Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Vùng đất con người Bắc Giang Bắc Giang: Mê hồn vẻ đẹp Đền bà Chúa Then ở Lạng Giang

Bắc Giang: Mê hồn vẻ đẹp Đền bà Chúa Then ở Lạng Giang

Một ngày mùa hè tháng 5 năm 2023, chúng tôi có dịp về thăm Đền bà Chúa Then ở xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Vẻ đẹp nơi đây, như dẫn đưa ta lạc về cõi bồng lai tiên cảnh chốn thiên đường.

Quần thể đền bà Chúa Then ở thôn Việt Hương, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang ( Bắc Giang) cách trung tâm TP. Bắc Giang khoảng 20 km về phía Bắc, cách trung tâm thị trấn Kép, huyện Lạng Giang khoảng 6 km về phía Đông Bắc.

Quần thể khu đền bà chúa Then nhìn từ trên cao. Ảnh: TNS.

Mùa hè năm 2023, hè đầu tiên du khách được tự do săn tìm những địa danh du lịch,  thỏa thích vui chơi, giải trí sau mấy năm qua Việt Nam cùng thế giới chống chọi với đại dịch Covid -19.

 

Tọa lạc bên bờ sông Thương thơ mộng, trước mắt chúng tôi là quần thể khu đền bà Chúa Then cổ kính với những góc mái đền vút cong in bóng nền trời xanh. Dọc hiên đền, từng hàng cột gỗ Lim to bằng cả người ôm, cánh cửa đền được chạm trổ, họa tiết tỉ mỉ, công phu khéo léo bởi những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân. Kiến trúc của khu đền mang đậm nét truyền thống của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Qua câu chuyện, cậu Bùi Quang Lưu - thủ nhang đồng đền bà Chúa Then cho biết, khu đền bà Chúa Then có 10 dãy nhà đền, được xây dựng bố trí 2 khu đền thờ chính gồm: Khu 1 là đền Thụy Ứng thờ Nam Thiên Tứ Bất Tử và đức thánh mẫu Liễu Hạnh; khu 2 đền thờ các chúa Sơn Lâm, Sơn Trang và bà Chúa Then ( dân tộc Nùng). Ngoài ra, nhà đền còn có các khu nhà sắp lễ, nhà tiếp khách; khu bếp ăn nhà đền.

“ Tục thờ Chúa Then ở đền bà Chúa Then, xã Hương Sơn ( huyện Lạng Giang ) được giữ gìn qua nhiều dòng họ. Tín ngưỡng thờ Chúa Then ở nhiều nơi như các tỉnh: Bắc Giang; Lạng Sơn; Cao Bằng… Tục thờ cúng Chúa Then là loại hình nghệ thuật văn hóa hóa phi vật thể, mang tính dân gian, có sức sống mãnh liệt trong đời sống cộng đồng các dân tộc Nùng, Thái và Tày. Loại hình văn hóa tín ngưỡng dân gian gắn liền với từng bản sắc của dân tộc Tày, Nùng và Thái. Họ coi, việc thờ chúa Then không chỉ là cầu an lành, may mắn mà còn gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng trong năm. Then có nghĩa là “thiên”, người Tày quan niệm chúa Then là đại diện cho thần tiên, cầu nối tâm linh, thỉnh cầu tới tai đất trời trên cao thấu hiểu giúp đỡ muôn dân, cầu cho mưa thuận, gió hòa mùa màng bội thu, cuộc sống yên ổn, ấm no hạnh phúc thái bình”,  cậu Bùi Quang Lưu chia xẻ.

Thành tâm thắp hương nguyện cầu sức khỏe, bình an. Ảnh: TNS.

