Giai đoạn 2016- 2020, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực trong thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội…và đã đạt được nhiều thành tựu trên các mặt kinh tế xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân trên địa bàn đạt 14,6%/năm, thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước, vượt xa mục tiêu Đại hội. Quy mô GRDP năm 2020 ước đạt trên 128 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 16/63 tỉnh, thành cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 3.000 USD/người/năm, bằng bình quân chung cả nước, đạt mục tiêu Đại hội. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực: Công nghiệp - xây dựng chiếm 58,9%, tăng 15,3%; dịch vụ chiếm 25,9%, giảm 3,7%; nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 15,2%, giảm 11,6% so với năm 2015.
Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tăng trưởng cao, công nghiệp ngày càng khẳng định là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 27%/năm, vượt xa mục tiêu Đại hội. Hiện tại, toàn tỉnh có 05 khu công nghiệp và 30 cụm công nghiệp, cơ bản đã lấp đầy diện tích. Thu hút đầu tư tăng mạnh với trên 6,7 tỷ USD. Bình quân mỗi năm thành lập mới trên 1.000 doanh nghiệp, lũy kế đến nay toàn tỉnh có trên 10.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập. Lĩnh vực xây dựng phát triển tích cực. Công tác quản lý đầu tư xây dựng được tăng cường, chất lượng công trình xây dựng được nâng lên.
Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục phát triển toàn diện. Giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 110 triệu đồng. Đã xây dựng được 766 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao; 56 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng và 40 sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Tiếp tục duy trì vùng trồng cây ăn quả Lục Ngạn là một trong những vùng có quy mô lớn nhất cả nước. Chăn nuôi phát triển đa dạng, tổng đàn lợn đứng thứ 4, đàn gà đứng thứ 3 toàn quốc. Trồng rừng kinh tế phát triển mạnh. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 38%, tăng 0,9% so với năm 2015.Xây dựng nông thôn mới đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Dự kiến đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 124 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 67,4% tổng số xã trong tỉnh, vượt xa mục tiêu Đại hội; có 3/9 huyện (Việt Yên, Lạng Giang và Tân Yên) đạt huyện nông thôn mới trước kế hoạch.
Lĩnh vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt 7,1%/năm. Hệ thống bán lẻ phát triển rộng khắp đến các thôn, bản. Xuất khẩu năm 2020 đạt 9,5 tỷUSD, vượt 46% mục tiêu Đại hội. Dịch vụ bưu chính, viễn thông, vận tải tiếp tục phát triển nhanh. Thương mại điện tử và các giao dịch, thanh toán điện tử ngày càng phát triển. Du lịch từng bước phát triển, lượng khách du lịch đến tỉnh tăng mạnh, năm 2019 đón khoảng 02 triệu lượt khách, vượt mục tiêu Đại hội.
Thu, chi ngân sách được kiểm soát chặt chẽ. Tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hằng năm 18,3%, năm 2020 đạt trên 12.000 tỷ đồng, gấp 2,3 lần mục tiêu Đại hội. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt trên 230 nghìn tỷ đồng. Công tác quản lý đất đai được tăng cường. Công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản được siết chặt hơn.
Đô thị phát triển nhanh, diện mạo đô thị thay đổi rõ nét. Trong nhiệm kỳ, tỉnh đã triển khai thực hiện 36 dự án khu đô thị, khu dân cư với tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 17 đô thị, trong đó thành phố Bắc Giang là đô thị loại II, thị trấn Thắng và thị trấn Chũ là đô thị loại IV, 14 đô thị loại V. Đến hết năm 2020, tỷ lệ dân số đô thị toàn tỉnh ước đạt 22,2%, đạt mục tiêu Đại hội.
Công viên Hoàng Hoa Thám. Ảnh: Trần Văn TuấnPhát triển khoa học, giáo dục, y tế, văn hoá xã hội đạt chất lượng tốt. Chất lượng giáo dục toàn diện và kết quả thi học sinh giỏi quốc gia luôn duy trì trong nhóm 12 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 là 70%, đạt mục tiêu Đại hội. Công tác ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển. Nhiều sáng kiến, giải pháp công nghệ tiên tiến được ứng dụng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ người dân. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế 100%; tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế đạt 99%, tăng 25% so với năm 2015, vượt mục tiêu Đại hội. Công tác y tế dự phòng và phòng, chống dịch bệnh, nhất là công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện hiệu quả. Hạ tầng các thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm đầu tư. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được chú trọng. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng tiếp tục phát triển rộng khắp; thể thao thành tích cao đạt kết quả tích cực, đứng đầu các tỉnh miền núi cả nước. Các hoạt động thông tin, truyền thông phát triển đa dạng; 100% các xã, phường, thị trấn được phủ sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, sóng điện thoại di động (3G, 4G) và kết nối được Internet. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,5%, giảm 10,43% so với năm 2015. Kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số tiếp tục có bước phát triển, đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân trên 7%/năm.
Công tác quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường, củng cố ngày càng vững chắc. Công tác đấu tranh ngăn chặn, xử lý các loại tội phạm được tăng cường, không để hình thành các băng, ổ nhóm tội phạm, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Công tác nội chính, cải cách tư pháp, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện nghiêm túc, nền nếp. Hầu hết các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh được xem xét, giải quyết kịp thời. Các cơ quan tư pháp hoạt động bảo đảm đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được nâng lên. Các hoạt động đối ngoại, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa tỉnh Bắc Giang với các đối tác trong và ngoài nước, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam ngày càng mở rộng…
Tuy nhiên, trình độ công nghệ và năng suất lao động của nền kinh tế còn thấp; chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao; số doanh nghiệp có đóng góp nhiều cho ngân sách còn ít; tăng thu ngân sách chưa bền vững; sản xuất nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ, phân tán; dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh; chất lượng giáo dục, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, xã hội trên một số mặt chưa cao; tội phạm, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên một số mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ; đời sống của một bộ phận công nhân và đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.
Để tiếp tục đưa kinh tế xã hội của tỉnh Bắc Giang phát triển. Trong nhiệm kỳ 2021-2021 tới Bắc Giang xác định Đại hội lần thứ XIX của Đảng bộ tỉnh (năm 2020) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh của địa phương và cả nước đang bước vào một thời kỳ mới. Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XIX có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo 5 năm vừa qua và đề ra chủ trương, nhiệm vụ lãnh đạo địa phương 5 năm tới. Phương châm chỉ đạo của Đảng bộ trong tình hình mới là: Đoàn kết - dân chủ - cách mạng - phát triển. Đại hội lần thứ XIX với chủ đề: "Giương cao ngọn cờ cách mạng vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đoàn kết một lòng cùng toàn dân vững bước tiến lên xây dựng quê hương Bắc Giang ngày càng giàu mạnh, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, công bằng và hạnh phúc"./.
Hà Yến T/H