Bắc Giang vừa có Dân ca Quan họ, Ca trù, Chèo của người Kinh; vừa có hát Then, hát Soonghao, Soọng Cô, Cnắng cọô, Sịnh ca của đồng bào người Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chí, Sán Dìu. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, hiện còn lưu giữ và duy trì gần 800 lễ hội, nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống và được coi là “miền đất sống và miền đất diễn” của các loại hình văn hóa phi vật thể…Để gìn giữ, trao truyền và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật nêu trên, có sự đóng góp công sức to lớn của các nghệ nhân, nhất là các Nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” (NNND), “Nghệ nhân ưu tú” (NNƯT), họ được coi là “báu vật nhân văn sống”, “linh hồn của di sản”.
Không gian thực hành di sản và những người thắp lửa đam mê
Nói đến di sản văn hóa phi vật thể là nói đến không gian thực hành di sản và các nghệ nhân. Chính từ không gian thực hành di sản, đã “nuôi dưỡng” nên tài năng nghệ thuật cho các nghệ nhân và ngược lại, các nghệ nhân đã tô thắm thêm không gian thực hành di sản. Ở đó, họ trở thành “linh hồn, chủ thể của di sản”; những người nắm giữ, thực hành và trao truyền vốn di sản quý báu của dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Các nghệ nhân: Nguyễn Phú Hiệp (thứ hai từ trái qua), Nguyễn Văn An (thứ ba từ trái qua), Đỗ Thị Khoa (thứ tư từ trái qua) đón nhận danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Ba, năm 2023
Từ năm 2015 đến nay, qua 03 đợt xét tặng, tỉnh Bắc Giang có 05 cá nhân được phong tặng danh hiệu “NNND” và 38 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu “NNƯT” thuộc các loại hình: Tiếng nói và chữ viết của người Việt, Nghệ thuật trình diễn dân gian, Tập quán xã hội và tín ngưỡng, Tri thức dân gian. Đây là các nghệ nhân tiêu biểu, đại diện cho hàng nghìn nghệ nhân trong tỉnh, có tài năng nghề nghiệp xuất sắc, đang nắm giữ, trao truyền ngọn lửa đam mê cho các thế hệ sau, đó là những cống hiến to lớn cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Bắc Giang tự hào khi có Dân ca Quan họ với 5 làng Quan họ gốc đã được UNESCO vinh danh và 13 làng Quan họ hội tụ đầy đủ các yếu tố của làng Quan họ truyền thống. Đó cũng là những địa điểm nổi bật, nơi lưu giữ một kho tàng tư liệu, bài hát được bảo tồn và gìn giữ bởi các liền anh, liền chị Quan họ đang sinh sống bên bờ Bắc dòng sông Cầu thơ mộng. Với một vùng không gian thực hành di sản rộng lớn, Dân ca Quan họ có lực lượng nghệ nhân đông nhất và có số lượng nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “NNND”, “NNƯT” nhiều nhất (02 “NNND” và 15 “NNƯT”). Tiêu biểu trong số đó là NNND Nguyễn Phú Hiệp; tên tuổi, gương mặt và giọng hát của anh đã trở nên rất đỗi thân quen trong các “canh hát” Quan họ truyền thống và trên các sân khấu, sự kiện Quan họ lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Sau 31 năm gắn bó với Dân ca Quan họ, liền anh Phú Hiệp được đánh giá là người có đầy đủ kiến thức về lề lối, luật chơi Quan họ; nắm vững kỹ thuật xử lý câu hát đạt được các yếu tố vang, rền, nền, nẩy; nhận biết tường tận, bài bản về một canh hát Quan họ; có kỹ năng sư phạm và tâm huyết truyền nghề... Với những cống hiến lớn lao của mình, năm 2015, liền anh Phú Hiệp được vinh danh là “NNƯT” và đến năm 2023, một lần nữa anh được nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước cao quý nhất dành cho nghệ nhân, đó là danh hiệu “NNND”. Khi nói về Dân ca Quan họ, NNND Nguyễn Phú Hiệp bày tỏ cảm xúc của mình: “Dân ca Quan họ đã ấp ủ trong tâm hồn tôi niềm tự hào về quê hương bên bờ Bắc sông Cầu. Tuổi thơ tôi đã được đắm mình trong những lời ru của bà, của mẹ, qua những câu Quan họ mộc mạc, điều đó đã thôi thúc tôi tìm đến các nghệ nhân trong vùng để sưu tầm và học hỏi những kỹ năng trong việc trình diễn loại hình nghệ thuật này. Qua đó, niềm đam mê ca hát cứ lớn dần, trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống, cùng lớn lên với những câu Quan họ. Để rồi, cùng những liền anh, liền chị hun đúc, bồi đắp, gìn giữ và trao truyền cho các thế hệ sau”.