Chị Nguyễn Thị Nga (39 tuổi) ở Quận Thanh Xuân, TP Hà Nội tâm sự, gia đình chị có 8 thành viên, lần đầu tiên thăm đền, mọi người đều cảm nhận những ngôi đền uy nghi, to đẹp, môi trường cảnh quan rất sạch sẽ. Trước đây, chị chỉ biết tới đền bà Chúa Then trên mạng xã hội và bạn bè. Lát nữa, gia đình chị sẽ tới thăm đền Chín Mìu gần đây. Buổi chiều, gia đình chị sẽ tiếp tục hành trình tới thăm khu du lịch Suối Mỡ ( huyện Lục Nam), sau đó về Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử nghỉ ngơi và khám phá vùng đất huyện Sơn Động (Bắc Giang).

 Khuôn viên đền bà Chúa Then được trồng khá nhiều cây xanh, tạo bóng mát. Những dãy cây cảnh, cây xanh được bố trí không gian hài hòa. Một hồ nuôi cá cảnh được thiết kế các tiểu cảnh non bộ, trồng xen cây xanh nổi giữa mặt nước. Những đàn cá đủ màu sắc sặc rỡ, bơi lội tung tăng giữa làn nước trong vắt có thể nhìn thấu tới tận đáy hồ. Giữa không gian bình yên, thanh tịnh, du khách có cảm giác xua tan hết mệt mỏi sau một chặng đường xa hành trình tới thăm đền.

Vui chơi bên hồ cá cảnh. Ảnh: TNS.

 

Nhân ngày được nghỉ học, chị em Hoàng Thị Như 9 tuổi ( bên phải) và Hoàng Thị Hương Giang 7 tuổi ( bên trái) ở thôn Chí Mìu ( xã Hương Sơn) viếng thăm đền. Ảnh: TNS.

Sau khi thắp hương cầu bình an, du khách có thể tản bộ thăm các dãy nhà đền. Tìm cho mình những cảnh sắc, không gian đẹp, Check- in những bức ảnh lưu lại kỷ niệm một chuyến đi đầy ấn tượng, thú vị. Khi thăm đền, du khách cần chấp hành các nội quy, quy định của nhà đền. Không được tự ý sờ mó, làm xê dịch các vật dụng hoặc tự ý bẻ cành, hái hoa vứt xả rác thải bừa bãi, cười nói to gây mất trật tự, mĩ quan và sự tôn nghiêm của khu đền.

Hát Then là một loại hình diễn xướng dân gian, gắn bó mật thiết trong đời sống của đồng bào Tày, Nùng, Thái. Tháng 12 - 2019, tổ chức UNESCO đã chính thức ghi danh Di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự kiện này một lần nữa khẳng định thế giới đánh giá cao kho tàng văn hoá phong phú của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Chị Nguyễn Thị Hậu ( phải) và chị Nguyễn Phương Thu ( trái) ở xã Tân Hưng ( huyện Lạng Giang) dưới hiên đền bà Chúa Then. Ảnh: TNS.

Lễ hội bà Chúa Then ở xã Hương Sơn ( huyện Lạng Giang) thường diễn ra trong 3 ngày từ 9 đến 11/3 âm lịch hàng năm. Dịp này, người dân khắp nơi nơi tìm về tụ hội. Lễ hội được tổ chức các nghi lễ như: Rước kiệu thánh, tế lễ, hầu đồng và trình diễn nghệ thuật hát Then, nhập đồng; nhảy múa, dâng lễ, hóa vànThen, nhập đồng; nhảy múa, dâng lễ, hóa vàng.

Được biết, trong các ngày dịp nghỉ  lễ,  mỗi ngày có hàng nghìn du khách thập phương tới viếng thăm đền bà Chúa Then và du khách đều không bỏ qua tới thăm đền cô bé Chí Mìu (thờ cô bé Thượng Ngàn) ở thôn Chí Mìu, xã Hương Sơn ( huyện Lạng Giang) cách đền bà Chúa Then khoảng 1,5 km về hướng Đông, đây cũng là địa chỉ du lịch tâm linh cho du khách gần xa.

Theo Mybacgiang

Lượt xem: 26748