Dẫu không phải quê ở đây nhưng tôi lại "kết" Bắc Giang đến thế. Lâu lâu không trở lại, tôi bâng khuâng nhớ và thương về cái nhấp nhô của vùng đất Bắc sông Cầu lơ thơ nước chảy này. Vùng đất từ thuở xa xưa đã có danh thơm là Kinh Bắc, cảnh đẹp người lành, dày đặc những hiện lộ và trầm tích lịch sử văn hóa đáng tự hào.
Hơn mười năm nay, tôi xem Bắc Giang như một chốn đi về. Ở đâu, cũng có cái để yêu, điều để mến, người để thương và nói như ai đó, đến Bắc Giang chơi quên cả lối về.
Sông núi Bắc Giang không quá hùng vĩ nhưng chẳng kém thơ mộng. Sông Cầu, sông Thương chảy mãi trong dân ca, ca dao xứ sở đến tận bây giờ vẫn chưa nguôi ngoai níu náu, hẹn hò. Lớp lớp núi non Tây Yên Tử cùng những chùa tháp nghìn năm như Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), Am Vãi (Lục Ngạn), Đồng Thông (Sơn Động)… là điểm đến hấp dẫn với du khách muôn nơi. Không chỉ để ngắm cảnh đâu mà người ta sẽ có dịp “đọc” lại quá khứ, ngẫm suy những bài học lịch sử, trải nghiệm tâm linh để tăng thêm hiểu biết và quan trọng hơn là thanh lọc tâm hồn.
Một thoáng Bổ Đà. Ảnh: Hữu Thông. |
Đến với Bắc Giang, cảm nhận được chiều sâu văn hóa của vùng đất địa linh nhân kiệt này là thu hoạch đáng kể nhất của du khách. Dự một canh quan họ ở Bắc sông Cầu ta sẽ thấm hơn cái hay, cái đẹp rất tinh tế của cuộc chơi dân dã nổi tiếng này.
Tôi đã từng được ngồi ở đình làng Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên) nghe các liền anh Hai Nam, Hai Hiệp ca quan họ cổ hay đến mức không thể dứt ra được. Hát mộc thôi mà sao cái giọng đan điền da diết đến thế: "Yêu nhau không lấy được nhau/ Mượn dao mượn kéo gọt đầu đi tu"... rồi đây nữa: "Mấy vạn năm nay tình hãy còn/ Cớ sao khi khuyết lại khi tròn/ Ba mươi, mồng một đi đâu vắng/ Hay có tình riêng với nước non"… Còn đây, còn mãi với thời gian, không gian quan họ vang rền nền nảy bởi các ngân rung lề lối, vặt, giã của những liền anh áo lương khăn xếp, của những liền chị nón thúng quai thao.
Cũng như khi đến chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), người ta không chỉ thong thả chiêm ngắm vẻ tôn nghiêm thanh mịch của cảnh vật, kiến trúc nơi này mà điều cần thiết hơn là thấm thía cái cốt lõi cao cả trong quan niệm đạo gắn với đời của Thiền phái Trúc Lâm được Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Cũng tại đây, bạn sẽ tận mắt thấy Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hay khi tìm lên Yên Thế, đứng ở di tích đồn Phồn Xương, tôi thấy thấp thoáng bóng xưa về cuộc khởi nghĩa chống giặc Pháp xâm lược kéo dài suốt ba mươi năm dưới lá cờ đại nghĩa cụ Hoàng Hoa Thám dựng lên. Trong Đền Thề khắc ghi lời vị Anh hùng dân tộc: "Chúng tôi gắn bó với phong tục của đất nước chúng tôi, chúng tôi không bao giờ từ bỏ phong tục ấy dù có phải hy sinh cả tính mạng". Bài học về lòng yêu nước vẫn tỏa sáng từ các di tích lịch sử. Hơn thế, du lịch phải làm cho bè bạn năm châu hiểu Việt Nam hơn, không chỉ thắng cảnh, mà ở tầng sâu văn hóa gắn liền với lịch sử dựng nước, giữ nước bi tráng của nhân dân ta.
Giai đoạn lịch sử nào hầu như cũng để lại những dấu tích sâu đậm trên mảnh đất Bắc Giang như đền thờ Thạch Linh thần tướng thời Hùng Vương ở Tiên Lát (Việt Yên); đền thờ các công chúa thời Lý ở Trường Giang (Lục Nam); chùa Bổ Đà ở Tiên Sơn (Việt Yên) có từ thời Lý; chùa Hồ Bấc xây từ thời Trần ở Nghĩa Phương (Lục Nam); chùa Vĩnh Nghiêm ở Trí Yên (Yên Dũng) như ta đã nói trên là một “danh lam cổ tự” được xây từ thời Lý - Trần; chùa Khám Lạng (Lục Nam) xây từ thời Lê sơ; thời Lê Mạc thì có khu đình đền chùa Thượng Lâm ở Thanh Lâm (Lục Nam), đình Lỗ Hạnh thời Mạc được gọi là Đệ nhất Kinh Bắc có niên đại xây dựng sớm nhất ở Việt Nam (1576); rồi đình Thổ Hà, đình Hương Câu, Đông Lâm, đình Bảo Sơn… thời Lê Trung Hưng; đình Rìa ở Đông Phú (Lục Nam) thời Tây Sơn…
Thời cận đại thì có di tích khởi nghĩa Yên Thế như ta đã đề cập trên; thời chống Pháp, chống Mỹ thì có Trung tâm Huấn luyện quân Mai Sưu, địa điểm bắn rơi máy bay Mỹ ở xã Dương Hưu (Sơn Động)...