Các nghệ nhân đón nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Ba, năm 2023
Cùng với Dân ca Quan họ, Chèo cổ Bắc Giang nằm trong “tứ chiếng” của lịch sử nghệ thuật Chèo ở nước ta, nổi danh trong “chiếng Chèo Bắc” với những vùng chèo truyền thống như: Hoàng Mai (Việt Yên), Tư Mại (Yên Dũng), Đồng Quan (Yên Dũng, nay là TP Bắc Giang) ... Những phường Chèo này, hầu hết đều do nhân dân tự lập nên, diễn viên vừa lao động sản xuất nông nghiệp, vừa tham gia các phường Chèo. Theo thống kê, tỉnh Bắc Giang hiện nay có khoảng 40 CLB và hàng chục Đội Chèo giàu truyền thống, hoạt động như một đội nghệ thuật chuyên nghiệp, tạo dựng được danh tiếng trong vùng nhờ khả năng biên đạo, dàn dựng và tổ chức luyện tập, biểu diễn. Tiêu biểu, nổi bật nhất từ xưa đến nay phải kể đến làng Chèo Hoàng Mai (xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên; nay là các thôn Hoàng Mai 1, Hoàng Mai 2, Hoàng Mai 3, TT Nếnh, huyện Việt Yên). Được biết, nghệ thuật Chèo xuất hiện ở Hoàng Mai khoảng trăm năm nay, khi vợ chồng cụ Kép Viễn từ nơi khác đến nơi này lập nghiệp rồi lan tỏa, truyền dạy nghệ thuật Chèo cho người dân. Trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, tiếng hát Chèo vẫn ngân vang trên mảnh đất này. Xuất phát từ bề dày lịch sử ấy, cho đến hôm nay, vùng quê Hoàng Mai có đến 3/5 nghệ nhân nắm giữ loại hình nghệ thuật hát Chèo ở tỉnh Bắc Giang được phong tặng danh hiệu “NNND”, “NNƯT”. Tiêu biểu trong số đó là NNND Đỗ Thị Khoa (nghệ nhân hát Chèo duy nhất của tỉnh Bắc Giang tính đến thời điểm hiện tại được phong tặng danh hiệu NNND). Năm 2023 này, NNND Đỗ Thi Khoa đã 81 tuổi và đã có 73 năm gắn bó với nghệ thuật Chèo. Từ năm lên 8 tuổi, bà Khoa cùng nhiều bạn bè trong làng đã bắt đầu học hát Chèo. Đến nay, NNND Đỗ Thị Khoa được coi là “cây cao bóng cả” trong làng Chèo Hoàng Mai, bà là người hiểu tường tận về câu chuyện vợ chồng cụ Kép Viễn có công đưa nghệ thuật Chèo đến với quê hương mình và bà chính là học trò của hai cụ. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, từ việc tham gia phong trào “tiếng hát át tiếng bom” trong thời kỳ chiến tranh, cho đến khi đất nước hòa bình, bà Khoa vẫn miệt mài gìn giữ và trao truyền từng làn điệu Chèo truyền thống, uốn nắn từng động tác biểu diễn nghệ thuật Chèo cho biết bao thế hệ. Vinh dự và tự hào khi đón nhận danh hiệu NNND ở tuổi 81, bà Khoa vẫn rất tinh anh và đáu đáu nỗi niềm tìm lớp kế cận. Vì lẽ đó mà từ nhiều năm nay, bà Khoa vẫn tự nguyện làm việc ấy, đó là việc truyền lửa đam mê hát Chèo cho thế hệ sau, với mong muốn tiếng hát Chèo luôn âm vang, trường tồn với thời gian.
