Dù chỉ có ít ngày trải nghiệm, khám phá tại tỉnh Bắc Giang (từ 22 đến 24/6) song các nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok đã đưa hình ảnh du lịch, nông sản Bắc Giang vươn xa.
Điểm đến hấp dẫn
Từ năm 2019, TikTok ở Việt Nam xây dựng một chuỗi chương trình quảng bá du lịch mang tên "Hello Việt Nam". Theo đó, mỗi tỉnh, thành phố sẽ có một chương trình với tên gọi như: "Hello Đà Nẵng", "Hello Huế", "Hello An Giang", "Hello Quảng Nam". Để thực hiện chương trình, TikTok cử đoàn các nhà sáng tạo nội dung đi trải nghiệm 3-5 ngày ở những điểm đến, tìm hiểu về văn hóa, con người, lịch sử ở mỗi địa phương đó để quảng bá.
Đầu năm 2023, sau khi triển khai nền tảng thương mại điện tử TikTok shop, Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) và Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam phối hợp xây dựng một chương trình hỗ trợ về chuyển đổi số cho các chủ thể có sản phẩm OCOP (các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh) nhằm tăng tính cạnh tranh, tiêu thụ sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế.
Được sự nhất trí của UBND tỉnh Bắc Giang, năm nay, lần đầu tiên TikTok phối hợp với Công ty cổ phần Sáng tạo nghệ thuật và sự kiện Sun Bright tổ chức chương trình tại Bắc Giang gồm: Quảng bá du lịch và các đặc sản, đặc biệt là sản phẩm OCOP của tỉnh. Đây là sự kết hợp mới lạ mà TikTok thực hiện tại Bắc Giang, đồng thời là sáng kiến, cách đổi mới của tỉnh trong quảng bá du lịch, nông sản. Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok tại Việt Nam chia sẻ, Bắc Giang được biết đến là vùng trọng điểm cây ăn quả ở miền Bắc, một trong những trung tâm công nghiệp của cả nước. Bắc Giang có bề dày về truyền thống lịch sử, nhiều di sản văn hóa đặc sắc, sản vật độc đáo, tiềm năng phát triển du lịch.
Các nhà sáng tạo nội dung của TikTok thực hiện livestream quảng bá, bán vải thiều trên nền tảng TikTok diễn ra ngày 24/6 tại xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: Thu Thủy. |
"Ngoài những yếu tố trên, chúng tôi nhận thấy, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm đến công tác chuyển đổi số. Vì thế, chúng tôi sớm chọn Bắc Giang để khởi động chương trình và được tỉnh ủng hộ, đồng hành. Để lan tỏa hình ảnh đặc sắc về Bắc Giang, TikTok đã chuẩn bị chiến dịch truyền thông hashtag (một dạng siêu dữ liệu) đặt tên là "Hello Bắc Giang" và "Bắc Giang đa sắc" tập hợp các video do những người yêu quý Bắc Giang tạo ra để giới thiệu các điểm đến", ông Thanh nói.
Tham gia chương trình có hơn 70 nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok đến từ nhiều tỉnh, thành phố ở các vùng miền trong cả nước. Mục đích của đoàn là trải nghiệm, quảng bá giới thiệu về vùng đất, con người và những sản phẩm đặc trưng của Bắc Giang.
Làm việc với đoàn, đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định, TikTok là một nền tảng xã hội có tính tương tác cao, thu hút đông giới trẻ. Vì vậy, việc quảng bá du lịch, nông sản của tỉnh trên nền tảng TikTok sẽ là một trong những giải pháp hiệu quả, đồng chí tin rằng Bắc Giang sẽ là nguồn cảm hứng để sáng tác nhiều nội dung hay, ý nghĩa trên mạng xã hội.
Những con số ấn tượng
Trong 3 ngày ở tại Bắc Giang, đoàn thăm một số điểm như: Chùa Bổ Đà (Việt Yên); chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng); trải nghiệm hái vải thiều, thăm làng mỳ Chũ, hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn), Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động). Anh Phan Văn Chiêu, nhà sáng tạo nội dung của TikTok, hiện là nhà bán hàng của shop Chill Ăn Giang đến từ tỉnh An Giang, chia sẻ, dù mới xây dựng kênh TikTok được 3 tháng song đến nay, kênh của anh có khoảng 70 nghìn người theo dõi, còn trên trang Facebook có hơn 10 nghìn người. Cùng mẹ vượt hơn 2 nghìn km lần đầu tiên đến với huyện Lục Ngạn, 2 mẹ con anh vô cùng ấn tượng khi tận mắt nhìn thấy những đồi vải thiều chín đang mùa thu hoạch. Tuyệt vời hơn khi được trực tiếp thưởng thức những trái vải ngon, ngọt ngay tại vườn. Cùng đó, mẹ con anh và các thành viên được đi thuyền trên hồ Cấm Sơn, thưởng thức sản vật mỳ Chũ, xôi trứng kiến, nhộng ong.
