Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Vùng đất con người Bắc Giang Bắc Giang: Mạch nguồn quan họ chảy mãi

Bắc Giang: Mạch nguồn quan họ chảy mãi

Dân ca quan họ được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 30/9/2009. Thời gian qua, công tác bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị di sản quan họ ở nhiều địa phương và trên quy mô cấp tỉnh được chú trọng. Việc truyền dạy quan họ cho thế hệ trẻ được quan tâm, giúp cho loại hình nghệ thuật này sống mãi với thời gian.

Chiều cuối đông, tôi dựa lưng vào con ngõ cũ ở làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên (Bắc Giang) nghe câu quan họ mà đắm say, mà thấy cái tình vời vợi, sâu lắng, da diết đến khắc khoải. Nghe lâu thì thấy khóe mắt cay. 

 Câu lạc bộ quan họ Thổ Hà. Ảnh: CTV

Câu lạc bộ quan họ Thổ Hà. Ảnh: CTV

Bến sông Cầu, làng xóm bãi bờ ngoài kia mà tiếng hát nổi nênh cùng phận người qua bao trầm tích thời gian. Nỗi buồn đẹp đẽ, mơ hồ, xa vắng khơi lên những khát vọng thiết tha. Vùng quê quan họ bây giờ đổi mới từng ngày, Việt Yên vừa được công nhận là đô thị loại IV. Di sản quan họ - báu vật của mảnh đất này vẫn luôn được nâng niu, gìn giữ. Văn hóa quan họ (tục kết chạ, lối ca, lối chơi canh…) vẫn còn đó trong dân gian.

Liền chị Nguyễn Thị Thủy (SN 1961), quê ở xã Minh Đức (Việt Yên) đi hát quan họ từ 17 tuổi, giờ lại bớt việc nhà nông tham gia làm cộng tác viên Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện để truyền dạy quan họ cho các em học sinh. Chị Thủy chia sẻ: “Tôi làm việc này nhiều năm rồi. 

Các em bận học hành nên phải sắp xếp thời gian hợp lý để vừa học văn hóa, vừa học hát. Lời cổ hát rất khó, phải dạy các em từng câu, giải thích từng chữ, từng điển tích rồi “bỉ” từng tiếng ra dạy các em cách luyến láy. Những lời cổ như: “Gửi bức thư sang”, “Kim Lan”, “Lý cây đa”, “Mời nước mời giầu” (trầu)… đều được các em thích thú học. Hỏi chuyện mới hay, chị Thủy và một số nghệ nhân, thầy cô giáo khác đều vì đam mê quan họ mà đi truyền dạy các lớp này, chứ hoàn toàn không có thù lao.

Liền chị Dương Thị Hoài Thu (SN 1979) vừa dạy quan họ cho các em lớp 6 trở về cơ quan. Vốn là cô giáo, hiện chị Thu là Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Việt Yên. Chị đang cùng liền chị Nguyễn Thị Thủy và giảng viên Nguyễn Hải Đường (Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh) truyền dạy quan họ cho các em thiếu nhi ở Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa dân gian huyện Việt Yên và CLB trong các nhà trường, thôn. 

Tiền thân của CLB Văn hóa dân gian huyện Việt Yên chính là “CLB Quan họ Bagico” thành lập năm 2008, là sáng kiến của chị Dương Thị Hoài Thu và doanh nhân Nguyễn Thị Thành Thực, hoạt động dưới sự bảo trợ của Công ty Bagico do chị Thực làm Giám đốc. Chị Thực nhiệt huyết trong kinh doanh và say mê công tác bảo tồn quan họ cho thế hệ trẻ. Mười năm liền (từ 2008 đến 2018), trại hè Bagico đều được tổ chức, tạo sân chơi cho các em học sinh và tôn vinh các hạt nhân văn nghệ.

Đã có những nhân tố nổi bật từng trưởng thành từ trại hè Bagico. Đó là Trần Tùng, hiện là giáo viên dạy âm nhạc tại hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) - một trong những học viên đầu tiên của CLB. Đó là Nguyễn Thị Hoa Lệ, diễn viên Nhà hát Chèo Bắc Giang, từng là thế hệ học viên thứ ba của CLB, giành Huy chương Vàng “Tiếng hát sinh viên toàn quốc”. Sau năm 2018, CLB được chuyển giao về UBND huyện Việt Yên, hoạt động dưới sự quản lý trực tiếp của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện. Chị Thu là người quản lý CLB, trực tiếp giảng dạy, tổ chức các hoạt động bảo tồn, quảng bá quan họ.

Tôi biết chị Thu đã lâu bởi nhiều hội diễn hay hoạt động văn hóa lớn của huyện, chị đều là hạt nhân kết nối, có ảnh hưởng đến rất nhiều bạn trẻ. Hiện chị Thu đang triển khai hàng loạt hoạt động văn hóa duy trì các CLB trong toàn huyện. CLB hiện có nhiều cá nhân nổi bật như em Dương Thị Hường, học sinh lớp 7B Trường THCS Tiên Sơn - giải Nhì Sân chơi măng non quan họ tỉnh Bắc Ninh, giải Nhất Liên hoan dân ca quan họ tỉnh Bắc Giang. 

