Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Vùng đất con người Bắc Giang Đánh thức tiềm năng du lịch cộng đồng: Bài 1 - Kinh nghiệm từ bản Lác

Đánh thức tiềm năng du lịch cộng đồng: Bài 1 - Kinh nghiệm từ bản Lác

Du lịch cộng đồng (DLCĐ) là loại hình kết hợp sinh thái, văn hóa, trong đó cộng đồng là người tổ chức, quản lý, cùng hưởng lợi dựa trên điều kiện thiên nhiên và văn hoá với mục tiêu bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc, cải thiện cuộc sống nhân dân.

Từ những điểm DLCĐ nổi tiếng như: Bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu (Hòa Bình), xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa (Lào Cai), bản Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể (Bắc Kạn)..., soi chiếu vào thực tế thì thấy Bắc Giang có nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch này.

Lâu nay, nói đến du lịch Hòa Bình, nhiều người nghĩ ngay đến Mai Châu và điểm dừng chân đầu tiên thường là bản Lác, xã Chiềng Châu. Nhưng đó là câu chuyện của vài năm trước khi DLCĐ bản Lác phát triển mạnh. Còn hiện nay, với những resort, điểm tham quan, nghỉ dưỡng ở nhiều nơi mọc lên, bản Lác dần bị mất thế "độc tôn”.

Khi nông dân làm du lịch

Bản Lác là điểm đến hấp dẫn du khách.

Bản Lác là điểm đến hấp dẫn du khách.

Từ “Nhà nghỉ số 6” của hộ làm DLCĐ đầu tiên ở bản Lác, đến nay bản người Thái này đã có 73 hộ làm du lịch, chiếm 57%. Nếu như từ năm 1993 đến khoảng những năm 2000, khách đến bản Lác chủ yếu là người nước ngoài thì hơn chục năm nay, khách nội địa nhiều hơn. Ông Hà Công Hồng, Trưởng bản cho biết: DLCĐ đã mang đến cuộc sống mới cho người dân bản Lác. Lượng khách quốc tế và nội địa đến đây tăng dần qua các năm. Có cung ắt có cầu, khách tăng, các hộ trong bản học nhau làm du lịch. 

Người dân cùng nhau nâng cấp nhà ở, chế biến món ăn ngon, thành lập đội văn nghệ biểu diễn phục vụ khách. Từ chỗ chỉ dệt khăn, áo thổ cẩm để mặc, phụ nữ bản Lác dần làm các loại đồ lưu niệm như khăn quàng cổ, vải treo tường, vòng đeo tay, ví, trong khi đàn ông làm cung nỏ, mõ trâu, chiêng, tù và, phách gỗ... để bán cho du khách. Theo thời gian, tư duy làm DLCĐ tại bản Lác dần hình thành và loại hình du lịch homestay - sống trong chính ngôi nhà của người dân được du khách ưa chuộng, đặc biệt là khách quốc tế.

Bên cạnh cảnh quan, bản sắc văn hóa, DLCĐ bản Lác còn được nhiều du khách chọn lựa bởi chi phí hợp lý, không có tình trạng chèo kéo khách, an ninh trật tự bảo đảm, khách có làm rơi đồ, người dân nhặt được sẽ mang đến nhà trưởng bản để thông báo tìm người đánh rơi... Diện tích đất canh tác ít, không có nghề phụ, trên địa bàn huyện cũng rất ít nhà máy, xí nghiệp để có thể giải quyết việc làm cho người dân. Do đó, DLCĐ đã góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển, đời sống người dân cải thiện rõ rệt. 

Địa phương đã phục dựng và duy trì tổ chức lễ hội “Xên Mường” của dân tộc Thái; xây dựng khu trưng bày hiện vật, cổ vật dân tộc… Huyện cũng quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch. Hằng năm, người dân trong bản được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng làm du lịch; tuyến đường vào bản được mở rộng, bê tông hóa. Bãi đỗ xe được quy hoạch xây dựng rộng rãi, rác thải được thu gom hằng ngày...

Trưởng bản Hà Công Hồng phấn khởi cho biết thêm: DLCĐ đã giải quyết việc làm cho khoảng 300 lao động với thu nhập ổn định. Ngoài cho thuê chỗ ở, chế biến món ăn cho khách, người dân còn có thu nhập từ bán đồ lưu niệm, cho thuê trang phục, tham gia các đội văn nghệ... 

Gần đây, các hộ trong bản đã đầu tư mua 60 xe điện phục vụ khách tham quan với mức phí từ 250- 350 nghìn đồng/lượt. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của bản đạt 32,5 triệu đồng, năm 2019 tăng lên 43 triệu đồng. Nhiều hộ sửa sang nhà cửa, thậm chí mua ô tô.

Đâu rồi bản sắc?

