Thông tin du lịch Bắc Giang

Cảm hứng với Mã Yên

Những cơn giá rét đầu tháng 11 không ngăn nổi bước chân chúng tôi chinh phục danh sơn huyền thoại (núi Huyền Đinh) thuộc địa phận hai xã Bắc Lũng và Cẩm Lý, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Điểm đến đầy mới mẻ và không ít thử thách này đã đem lại những trải nghiệm cực đã cho cả đoàn.
Hành trình đẹp
Khung trời bình yên dưới chân núi Huyền Đinh
Từ thành phố Bắc Giang, nhóm thang chúng tôi ngược đường tâm linh Tây Yên Tử ( đường tỉnh 293), qua cầu Cẩm Lý- Cây cầu duy nhất trong nước còn sử dụng chung giữa đường sắt và đường bộ. Quê hương "sông Lục - núi Huyền" (sông Lục Nam, núi Huyền Đinh) chào đón chúng tôi bằng một trận rét chuyển mùa đêm hôm trước. Có hai cách để chinh phục đỉnh Mã Yên là leo bộ qua lối mòn, dưới những tán thông già thuộc thôn Xuân Phú, xã Bắc Lũng hoặc đi xe máy qua cung đường đèo đất đá lởm chởm qua xã Cẩm Lý. Chúng tôi chọn cách đi xe máy và lúc này mọi đường đi nước bước đều dưới sự chỉ dẫn của một người dân bản địa chuyên đi rừng lấy nhựa thông tên Duy. 
Chuẩn bị bữa trưa trên đỉnh Mã Yên
Xe chúng tôi bon bon qua con đường trải nhựa với hai bên là những bản làng thanh bình, những cánh đồng toàn rau màu bát ngát. Thi thoảng lại bắt gặp những đàn trâu, đàn dê nhởn nhơ gặm cỏ và có lẽ ống kính máy ảnh và cả những câu chữ cũng không thể nào lột tả hết những khoảnh khắc, đường nét tuyệt mỹ ấy. Qua đoạn đường nhựa là đến đường đất men theo bên sườn núi, trên mặt đường đá mẹ, đá cha to như con voi con bò nằm chình ình giữa lối đi. Hành trình mỗi lúc một khó, lắm khi khiến cho cả người lẫn xe cứ nhảy chồm chồm vè phía trước, sự chao đảo khiến cả những dân phượt chuyên nghiệp cũng thực sự thấy nhột.
Những chiếc xe máy “chiến” ì ạch nuốt từng kilômet đường đất đá lởm chởm, mùi xăng bốc lên khét lẹt. Đoạn đèo dưới chân suối Vực Rêu không dài lắm nhưng phải mất chừng 30 phút đoàn chúng tôi mới lên đỉnh và buông ra những tiếng thở phào nhẹ nhõm. Cảm giác chinh phục được một quãng đường gian nan thật là sảng khoái. Chúng tôi dừng lại trên đỉnh núi ngắm cảnh, chụp ảnh một cách thật thư thái. Phóng tầm mắt về phía xa là những bản làng, đồng ruộng trù phú còn vương lại hơi sương mỏng manh, đâu đó vang lên tiếng dê, tiếng mõ gỗ lộc cộc của đàn trâu bên sườn núi, hẳn là một khung cảnh thực sự bình dị, đơn sơ đến tột cùng. Tiếng thông reo vi vu trong gió, những bông lau, hoa dại đang thời nở rộ đung đưa trước gió với nhiều gam màu rực rỡ đã làm tan biến mọi mệt mỏi, lo lắng trong chúng tôi. Đã qua nửa chặng đường lên dốc khó khăn nhất, chúng thôi thong dong từ triền núi này sang vạt núi khác, thỉnh thoảng bắt gặp một vài lán nhỏ đơn sơ của người dân lên đó lấy nhựa thông. 
Nền móng chùa Mã Yên vừa được khai quật khảo cổ học