Nếu như ở miền xuôi có Dân ca Quan họ, hát Chèo, Tuồng, Ca trù … thì ở những vùng cao, miền núi của tỉnh lại có những làn điệu dân ca dân tộc thiểu số, luôn ngân vang bên những dải núi, triền đồi bốn mùa ngát hương hoa trái. Ở đó, các nghệ nhân cũng miệt mài gìn giữ di sản văn hóa dân tộc mình như báu vật của gia đình, dòng họ, quê hương. Đơn cử như trên quê hương Lục Ngạn, có một già làng tâm huyết trong công tác gìn giữ làn điệu Soọng Cô (Dân ca dân tộc Sán Dìu), đó là NNND Nguyễn Văn An ở thôn Bèo, xã Giáp Sơn. Năm nay, ông Nguyễn Văn An đã bước vào tuổi ngoại bát tuần. Thế nhưng, trí óc vẫn minh mẫn, đôi chân dẻo dai và vẫn có thể tự lái xe máy đi đến từng bản làng, từng xã, gặp gỡ thành viên các Câu lạc bộ hát dân ca dân tộc Sán Dìu với mong muốn gìn giữ và phát huy làn điệu dân ca của dân tộc mình. NNND Nguyễn Văn An là người nắm vững kỹ thuật hát; sáng tác và sưu tầm được trên 300 bài hát, biết cách rèn giọng hát sao cho đúng bản sắc, âm điệu, vần điệu của dân ca Sán Dìu và đặc biệt, ông có công lớn trong việc thành lập, nhân rộng và phát triển các Câu lạc bộ hát dân ca dân tộc Sán Dìu trên địa bàn huyện Lục Ngạn.
Để ngọn lửa đam mê còn mãi
Trước và sau khi được phong tặng danh hiệu “NNND”, “NNƯT”, các nghệ nhân luôn tâm huyết gìn giữ, bảo tồn và trao truyền vốn quý di sản cho thế hệ trẻ với tinh thần tự nguyện; đồng thời tích cực tham gia các hội thi, liên hoan các cấp, đạt được nhiều thành tích. Tuy nhiên, có một thực tế là các nghệ nhân đa phần đã lớn tuổi (từ 65 đến trên 80 tuổi), sức khỏe yếu, điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn. Trong tổng số nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “NNND”, “NNƯT”, có 05 cán bộ được hưởng chế độ hưu, còn lại chủ yếu sống bằng nghề nông và lao động tự do. Theo thống kê, chỉ có khoảng 2-3 nghệ nhân có thu nhập từ việc thực hành, truyền dạy di sản; số lượng nghệ nhân là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa chiếm tỷ lệ 40%, không có nhiều điều kiện để thực hành, truyền dạy di sản. Vì niềm đam mê, nhiều nghệ nhân phải làm nghề khác để nuôi sống đam mê gìn giữ, truyền dạy di sản.
NNND Nguyễn Văn An (người đứng) trong một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ hát Dân ca tại huyện Lục Ngạn
Để phát huy tốt vai trò của đội ngũ “NNND”, “NNƯT”, những năm qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Bắc Giang, cùng với các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng, triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án, Dự án; trong đó quan tâm hỗ trợ, tạo môi trường hoạt động thuận lợi cho đội ngũ nghệ nhân. Đồng thời, phát huy tốt vai trò của các “NNND”, “NNƯT” trong việc truyền dạy các loại hình di sản tại cộng đồng; lấy các “NNND”, “NNƯT” làm trung tâm, nòng cốt, hình mẫu trong thực hành di sản tại cộng đồng và trong trình diễn tại các liên hoan, hội thi, hội diễn ... các cấp. Đặc biệt, hiện nay, Sở VHTTDL đang hoàn thiện các bước tham mưu xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ đối với “NNND”, “NNƯT” trên địa bàn tỉnh.
Miền di sản văn hóa Bắc Giang chứa đựng nhiều loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc, được tồn tại qua bao thăng trầm của lịch sử. Ở đó, các nghệ nhân luôn âm thầm, lặng lẽ và miệt mài tích lũy kinh nghiệm, để rồi luôn cháy bỏng đam mê thực hành và trao truyền cho các thế hệ sau. Vì vậy, họ xứng đáng được ghi nhận, tôn vinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất để luôn luôn được cống hiến đam mê, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa quý giá của dân tộc.