Đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Bắc Giang sinh sống chủ yếu ở các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Tân Yên và Lạng Giang. Trong đời sống tinh thần, người Tày - Nùng có vốn văn nghệ dân gian phong phú như ca dao, tục ngữ, hò vè, câu đối, truyện thơ, thần thoại… Đặc biệt ngoài di sản hát then, đàn tính, người Tày, Nùng còn có những điệu sli, lượn mang bản sắc riêng cuốn hút người nghe.
Hát sli, lượn là sinh hoạt văn hoá không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Tày, Nùng ở Bắc Giang. Xưa kia, vào những phiên chợ, ngày rằm tháng Tám âm lịch, dịp tháng Giêng, khắp nơi mở hội, trai gái dân tộc Tày, Nùng rủ nhau thành nhóm đi hát sli, hát lượn. Họ vui hát ở đám cưới, mừng sinh nhật, hát dọc đường đi, con trai hát theo về nhà con gái…
Trẻ em dân tộc Nùng ở Lục Ngạn hát dân ca. Ảnh: TIẾN ĐẠT |
Hát sli với nhiều nội dung phong phú, có thể là thăm hỏi, chúc mừng, ngỏ lời yêu thương, tình nghĩa thuỷ chung, thương nhớ khi xa nhau, trao đổi kinh nghiệm lao động sản xuất theo mùa vụ… Phổ biến hơn vẫn là hát sli giao duyên và chia thành các thể loại như: Sli bươn chinh (hát về tháng Giêng), Sli túc lò (hát ở dọc đường), Sli hai mắn (hát về trăng sao), Sli đíp (hát về thương yêu nhau), Sli kin lẩu (hát lúc uống rượu)…
Là một hình thức hát thơ thể hiện sự ứng đối tài hoa của người hát, lời sli ví von, bóng bẩy, ẩn chứa nhiều hàm ý xa xôi. Hát sli giao duyên thường do một đôi trai gái hoặc một vài đôi trai gái thể hiện theo lối hát đối đáp. Thường là một bên đứng ra hát trước, bước đầu là những lời hát chào hỏi nhẹ nhàng, khéo léo để bạn hát cùng hát với mình.
Khi bên này vừa ngừng chào hỏi, bên kia cũng phải nhanh chóng cất lời để đáp lại. Cứ như thế hai bên bị cuốn vào cuộc hát lúc nào không hay. Họ hát về nhiều đề tài quê hương, gia đình, ơn cha mẹ, mùa vụ, cây cối, hoa lá trên rừng và tình yêu đôi lứa… được thể hiện ở nhiều cung bậc, sắc thái khác nhau.
Hát lượn thường được thanh niên nam nữ người Tày hát trong những ngày hội mùa xuân, những đêm trăng sáng trong dịp nông nhàn. Nếu hát ở nhà một người bạn trong nhóm thì lời hát đầu bao giờ cũng có phần hát cảm ơn gia chủ, chúc mừng gia chủ, ví như: "Loong trường soong dạ dạ lờn lầu (Nhất phúc thì lộc là nhà ta)/ Hùa xà lẻm lẻm chạm chữ Boóc (Đầu xà chim én chạm chữ Hoa)/ Hùa xà lẻm lẻm chạm chữ Thọ (Đầu xà chim én chạm chữ Thọ)/ Chúc thọ lờn này phú quy tử tôn oóc (Mừng chúc nhà mình nam nữ đều có).
Sau đó hai nhóm mới vào hát đối đáp với nhau. Lời hát ban đầu từ những câu chuyện cổ của dân tộc, hát về quê hương làng bản rồi dần mới hát những lời thăm dò, tìm hiểu, lời hát diễn tả nỗi nhớ thương kín đáo, e ấp đến sâu sắc, mạnh bạo. Lời hát lượn thường có âm hưởng buồn, diễn tả những nỗi nhớ nhung da diết, tâm trạng không biết có thành đôi, gặp nhau đây rồi mai lại cách biệt biết bao giờ gặp lại.
Tại huyện Lục Ngạn, đã thành thông lệ, trước kia vào ngày chợ phiên Chũ 18-2 âm lịch, trai gái Tày, Nùng trong những bộ trang phục màu chàm truyền thống xuống chợ khoe tài khoe sắc. Họ gặp gỡ nhau trong chợ phiên và hát lời sli, lượn giao duyên mượt mà uyển chuyển tạo nên một không gian chợ phiên nhộn nhịp độc đáo.
Khắp các ngả đường ra vào chợ Chũ, trên các sườn đồi sim mua cạnh đường, đâu đâu cũng vang lên tiếng sli, lượn đan quyện vào nhau hoà theo âm thanh của cuộc sống. Lời sli, lượn mượt mà và mộc mạc gần gũi như màu chàm trên áo, như rặng cây trên đồi. Tiếng hát sli, lượn cứ bay bổng trong không gian của ngày chợ phiên vùng cao tạo nên nét đặc sắc riêng của đồng bào dân tộc nơi đây.
Với ý nghĩa, giá trị độc đáo, từ năm 1998 đến nay, huyện Lục Ngạn lấy ngày 18 -2 là ngày Hội hát dân ca các dân tộc. Ngày hội được tổ chức tại thị trấn Chũ không chỉ có đồng bào Tày, Nùng mà còn nhiều đồng bào dân tộc khác tham gia hát hội, tạo nên nét đẹp văn hoá riêng ở huyện vùng cao, góp phần bảo tồn di sản văn hoá dân tộc.
Theo Báo Bắc Giang