có những gam màu sáng.

Mỗi huyện một trọng tâm phát triển du lịch

Nghị quyết 112 của Tỉnh ủy ban hành ngày 15/6/2021 đề ra một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025 như: Hình thành khai thác không gian du lịch chủ yếu Hà Nội-TP Bắc Giang- Lục Ngạn- Sơn Động- Bãi Cháy và ngược lại; không gian du lịch Tây Yên Tử gắn với "Con đường Hoằng dương phật pháp của các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử" (huyện Sơn Động, Lục Nam, Yên Dũng); không gian du lịch cộng đồng (DLCĐ) gắn với vùng cây ăn quả và chè bản Ven (huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế). Phấn đấu có 1 khu du lịch cấp tỉnh, 20 điểm DLCĐ gắn với vùng cây ăn quả, sản phẩm nông nghiệp nông thôn; thu hút 3 triệu lượt khách du lịch, tổng thu từ du lịch đạt 3 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho 6 nghìn lao động. Trên cơ sở Nghị quyết, ngày 28/6/2021, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện.

Tại huyện Sơn Động, Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng Nghị quyết về PTDL sinh thái, trải nghiệm và DLCĐ trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Cùng với điểm DLCĐ ở thôn Nà Ó, xã An Lạc đã được quan tâm đầu tư; UBND huyện quy hoạch hơn 3 nghìn ha xây dựng dự án công viên rừng sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, DLCĐ ở thị trấn Tây Yên Tử.

Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động) đang là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh.

Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động) đang là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh.

Dự án Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử trên địa bàn huyện đã hoàn thành giai đoạn 1, bước đầu thu hút khách tham quan và đang triển khai giai đoạn 2. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Giám đốc vận hành Công ty cổ phần Dịch vụ Tây Yên Tử cho biết, năm 2023, doanh nghiệp sẽ khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 2, khu cắm trại ngoài trời, khách sạn 3 sao; phố dịch vụ ăn uống, mua sắm. Các hạng mục đầu tư trong năm 2024-2025, gồm: Công viên kỳ quan Phật giáo, khu nghỉ dưỡng 4-5 sao; khu dịch vụ hội nghị, hội thảo; trung tâm văn hoá, nghệ thuật.

Bám sát Nghị quyết 112, Huyện ủy, UBND huyện Lục Ngạn xây dựng các nghị quyết, kế hoạch, đề án, xác định du lịch là nhiệm vụ trọng tâm. Phát huy lợi thế địa phương, huyện coi trọng phát triển DLCĐ gắn với sản xuất nông nghiệp, vùng cây ăn quả. Đến nay, toàn huyện có 29 HTX du lịch được thành lập, 2 điểm du lịch được Sở VHTTDL công nhận. Năm 2022, huyện Lục Ngạn đón hơn 250 nghìn lượt khách tham quan, trải nghiệm.

Cùng với huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Ban Chỉ đạo PTDL các huyện, TP cũng tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp tập trung chỉ đạo, thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án, công trình; phân bổ kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư PTDL. Công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng các công trình gắn với PTDL thu được kết quả tích cực.

Phấn đấu đón 7,5 triệu lượt khách vào năm 2030

Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết, đến nay, các khu, điểm du lịch dần hình thành nhiều sản phẩm mới, du khách đến tham quan, trải nghiệm tăng, tiêu biểu như: Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động), chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng, chùa Kem (Yên Dũng), Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ (Lục Nam), chùa Bổ Đà (Việt Yên), Khu di tích lịch sử lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân (Tân Yên), đền Xương Giang (TP Bắc Giang), bản Ven (Yên Thế). 

Trong năm 2022, hàng chục công ty lữ hành đưa khách về Bắc Giang, nhiều đoàn khách đến từ Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh. Từ đầu năm đến nay, các khu, điểm du lịch của tỉnh đón hơn 1 triệu lượt khách. Đặc biệt, vừa qua, tỉnh Bắc Giang tổ chức Tuần Văn hóa-Du lịch với 15 hoạt động hưởng ứng, tập trung ở 4 huyện gồm: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Dũng. Ở các lễ hội xuân đều có hoạt động văn hóa đặc sắc, thu hút đông đảo du khách như: Hội hát Sloong hao ở xã Tân Sơn (Lục Ngạn); liên hoan hát văn, hát chầu văn tại di tích Suối Mỡ (Lục Nam), hát quan họ tại lễ hội chùa Bổ Đà (Việt Yên)…

 Hiện trên địa bàn tỉnh có 1 khu du lịch cấp tỉnh và 12 điểm du lịch được công nhận.

Cùng với xây dựng sản phẩm du lịch, hạ tầng giao thông được các địa phương quan tâm đầu tư. Một số dự án được triển khai, xây dựng như: Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 289 đoạn từ thị trấn Chũ đến Khu du lịch Khuôn Thần (Lục Ngạn), xây dựng cầu và đường dẫn nối cảng Mỹ An với quốc lộ 1 và tuyến nhánh nối hồ Suối Nứa (Lục Nam) với hồ Khuôn Thần (Lục Ngạn); dự án đường từ quốc lộ 31 tới Khu du lịch sinh thái Khe Rỗ (Sơn Động).

Phát huy kết quả đã đạt được, trong những năm tiếp theo, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước tiếp tục được tăng cường; huy động sự tham gia tích cực của nhân dân vào PTDL. Chú trọng công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch chủ lực; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút PTDL. Đẩy mạnh quảng bá, liên kết, phát triển nguồn nhân lực làm du lịch. Tập trung khắc phục những hạn chế trong công tác quy hoạch, hạ tầng; tiếp tục thu hút đầu tư; khai thác hiệu quả 4 sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh; sinh thái, nghỉ dưỡng; vui chơi, giải trí, thể thao golf; du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp.

Ông Trương Quang Hải, Giám đốc Sở VHTTDL, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo PTDL tỉnh cho biết, Sở VHTTDL sẽ tham mưu xây dựng bảo đảm tiến độ, chất lượng Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển DLCD trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030; Đề án "Phục dựng con đường bộ hành của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử"; Đề án Chiến lược PTDL tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn năm 2050. Cùng đó, tham mưu lựa chọn chuyên gia tư vấn có uy tín trong nước, quốc tế lập đề án, quy hoạch các khu, điểm du lịch trọng điểm; phấn đấu thu hút 7,5 triệu lượt khách, tạo việc làm cho 10 nghìn lao động vào năm 2030.

Theo Báo BG

Lượt xem: 813