Giai đoạn 2014 - 2016, khách du lịch nội địa đến bản Lác rất đông, hiệu quả kinh tế có thể thấy rõ. Các hộ chỉ cần sửa sang lại nhà cửa, sắm thêm đồ dùng là có thể làm du lịch, thu về lợi nhuận. Đây cũng là giai đoạn du lịch bản Lác phát triển “nóng” nhất với việc nhà nhà làm DLCĐ. 

Những ngôi nhà sàn truyền thống của người Thái trong bản được sửa sang, cơi nới rộng thêm, cầu thang gỗ được thay bằng cầu thang bê tông. Những khung cửi dệt thổ cẩm thể hiện sự đảm đang, khéo léo của phụ nữ Thái đành tháo dỡ, xếp gọn trong kho để lấy chỗ bán khăn quàng cổ "Made in China”. 

Du khách nước ngoài tham quan bản Lác. Ảnh: Xuân Mai (Vietnam+).

Du khách nước ngoài tham quan bản Lác. Ảnh: Xuân Mai (Vietnam+).

Những con đường trong bản xưa vốn yên bình, du khách rất thích đi bộ thong dong ngắm cảnh, thỉnh thoảng dừng chân mua cơm lam, rau sắng, bó đũa tre, chiếc mõ trâu… được bày bán ven đường thì nay mịt mù khói từ những bếp nướng. Vẫn con đường ấy nhưng giờ du khách không còn thả bộ ngắm cảnh mà chỉ vút qua trên những chiếc xe điện, xe đạp đôi… Giữa bản Thái yên bình xưa, nay đã có nhà nghỉ được xây bằng gạch, xi măng, sơn màu nổi bật. Nhiều du khách luyến tiếc và cả một chút buồn cho bản DLCĐ xinh đẹp này!
 

Quy hoạch vẫn là điểm yếu và vấn đề đáng quan tâm nhất ở bản Lác là các hộ "mạnh ai nấy làm”. Để đáp ứng lượng khách đến bản đông, các hộ đã xây dựng, sửa sang, cơi nới, mở thêm nhiều loại hình dịch vụ như cafe, spa…, khiến không gian văn hóa của người Thái dần bị phá vỡ.

 

Bà Hà Thị Hòa, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mai Châu cho biết: Không gian văn hóa nhà sàn người Thái ở bản Lác giờ đây không còn nguyên bản nữa. Quy hoạch vẫn là điểm yếu và vấn đề đáng quan tâm nhất ở bản Lác là các hộ "mạnh ai nấy làm”. 

Để đáp ứng lượng khách đến bản đông, các hộ đã xây dựng, sửa sang, cơi nới, mở thêm nhiều loại hình dịch vụ như cafe, spa…, khiến không gian văn hóa nhà sàn của người Thái dần bị phá vỡ.

Dịp tháng 10 lên Mai Châu, bao quanh bản là những cánh đồng lúa chín vàng. Rời bãi đỗ xe, du khách háo hức vào thăm bản, khám phá, trải nghiệm không gian yên bình nhưng sự hứng khởi như bị dội ngay gáo nước lạnh bởi tiếng nhạc của loa máy phát ra từ ngay ngôi nhà nghỉ đón khách đầu bản. 

Anh Tống Hoàng Hải, hướng dẫn viên Công ty Du lịch Vietravel cho biết: Tiếng ồn khiến du khách quốc tế mất dần thiện cảm với bản Lác. Người nước ngoài có thói quen sau khi dùng bữa tối sẽ ngồi uống nước, trò chuyện, đọc sách rồi đi nghỉ; lên bản Lác cũng chỉ thích xem chương trình ca nhạc của người dân địa phương... 

Tuy nhiên những năm gần đây, khách trong nước đến bản rất đông, nhất là ngày cuối tuần. Trong bữa ăn tối khách nội địa thường uống bia rượu, hát hò, mở nhạc sôi động đến khuya. Các nhà nghỉ lại nằm sát nhau nên phá vỡ không gian yên tĩnh cần thiết của khách nước ngoài. Nhiều du khách châu Âu đã không muốn quay lại.

Khoảng hai năm trở lại đây, dù lượng khách quốc tế đến Mai Châu tăng mạnh nhưng khách có nhu cầu lưu trú qua đêm, sử dụng các dịch vụ tại bản Lác lại giảm. Nếu năm 2018, bản Lác đón hơn 3.400 lượt khách quốc tế thì năm 2019 con số này còn dưới 3 nghìn lượt. Khách có xu hướng thích lưu trú ở những bản DLCĐ mới như Pom Coọng, bản Văn, bản Bước, bản Cha Lang hoặc các resort ở Ba Khan, homestay ở Hang Kia - Pà Cò… Bản Lác chỉ còn là điểm tham quan chớp nhoáng trên hành trình khám phá Mai Châu.

Theo các chuyên gia, cái giá cho sự phát triển “nóng” cùng những yếu tố thiếu bền vững đã hiện rõ ở bản Lác và đây là bài học kinh nghiệm cho phát triển DLCĐ ở những địa phương khác.

Theo Báo Bắc Giang
Ngày cập nhật: 23/12/2020 Lượt xem: 841