Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Vùng đất con người Bắc Giang Bảo tồn di sản văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch

Bảo tồn di sản văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch

Trong quá trình hình thành và phát triển, mỗi sản phẩm du lịch cần hội tụ nhiều yếu tố. Những giá trị nội tại của các loại hình di sản văn hóa và bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, đặc trưng, riêng biệt của các dân tộc luôn được coi là điểm nhấn và có sức hút đối với du khách.  

Bức tranh đa sắc

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) được giao làm đầu mối chủ trì tham mưu thực hiện các nội dung thuộc dự án 6: “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”. 

Tái hiện không gian văn hóa dân tộc Tày, Nùng tại Bảo tàng tỉnh.

Tái hiện không gian văn hóa dân tộc Tày, Nùng tại Bảo tàng tỉnh.

Từ năm 2022, các nội dung thuộc dự án 6 đã được Sở VHTTDL và các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang triển khai với nhiều chương trình, đề án, kế hoạch. Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc. Các điểm đến du lịch, di tích có giá trị tiêu biểu ở vùng đồng bào DTTS đã được lập dự án đầu tư xây dựng, tôn tạo, tu bổ. Việc truyền dạy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng được tổ chức thường xuyên, định kỳ. Qua đó bước đầu hình thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan.

Huyện Sơn Động là địa phương thực hiện nhiều nội dung từ nguồn vốn của dự án 6 với 7/10 dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS và miền núi; trong đó có 3 điểm du lịch cộng đồng, gồm xã An Lạc; bản Mậu, thị trấn Tây Yên Tử; bản Nà Hin, xã Vân Sơn. 3 điểm du lịch sinh thái gồm: Núi Mục, thác Ba Tia, thị trấn Tây Yên Tử; hồ Khe Chão, xã Long Sơn; khe Nương Dâu, xã Tuấn Đạo. 

Cùng đó, các loại hình văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện cũng đã được bảo tồn, phục dựng; tiêu biểu như: Lễ hội xuống đồng, lễ hội hát Then - đàn tính của dân tộc Tày tại xã An Lạc; lễ hội đua bè mảng tại xã Long Sơn; điệu múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chí tại xã Lệ Viễn.

Do đó, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS nơi đây được bảo tồn, phát huy, nhiều di sản được hồi sinh. Cùng với huyện Sơn Động, những nét đặc sắc về văn hóa của đồng bào DTTS tại các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang cũng đang được “đánh thức” với nhiều nội dung được bảo tồn, phục dựng, tạo nên bức tranh tổng thể, đa sắc màu, hứa hẹn mang lại sức lôi cuốn đối với du khách gần xa.

Nâng giá trị di sản được vinh danh

Đến nay, ngoài 4 di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh là: Dân ca quan họ, ca trù, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, tỉnh Bắc Giang còn có 12 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (trong đó có 9 lễ hội, 1 nghi lễ Then của người Tày, Nùng và 2 loại hình dân ca dân tộc thiểu số là: Dân ca Cao Lan và dân ca Sán Chí).

Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang có hơn 2 nghìn di tích lịch sử- văn hóa, trong đó có 746 di tích đã được xếp hạng các cấp (bao gồm 5 di tích, cụm di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt với 34 điểm; 96 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 616 di tích xếp hạng cấp tỉnh); 4 bảo vật quốc gia. 

Đặc biệt, Bắc Giang còn là nơi phát tích Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập với hệ thống các di tích còn lưu giữ đến ngày nay như các chùa: Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), Am Vãi (Lục Ngạn), Hòn Tháp, Mã Yên, Bát Nhã, Hồ Bấc (Lục Nam). Những điểm di tích này không chỉ mang đậm dấu ấn lịch sử - văn hóa hay hiện hữu những lối kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu mà còn là một trong những địa điểm thực hành các loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của các dân tộc.

Trong những năm qua, Sở VHTTDL đã xây dựng, thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch, đề án, đề tài khoa học nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng. Tiêu biểu như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của các lễ hội, trong đó chú trọng bảo tồn, khôi phục các nghi lễ, trò chơi dân gian truyền thống, tạo điểm nhấn đặc sắc như: Lễ hội Yên Thế khôi phục nghi lễ “phóng ngư, phóng điểu”, lễ hội Thổ Hà xã Vân Hà (Việt Yên) có nghi lễ đám rước chuẩn mực, tiêu biểu; lễ hội đình Vồng, xã Song Vân (Tân Yên) có lễ tế ngựa - một nghi thức biểu dương tinh thần thượng võ. 

Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản bảo đảm tính khoa học, bền vững, Sở VHTTDL đã tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số”; triển khai đề tài khoa học "Điều tra, nghiên cứu di sản dân ca các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang"; biên soạn và xuất bản các đầu sách, tài liệu khoa học có giá trị về lịch sử, văn hóa, các di sản văn hóa địa phương. 

Thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nhiều nội dung sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng, phổ biến các giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh, trong đó đặc biệt quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Cao Lan, xã Đèo Gia; dân ca Sán Chí, xã Kiên Lao (Lục Ngạn).

Nhằm động viên, khích lệ phong trào hát dân ca, Sở VHTTDL đã có chủ trương khuyến khích đưa các loại hình hát dân ca vào chương trình biểu diễn của các ngày hội, liên hoan, hội thi, hội diễn văn hóa- nghệ thuật quần chúng các cấp. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương duy trì, nhân rộng các câu lạc bộ (CLB) hát dân ca. Đến nay, toàn tỉnh có 49 CLB hát dân ca DTTS, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, thu hút khách tham quan.

Với những yếu tố văn hóa sẵn có cùng những nỗ lực của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào vùng DTTS và miền núi, những đặc trưng văn hóa truyền thống của các dân tộc sẽ góp phần tạo nên điểm nhấn và sức hút đối với ngành du lịch tỉnh Bắc Giang, góp phần phát triển KT-XH địa phương.

Theo Báo Bắc Giang
Lượt xem: 1171