Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Vùng đất con người Bắc Giang Đánh thức tiềm năng du lịch cộng đồng: Bài 2- Những tín hiệu vui

Đánh thức tiềm năng du lịch cộng đồng: Bài 2- Những tín hiệu vui

Khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch cộng đồng (DLCĐ), thời gian qua, tỉnh Bắc Giang và các địa phương đã quan tâm chỉ đạo, định hướng, tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển loại hình du lịch này. Hiện nay, tại một số địa phương đã hình thành mô hình DLCĐ thu hút du khách, góp phần quảng bá vùng đất, nét đẹp văn hóa và mang lại thu nhập cho người dân.

Nhiều ưu đãi, hỗ trợ

Theo các chuyên gia, DLCĐ phát triển dựa trên cơ sở khai thác tiềm năng sẵn có, trong đó nhấn mạnh ba yếu tố là môi trường, văn hóa và nâng cao đời sống nhân dân. Đầu tư DLCĐ không đòi hỏi quá nhiều kinh phí như các loại hình du lịch khác song lại sớm cho hiệu quả, phù hợp với vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số. 

Du khách trải nghiệm trên đồi chè Bản Ven.

Du khách trải nghiệm trên đồi chè Bản Ven.

Từ năm 2012 đến nay, một số điểm DLCĐ trên địa bàn tỉnh đã nhận được ưu đãi, hỗ trợ thông qua đề án “Phát triển DLCĐ giai đoạn 2014- 2020” của tỉnh. Các hình thức hỗ trợ tập trung vào làm đường giao thông, điện, xây nhà sàn văn hóa, lắp đặt biển chỉ dẫn; khảo sát, tham quan học tập kinh nghiệm; tập huấn nghiệp vụ lễ tân, thuyết minh, khai thác giá trị văn hóa ẩm thực; truyền dạy dân ca, nhạc cụ dân tộc, tổ chức tour thử nghiệm cho khách nước ngoài... 

Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ sản xuất, nâng cao chất lượng các loại cây, con đặc sản và thu hoạch, chế biến thảo dược; vận động, khuyến khích các hộ cải tạo, nâng cấp nhà ở…

Ngoài hỗ trợ của tỉnh, các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế cũng xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển DLCĐ tại địa phương. Bà Vi Thị Anh Thùy, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lục Ngạn cho biết, mấy năm gần đây, mỗi năm huyện đón khoảng 300 nghìn lượt khách tham quan vùng cây ăn quả. 

Hiện, UBND huyện đang hoàn thiện đề án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn 2030. Với kinh phí dự kiến gần 50 tỷ đồng, huyện đề ra mục tiêu xây dựng, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng thành sản phẩm hấp dẫn với không gian du lịch chính là khu vực hồ Cấm Sơn và vùng cây ăn quả. Các điểm được lựa chọn gồm các thôn: An Phú (xã Mỹ An), Hoa Quảng, Đồng Quýt (xã Tân Mộc), Giành Mới (xã Quý Sơn), Bồng 1 (xã Thanh Hải), Ngọt (xã Hồng Giang), Sàng Bến (xã Tân Quang). Đặc biệt, tại thôn Bắc Hoa (xã Tân Sơn) có 106 ngôi nhà trình tường đất lợp ngói âm dương, có nhà gần 100 tuổi; người dân còn lưu giữa được nét văn hoá tryền thống đặc sắc của dân tộc Nùng.

Tại Sơn Động, ngoài Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ DLCĐ An Lạc, huyện đang xúc tiến thành lập thêm HTX DLCĐ tại thôn Nà Hin (xã Vân Sơn). Ông Lưu Xuân San, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch Bắc Giang cho biết: Sau khi khảo sát, tham vấn ý kiến chuyên gia, tỉnh định hướng đầu tư phát triển các điểm DLCĐ ở các thôn, bản: Nà Ó, Biểng, Đồng Khao (xã An Lạc), Đồng Cao (Phúc Sơn), Nà Hin (Vân Sơn), Mậu (thị trấn Tây Yên Tử) thuộc huyện Sơn Động; Cấm Vải, xã Kiên Lao (Lục Ngạn); Ven, Xoan, Thượng Đồng, xã Xuân Lương (Yên Thế); Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên) và thôn Khe Nghè (nay là thôn Vĩnh Ninh), xã Lục Sơn (Lục Nam). 

