Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Vùng đất con người Bắc Giang Bắc Giang- vùng quê văn hiến và phát triển

Bắc Giang- vùng quê văn hiến và phát triển

Ngày 10/10/1895 Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định thành lập tỉnh Bắc Giang trên cơ sở hai phủ Đa Phúc, Lạng Giang tách ra từ tỉnh Bắc Ninh. Sau này, ngày 10/10 được lấy làm ngày kỷ niệm thành lập tỉnh. Nhân kỷ niệm 124 năm ngày thành lập tỉnh 10/10/1895- 10/10/2020 Du lịch Bắc Giang xin giới thiệu sơ qua những nét chính về lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh.

Khu DLTLST Tây Yên Tử - điểm đến hút khách của Bắc Giang
Bắc Giang là vùng đất văn hiến lâu đời chiếm phần lớn diện tích của vùng Kinh Bắc xưa và có nền văn hoá phong phú, đặc trưng của Kinh Bắc. Tỉnh lỵ là thành phố Bắc Giang, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 50 km. Ngày nay Bắc Giang là nơi tụ cư của 20 dân tộc anh em, trong đó chủ yếu là người: Kinh, Tày, Nùng, Hoa, Dao, Sán Chí, Sán Dìu... Là một tỉnh trung du thuộc vùng đông bắc Việt Nam nằm trong quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội. Đất đai được bồi đắp phù sa bởi các con sông lớn như: Sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam; có núi cao bao bọc, có nhiều lâm sản quý, có vùng trung du rộng lớn thuận lợi việc canh tác.
Trong lịch sử, thời các vua Hùng, Bắc Giang thuộc bộ Vũ Ninh của nước Văn Lang, dưới triều Đinh (968-980), Tiền Lê (980-1009) thuộc huyện Long Biên, thời Lý - Trần thuộc lộ Bắc Giang, thời Hậu Lê thuộc thừa tuyên Kinh Bắc, sau đổi thành trấn Kinh Bắc, trấn Bắc Ninh. Dưới đời vua Minh Mạng (năm thứ 2, 1821), Bắc Giang thuộc phủ Thiên Phúc, năm 1831, đổi tên thành tỉnh Bắc Ninh. Ngày 10/10/1895 Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định thành lập tỉnh Bắc Giang trên cơ sở hai phủ Đa Phúc, Lạng Giang tách ra từ tỉnh Bắc Ninh. Ngày 27/10/1962, tỉnh Bắc Giang sáp nhập với tỉnh Bắc Ninh trở thành tỉnh Hà Bắc. Ngày 06/11/1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã phê chuẩn chia tách tỉnh Hà Bắc, tái lập hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Bộ máy hành chính tỉnh Bắc Giang chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/1997. Đến nay, Bắc Giang có 10 huyện thành phố bảo gồm: TP Bắc Giang, các huyện Việt Yên, Yên DŨng, Hiệp Hòa, Tân Yên, Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động.
Theo số liệu thống kê năm 2018 dân số Bắc Giang khoảng 1,8 vạn người. trong lịch sử, cư dân Bắc Giang sinh sống bằng nghề nông là chính. Trải qua nhiều đời, họ đã hình thành nên các làng, bản với hình thức kinh tế và văn hoá riêng biệt. Từ phương thức canh tác, chăn nuôi, từ nếp sinh hoạt, trang phục, phong tục, tập quán cho đến cách nghĩ, cách làm và lối sống… đã tạo nên truyền thống và đặc trưng của Bắc Giang. Làng truyền thống tiêu biểu còn giữ được như: Làng gốm Thổ Hà; làng rượu Vân Hà (Việt Yên); làng bún Đa Mai (thành phố Bắc Giang); làng mây tre đan Phúc Long, Phúc Tằng (Tăng Tiến - Việt Yên); làng rèn sắt Đức Thắng (Hiệp Hoà); làng quan họ Thổ Hà (Vân Hà - Việt Yên); làng tuồng Tân Dĩnh (Lạng Giang); làng chèo Đồng Quan (Đồng Sơn - Yên Dũng); làng Then (Thái Đào - Lạng Giang)...
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước vẫn được giữ gìn và phát huy. Làng võ, làng vật ở Yên Thế, Hiệp Hoà, làng thợ ở Yên Dũng; Làng Vân Xuyên (Hoàng Vân - Hiệp Hoà), vì cả làng theo Cách mạng mà còn gọi là làng Đỏ; làng Sặt (Liên Sơn - Tân Yên) là làng kháng chiến.
Qua các thời kỳ lịch sử, Bắc Giang luôn có những nhân tài, trí sỹ: Đào Sư Tích; Thân Nhân Trung; Giáp Hải; Hoàng Công Phụ; Nguyễn Khắc Nhu; Hoàng Hoa Thám; Nguyễn Văn Mẫn; Hà Thị Quế… 
 Cổng làng Thổ Hà
Về tài nguyên văn hóa, du lịch: Người dân Bắc Giang tự hào là cái nôi của quan họ cổ với 23 làng ven sông Cầu, tồn tại như một sự kết duyên song song với quan họ ở Bắc Ninh. Đất quan họ Bắc Giang còn là nơi có tục kết chạ từ lâu đời đến nay vẫn tồn tại trong cuộc sống cộng đồng, có đóng góp tích cực làm đẹp thêm đời sống xã hội.Bắc Giang có chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) - cái nôi đào tạo phật pháp thiền phái Trúc Lâm; chùa Bổ Đà (Việt Yên) phản ánh tính chất cổ kính gần với phật giáo Ấn Độ, đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hòa) được dựng vào cuối thế kỷ XVI từng được mệnh danh là "Đệ nhất Kinh Bắc", cây Dã Hương ngàn năm tuổi ở Lạng Giang được phong là Quốc chúa đô mộc Dã đại vương.
Trong thời kỳ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa Bắc Giang có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ. Tỉnh đã quy hoạch và triển khai các khu công nghiệp cùng một số cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 1.500 ha, trong đó có một khu công nghiệp đã cơ bản lấp đầy.Các khu công nghiệp nằm ở phía nam tỉnh Bắc Giang thuộc các huyện Việt Yên và Yên Dũng được quy hoạch liền kề nhau, nằm dọc theo đường quốc lộ 1A nối với Hà Nội - Lạng Sơn, gần với các đô thị lớn, thuận lợi cả về đường bộ, đường sông, đường sắt và đường hàng không và các cảng sông, cảng biển. Hệ thống hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc…tương đối hoàn chỉnh; thuận lợi cả về hệ thống cung cấp điện, nước, bưu chính viễn thông.Ngoài ra một số khu, cụm công nghiệp được quy hoạch ở các huyện cũng đã góp phần tạo sự chuyển đổi về cơ cấu kinh tế mạnh mẽ. Theo số liệu thống kê năm 2018 tăng trưởng kinh tế của Bắc Giang đạt 16,1%, cao thứ 3 cả nước; GRDP/người đạt 2.300 USD; Kim ngạch xuất khẩu 7,5 tỷ USD; Giá trị sản suất Công nghiệp đạt 160.000 tỷ đồng (giá thực tế); Thu ngân sách nhà nước đạt 9.507 tỷ đồng; Thu hút đầu tư FDI hơn 500 triệu USD; Tỷ lệ hộ nghèo còn 7,31%; Trong chương trình XDNTM thì huyện Việt Yên đạt chuẩn huyện Nông thôn mới và TP Bắc Giang đã hoàn thành chương trình nông thôn mới…/. 
 Hà Yến
Ngày cập nhật: 09/10/2019 Lượt xem: 798