Anh cũng rất ấn tượng về vẻ đẹp cổ kính của chùa Bổ Đà (Việt Yên) với vườn tháp lớn nhất Việt Nam, nghe liền chị hát quan họ tại chùa, hay tận mắt xem mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng). "Mẹ con tôi đã quay nhiều video clip về vải thiều Lục Ngạn, hình ảnh đẹp ở chùa Bổ Đà, Vĩnh Nghiêm. Sau khi trở về, tôi sẽ sản xuất những video clip về quy trình đóng gói, vận chuyển vải thiều từ Lục Ngạn vào miền Nam, đồng thời quảng bá nét đẹp văn hóa, di tích tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang để nhiều người biết đến", anh Chiêu nói.
Nhà sáng tạo nội dung Thiện Nhân đến từ miền Nam chia sẻ: Người Bắc Giang rất thân thiện, mến khách. Đặc biệt, anh rất cảm động trước sự chào đón của người dân trồng vải Lục Ngạn; sự đón tiếp, tận tình chu đáo, phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền, ngành chức năng địa phương đối với đoàn. Sau buổi livestream tại huyện Lục Ngạn, anh sẽ quảng bá vải thiều Bắc Giang nhiều hơn trên nền tảng TikTok và mạng xã hội khác để nhiều người biết đến Bắc Giang - vùng trồng vải thiều lớn nhất của cả nước, góp phần đưa trái vải vươn xa hơn. Anh hy vọng sẽ tiếp tục được đồng hành với TikTok để quảng bá về Bắc Giang ở những chiến dịch truyền thông sau.
Mặc dù chương trình thực sự bắt đầu khởi động trong 2 ngày (23, 24/6) song trên trang hashtag "Hello Bắc Giang" và "Bắc Giang đa sắc" đã có hơn 30 triệu lượt người theo dõi các video về Bắc Giang. Bên cạnh đó, TikTok cùng Trung ương Đoàn có chương trình tập huấn cho đoàn viên, thanh niên tỉnh Bắc Giang về kỹ năng bán các sản phẩm OCOP trên nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội, hướng dẫn trực tiếp các chủ thể có sản phẩm OCOP tại địa phương thực hành kỹ năng bán hàng trực tiếp dưới sự hướng dẫn của những nhà sáng tạo nổi tiếng. Khác với các chương trình đào tạo thông thường, mọi người được xem các phiên livestream trực tiếp bán các đặc sản của Bắc Giang.
Đoàn các nhà sáng tạo nội dung của TikTok tham quan chùa Bổ Đà, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Ảnh do đoàn cung cấp. |
Qua thống kê, trong 4 giờ livestream sáng 24/6 tại xã Hồng Giang (Lục Ngạn), những nhà sáng tạo nội dung đã thực hiện 26 phiên livestream, với gần 1,7 triệu lượt xem. Qua đó bán được 5.182 đơn hàng với tổng doanh thu 1,2 tỷ đồng, giúp nông dân Lục Ngạn tiêu thụ khoảng 23 tấn vải thiều. Đây là điểm khởi đầu khá tốt để các doanh nghiệp, người dân Bắc Giang khai thác nền tảng TikTok trong giao dịch, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.
Đại diện TikTok tại Việt Nam cho biết, sau chuyến đi này sẽ có rất nhiều video được sản xuất bởi các nhà sáng tạo nội dung, mỗi video sẽ là câu chuyện đặc sắc về văn hóa, du lịch, sản vật Bắc Giang. Tất cả được tập hợp lại dưới trang hashtag về chương trình quảng bá du lịch trên nền tảng TikTok. Từ đó, truyền cảm hứng tới công chúng về vùng đất Bắc Giang đang trên đà phát triển.
Được biết, TikTok là một ứng dụng tích hợp nhiều video ngắn dành cho giới trẻ, đến nay đã có hơn 3 tỷ lượt tải ứng dụng trên toàn thế giới. Đầu năm 2019, Tiktok chính thức ra mắt thị trường Việt Nam.
Theo Báo BG