Hiện UBND tỉnh đã công nhận bản Ven, xã Xuân Lương và thôn Nà Ó, xã An Lạc là điểm DLCĐ và đủ điều kiện đón khách. Trung tâm đã liên kết với một số đơn vị lữ hành khảo sát, xây dựng tour Xuân Lương (Yên Thế) - Bắc Hoa (Lục Ngạn) với Hữu Liên, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn).

Tháng 10 vừa qua, UBND tỉnh tiếp tục có kế hoạch hỗ trợ phát triển DLCĐ giai đoạn 2021 - 2025 với kinh phí hơn 21 tỷ đồng. Theo đó, thực hiện một số nhiệm vụ như: Thuê đơn vị tư vấn xây dựng điểm DLCĐ; hướng dẫn, tập huấn kỹ năng giao tiếp, chế biến món ăn, nghiệp vụ quản lý vận hành điểm đến du lịch sinh thái, cộng đồng. Cùng đó, lồng ghép các chương trình đầu tư phát triển KT-XH trên địa bàn phục vụ hoạt động DLCĐ; từng bước quy hoạch các điểm tham quan, vui chơi giải trí phù hợp. 

Hỗ trợ người dân mua sắm một số thiết bị như chăn, ga, gối, đệm, màn, rèm, quạt, trang thiết bị biểu diễn văn nghệ; hỗ trợ xây dựng, cải tạo nâng cấp nhà truyền thống, nhà văn hóa, nhà vệ sinh cho hộ dân tộc thiểu số; hỗ trợ giống cây con đặc sản, bản địa để cung cấp thực phẩm, ẩm thực; thiết kế chương trình tham quan, trải nghiệm cho du khách qua các hoạt động sản xuất, chế biến nông sản...

Với những giải pháp trên, Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025 các điểm DLCĐ trên địa bàn đủ điều kiện đón ít nhất 1 triệu lượt khách/năm, trong đó có 10 nghìn khách quốc tế, doanh thu ước đạt 450 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 500 lao động tại chỗ.

Đánh thức tiềm năng

Từ sự hỗ trợ của tỉnh và các địa phương, một số hộ dân đã xây dựng cơ sở vật chất, cung cấp dịch vụ DLCĐ, bước đầu thu được hiệu quả rõ rệt.

Thôn Nà Ó, xã An Lạc (Sơn Động) nằm bên rừng nguyên sinh Khe Rỗ với phong cảnh núi non, suối nước đẹp. Thôn có hơn 50 hộ, phần lớn là dân tộc Tày, Nùng. Ấn tượng đầu tiên khi đến Nà Ó là những nếp nhà sàn, nhà đất ngả màu nâu. Tuyến đường vào bản hay lên rừng Khe Rỗ được bố trí thùng đựng rác, tổ dịch vụ thu gom xử lý theo định kỳ. 

Du khách nước ngoài trải nghiệm tại rừng Khe Rỗ, xã An Lạc (Sơn Động).

Du khách nước ngoài trải nghiệm tại rừng Khe Rỗ, xã An Lạc (Sơn Động).

Hơn chục năm trước, tuy cơ sở vật chất còn thiếu song một số đoàn khách nước ngoài đã đến An Lạc và rất thích phong cảnh, văn hóa, sự thân thiện của người dân. Nhận thấy tiềm năng lớn, một số chương trình của nhà nước, tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà sàn văn hóa, tổ chức tập huấn làm DLCĐ; thành lập các tổ dịch vụ văn hóa ẩm thực, hướng dẫn viên, biểu diễn văn nghệ, nuôi ong, làm thuốc nam, vệ sinh môi trường, dịch vụ bán hàng lưu niệm, được cấp phát một số đồ dùng sinh hoạt phục vụ nhu cầu của du khách. Một số hộ tham gia học tập kinh nghiệm ở các tỉnh: Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Nam Định, Phú Thọ, Sơn La... và dần quen với làm DLCĐ hay còn gọi homestay (du khách ăn, ngủ, sinh hoạt trong chính nhà của người dân).