Các em: Trà My (lớp 6A), Như Quỳnh (lớp 7A) - Trường THCS Trung Sơn nhiều năm liền giành giải Nhất cuộc thi “Em yêu làn điệu dân ca” huyện Việt Yên. Có em đã học đại học song vẫn về tham gia dạy hát cho các em nhỏ trong CLB như Nguyễn Phương Thảo, Huy chương Vàng “Liên hoan giai điệu sơn ca” của Đài VOV năm 2019.

Giảng viên Nguyễn Hải Đường tham gia công tác truyền dạy quan họ từ năm 2005 đến nay, với vốn liếng hát thạo hơn 200 câu chia sẻ: “Khó nhất là làm sao truyền được các yếu tố vang, rền, nền, nảy trong hát quan họ, với các em càng khó. Vì vậy phải rèn rất kỹ lưỡng, cho các em luyện kỹ các câu hát có các âm phụ ơ, ô, u, i... thật nhiều, đồng thời sửa giọng trực tiếp cho từng em”. 

 Liền chị Nguyễn Thị Thủy truyền dạy quan họ cho học sinh. Ảnh: CTV

Liền chị Nguyễn Thị Thủy truyền dạy quan họ cho học sinh. Ảnh: CTV

Chị Thu thì ấp ủ mở một canh hát quan họ trong thời gian sớm nhất, khi mọi thứ hồi phục sau đại dịch Covid -19. Nhìn cách chị làm việc một cách lăn xả, miệt mài với cơ sở, say mê cùng các em nhỏ khắp huyện Việt Yên luyện hát, biểu diễn, thành lập các chương trình văn nghệ để giao lưu, chào mừng, khai trương các sự kiện lớn mà nể phục. Chị quy tụ được các nghệ nhân có tên tuổi tham gia công tác truyền dạy quan họ. 

Đều đặn, chị Thu dành thời gian đến các trường học đặt điểm để mời các nghệ nhân dạy miễn phí cho học sinh; mở lớp tại Trung tâm; tổ chức mở trang fanpage “CLB Văn hóa dân gian huyện Việt Yên” để giáo viên và học sinh trao đổi, có khi là dạy và học online trên diễn đàn. Hiện tại có đến cả nghìn học sinh tiểu học và THCS biết hát quan họ. Dần dần, qua thời gian CLB đã nhận được sự quan tâm của một vài doanh nghiệp trên địa bàn huyện.

Anh Đoàn Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Việt Yên cho biết: “Hiện tại, huyện Việt Yên đã triển khai Đề án “Khôi phục lối ca đối đáp quan họ” cũng như việc đưa quan họ thực hành trở lại với đời sống, đặc biệt là các làng quan họ ven sông Cầu thuộc các xã: Tiên Sơn, Vân Hà, Ninh Sơn, Quảng Minh, Quang Châu, Vân Trung và thị trấn Nếnh. Tôi mong muốn CLB Văn hóa dân gian huyện Việt Yên sẽ được quan tâm, đầu tư đúng mức để hoạt động tốt hơn. 

Tôi cũng đánh giá cao những đóng góp của chị Dương Thị Hoài Thu đã làm cho công tác giữ gìn, bảo tồn và quảng bá di sản quan họ. Với khả năng quy tụ, tập hợp quần chúng, chị Thu đã và đang làm rất tốt các phong trào, đóng góp vào công cuộc bảo tồn, phát triển dân ca quan họ bờ Bắc sông Cầu”.

 Các liền chị “nhí” CLB Văn hóa dân gian huyện Việt Yên. Ảnh: CTV

Các liền chị “nhí” CLB Văn hóa dân gian huyện Việt Yên. Ảnh: CTV

Tôi lẫn vào nhóm hát dưới chân chùa Bổ Đà, lặng lẽ nghe và ngắm nhìn người quan họ và nhận ra, quan họ luôn được hát lên trong đời sống hằng ngày, có mặt và trở thành tri kỷ của các liền anh, liền chị trong mọi sự buồn vui. Trang phục khi hát quan họ là cả một nghệ thuật. Nếu ai từng được thấy liền anh mặc áo dài năm thân, cổ đứng, đầu quấn khăn xếp cầm chiếc ô đen (có khi là khăn tay, lược) hát cùng liền chị trang phục mớ ba mớ bảy sẽ thấy bị cuốn hút khó mà rời bước.

Câu chuyện làm sao để quan họ trường tồn với thời gian, đồng thời trở thành động lực trong phát triển kinh tế cần đến trí tuệ của nhiều ban ngành và quần chúng nhân dân. Khi nào quan họ vừa là di sản vừa là sản phẩm du lịch trong thời đại mới thì chắc chắn khi đó, câu chuyện bảo tồn sẽ nhẹ đi. Nhìn các em say mê hát bên triền hoa cải nở hoa vàng rực, tôi tin lắm, một ngày mai...

Mùa xuân đã hiện hữu trong từng lời quan họ dặt dìu. Giữa đời sống này, mạch nguồn quan họ sẽ chảy mãi đến mai sau.

Theo Báo Bắc Giang
Ngày cập nhật: 14/02/2022 Lượt xem: 554