Dừng lại tại một thung lũng nhỏ, ở đó có chiếc lán tạm của vợ chồng anh Nguyễn Đức Thống. Gia đình anh đã lên đây ở từ năm 1994 và nay đang quản lý khu rừng thông rộng hàng chục héc ta. Người đàn ông chủ khu rừng tuổi Ất Mão (SN 1975) lên đây từ khi mới 19 tuổi, anh kể: Những năm 90 của thế kỷ trước, cả dãy núi Huyền Đinh bạt ngàn chỉ toàn cỏ dại, bông lau, cây bụi, là nơi người dân vẫn thả trâu, bò, dê và thi thoảng lại xảy ra cảnh cháy rừng. Đó là chuyện của quá khứ, còn nay trên cánh rừng ấy đã được bao phủ một màu xanh ngút ngàn tràn đầy sức sống từ những bạt thông, keo, bạch đàn trải ngút tầm mắt. Nơi chúng tôi dừng chân là một ngọn núi có tên Mã Yên, nghĩa là tên một quả núi có hình giống với yên ngựa. Xung quanh còn một số địa danh cổ như: Núi Hình Nhân (giống người đang đứng), Con Voi, Vực Rêu, Đống Thóc, Hòn Chùa… Núi Huyền Đinh được xem là điểm cuối cùng của dãy núi Yên Tử, ví như đuôi con rồng chạm vào con sông Lục Nam hiền hòa tạo thành một bức tranh thủy mặc. 
Hoa dại nở khắp núi Huyền Đinh
Một vùng huyền thoại
Sau khi đặt vấn đề với chủ khu rừng cho đoàn chuẩn bị bữa trưa tại lán, anh Thống đưa chúng tôi tham quan một số điểm quanh khu vực. Trong đó đáng chú ý nhất là khu phế tích chùa Mã Yên trên núi. Nơi đây các nhà khảo cổ học (Viện Khảo cổ học Việt Nam) vừa hoàn thành nhiệm vụ và rút xuống núi vài ngày trước. Với diện tích khai quật hơn 200m2, các nhà khảo cổ học đã làm phát lộ nhiều lớp kiến trúc, trong đó có nền móng của ngôi thượng điện ba gian hướng Nam như: Hệ thống bậc thềm, cửa, chân tảng đá còn nguyên, ngói trang trí, bát, đĩa, chum lọ, cối đá… Ngoài ra còn thấy giếng cổ, dấu chân Phật trên đá, tại khu vực lân cận phát hiện nền móng những công trình kiến trúc khác quy mô lớn nằm rải rác trong không gian hàng nghìn m2. Nhận định của giới nghiên cứu, đó có thể là nơi ở của các nhà sư với các công trình nhà bếp, tòa tiền tế... Người trong vùng kể: Cách đây hàng chục năm, khi đi qua khu vực này họ gặp nhiều di vật, vật cổ nằm ngổn ngang dưới xác lá rừng, một số nhóm săn lùng đồ cổ, rồi người dân nghĩ có vàng bạc châu báu nên mang cả máy dò kim loại đến đào bới, khiến khu di tích bị tàn phá. Những câu chuyện đầy tính linh thiêng, ly kỳ, huyền bí của ngôi chùa được bà con truyền lại rất rành mạch.
Liên hệ với Tiến sĩ Trịnh Hoàng Hiệp, trưởng đoàn khảo cổ (Viện Khảo cổ học Việt Nam) được biết: Theo cổ sử thì chùa Mã Yên có từ thời Lý - Trần (thế kỷ XII - XIII) nhưng đoàn khảo cổ chưa tìm thấy bằng chứng rõ ràng để khẳng định công trình khởi dựng từ thời Lý. Với các vật liệu xây dựng đã thu thập, có thể nhận biết di tích đã trải qua ít nhất ba mốc thời gian, gồm thời Trần (thế kỷ XIII, XIV) với sự xuất hiện của chân tảng đá hình cánh sen; thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII - XVIII) với ngói mũi sen trang trí hoa văn như ý và cuối cùng là thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Điểm chung ở các ngôi chùa thời Trần là dựa vào núi, trước mặt hướng ra suối lớn, nằm trên đỉnh núi cao, xa khu dân cư (có ý nghĩa quan trọng về quân sự, hơn nữa tư tưởng Phật giáo thời bấy giờ chùa phải ở xa dân và lánh xa cuộc sống trần tục). Mã Yên được cho là một trong những đại danh lam và có mối liên kết, chịu ảnh hưởng từ Thiền phái Trúc Lâm trong sơn hệ Yên Tử đời Trần. Đứng trên đỉnh Mã Yên ngắm nhìn giang sơn cẩm tú và lắng nghe tiếng thông reo vi vu trong gió, một cảm giác thật lạ ùa về, đâu đây như còn âm vang thần kỳ của hồn thiêng sông núi và câu thơ của Điều Ngự Giác Hoàng (Vua Trần Nhân Tông) mấy trăm năm trước như vọng về: "Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng".
Bữa cơm trưa chung cùng với gia đình anh Thống trên đỉnh Mã Yên thật ấm cúng, cả chủ lẫn khách đều cởi mở, thân thiện. Đương nhiên, không thể thiếu đặc sản gà nướng, rau rừng và một chút rượu sim đậm đà đến mềm môi và ngây ngất. Đầu giờ chiều, không khí trên núi loãng và lạnh hơn, mọi người chuẩn bị ra về trước khi bóng tối ùa đến. Cảm nhận cái lạnh mỗi lúc một lan tỏa sâu hơn, bếp nhà ai dưới chân đèo nghi ngút từng cột khói. Tiếng chó sủa, lợn kêu vang vọng giữa không gian u tịch và đã rất lâu rồi tôi mới lại cảm nhận được cái “mùi” của khí núi, hương rừng mà trước đây đã thoáng gặp đâu đó mỗi khi đến miền núi…
Chỉ với một ngày cho cuộc hành trình tại Mã Yên chưa đủ để khám phá hết những điều bí ẩn còn nằm sâu trong rừng thẳm nhưng cũng giúp tôi hiểu rằng, có một miền thiên nhiên linh thiêng mà tươi đẹp đang ngự trị tại vùng đất này và đang chờ bước chân lữ khách khám phá./. 
 Nguyễn Hưởng
Báo Bắc Giang
Ngày cập nhật: 08/11/2018 Lượt xem: 638