Du khách trải nghiệm vùng cây ăn quả Lục Ngạn. Ảnh: Danh Lam |
Còn gói du lịch này nữa mà theo tôi Bắc Giang nên khai thác. Tạm gọi là du lịch trên những nẻo làng Bắc Giang. Vừa qua, tôi có về một số làng ở Bắc Giang thấy thú vị lắm. Làng Đông Thượng ở xã Lãng Sơn (Yên Dũng) là một dẫn dụ sinh động.
Đông Thượng vừa nổi tiếng với nghề mộc truyền thống vừa lừng danh là làng “nói tức”. Hình ảnh làm tôi hết sức thú vị là nhiều bức tranh và phù điêu khá đẹp có trên các tường rào của làng. Có bức tranh dài hơn chục mét miêu tả cảnh làm mộc ở làng; cảnh hội làng, hát quan họ nơi cây đa, bến nước, sân đình; có phù điêu khắc họa lịch sử như xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 hay cảnh bộ đội về làng thời kháng chiến chống Pháp như Hoàng Trung Thông miêu tả trong thơ: "Mẹ già bịn rịn áo nâu/ Vui đàn con ở rừng sâu mới về".
Những bức tranh, phù điêu đẹp do các họa sĩ làng thực hiện tạo ra sự độc đáo cho Đông Thượng. Ai đến đây chẳng muốn làm mấy kiểu ảnh “nuôi Phây” có hậu cảnh là những bức tranh đó. Càng thú vị hơn khi đọc được kiểu “nói tức” trên các bức tranh. Này nhé, tranh vẽ một người đánh kẻng, ở góc khác vẽ hai người đối đáp nhau: “Kẻng gì thế nhỉ? Kẻng sắt chứ kẻng gì nữa!”. He he, đúng là tức anh ách, hỏi một đàng trả lời một nẻo.
Bức tranh khác vẽ một cán bộ đi kiểm tra đồng ruộng, miệng nói: “Chết thật, lúa bị rầy nặng thế này mà lại bảo không có sâu bệnh”, anh nông dân chống cuốc tươi cười đáp: “Vâng, nó chỉ bị rầy nâu chứ có sâu đâu ạ”. Nhiều nhiều nữa, mỗi bức tranh là một lát cắt của cuộc sống, chỉ cần đến ngắm và đọc những câu thoại trên đó cũng là một cách thư giãn bình dị rồi.
Cũng ở Lãng Sơn này, bên bờ sông Thương có cây gạo cổ thụ đứng một mình, vào tháng Ba ta nở hoa thắm đỏ góc trời. Dịp đó, rất nhiều bạn trẻ chở nhau về chụp ảnh kỷ niệm và gọi cây gạo này là “cây gạo cô đơn”. Cây gạo gắn liền với miếu Bà Cô được bao bọc bởi ánh xạ tâm linh. Dân kể rằng, thời trước có một người phụ nữ bị đuối nước trên sông Thương trôi dạt về đây đã được dân làng chôn cất tử tế. Ban đầu cũng chỉ là nấm mộ hoang, cỏ xanh tốt bốn mùa. Có cặp vợ chồng hiếm muộn tìm đến thắp hương cầu xin Cô và sau đó sinh được một cậu con trai khỏe mạnh. Biết tin, dân làng lập miếu thờ gọi là miếu Bà Cô và thường xuyên hương khói.
Cây gạo xã Lãng Sơn (Yên Dũng). Ảnh: Nguyễn Hữu Thông |
Miếu Bà Cô nằm dưới cây gạo cổ thụ đã thiêng càng thiêng hơn đang trở thành một điểm nhấn trong chương trình du lịch tâm linh của địa phương. Những yếu tố thực hư như thế sẽ tạo ra được sức hút với mọi người. Nếu biết khai thác tính nhân văn trong tâm linh chắc chắn sẽ tạo nên được gói du lịch hiệu quả. Bắc Giang có nhiều cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng nổi tiếng sẽ rất thuận lợi trong phát triển du lịch tâm linh theo hướng tích cực.
Thế đấy, Bắc Giang, một vùng đất hội tụ khá nhiều yếu tố thuận lợi cho du lịch đa dạng, phong phú trên nhiều huyện thị, làng xã trong cả bốn mùa. Bài viết này mới chỉ là một góc nhìn hẹp, rất hẹp về du lịch của miền đất này. Ngỡ như còn nghe tiếng vỗ của chín mươi chín cánh phượng hoàng trên cao. Dẫu không trở thành kinh đô thì Bắc Giang vẫn xứng danh là nơi địa linh nhân kiệt, sông núi hữu tình, đất thơm người hiền. Và không chỉ riêng tôi, dẫu không sinh hạ ở đây vẫn chọn Bắc Giang làm nơi chốn đi về. Nhiều thương mến lắm Bắc Giang ơi!
Theo Báo Bắc Giang