Năm 2014 HTX Dịch vụ DLCĐ An Lạc được thành lập với 7 hộ thành viên do anh Vũ Ngọc Huân (44 tuổi) dân tộc Tày, thôn Nà Ó làm Giám đốc. Như một số hộ khác, ban đầu căn nhà hơn 60m2 của gia đình anh Huân được cải tạo, ngăn thành từng phòng làm nơi lưu trú cho khách. 

Các thành viên trong gia đình nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, di chuyển chuồng trại chăn nuôi xa nơi ở. Khu vườn rộng hơn hai mẫu được quy hoạch trồng nhiều loại hoa quả. Năm 2019 vợ chồng anh Huân dành khoảng 1,8 tỷ đồng xây dựng thêm nhà sàn truyền thống, trang bị đầy đủ tiện nghi, nâng cao chất lượng phục vụ và có thể đáp ứng lưu trú cho gần 50 lượt khách/ngày, đêm.

Hiện thôn Nà Ó có 5 hộ (đều dân tộc Tày) xây dựng cơ sở vật chất, trang bị vật dụng sinh hoạt đạt chuẩn, có thể tiếp đón gần 100 lượt khách/ngày, đêm. Năm 2019 thôn Nà Ó đón hơn 18 nghìn lượt khách, trong đó khách lưu trú hơn 2 nghìn lượt. Khách nước ngoài chủ yếu đến từ Pháp, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản... được các công ty lữ hành kết nối đưa đến. Du lịch tại đây, mỗi khách phải trả chi phí lưu trú 80 nghìn đồng/ngày, đêm, 100 nghìn đồng/bữa ăn. 

Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025, các điểm DLCĐ trên địa bàn đủ điều kiện đón ít nhất 1 triệu lượt khách/năm, trong đó có 10 nghìn khách quốc tế, doanh thu ước đạt 450 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 500 lao động tại chỗ.

Ngoài ra, kinh phí thưởng thức chương trình văn nghệ 800 nghìn đồng/đoàn với các điệu hát then, đàn tính, múa tại nhà sàn; chi phí thuyết minh, dẫn đường tham quan rừng Khe Rỗ 200 nghìn đồng/lượt/ đoàn. 

Cách làm này đã mang lại thu nhập trực tiếp cho gia đình anh Huân khoảng 200 triệu đồng/năm. Các hộ khác trong HTX mỗi năm cũng thu hàng chục triệu đồng. Thấy hiệu quả từ DLCĐ, các thành viên HTX tự học hỏi, tham gia các khóa tập huấn nghiệp vụ du lịch, nâng cao kỹ năng phục vụ. Từ làm DLCĐ, người dân đã có ý thức trong giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp.

Nếu như xã An Lạc có lợi thế bởi rừng nguyên sinh Khe Rỗ, phong tục văn hóa dân tộc Tày, Nùng thì nền tảng cho sản phẩm DLCĐ ở xã Xuân Lương (Yên Thế) là những nương chè bát ngát trên các thửa ruộng bậc thang xanh mướt, phong tục tập quán của đồng bào Cao Lan, thiên nhiên hồ Ngạc Hai, thác Ngà... Tại bản Ven có HXT Thân Trường với 20 hộ xã viên, cơ sở vật chất tương đối hoàn chỉnh, trong đó điểm nhấn là nhà sàn truyền thống và các điều kiện khác đủ đáp ứng cho nhiều đoàn khách tham quan. Bản Ven đang là điểm thu hút nhiều du khách dừng chân, đặt các dịch vụ ăn, nghỉ, trung bình mỗi năm đón khoảng 50 nghìn lượt khách. 

Ông Thân Nhân Khuyến, người tâm huyết, gắn bó với DLCĐ ở bản Ven thông tin: Mới đây, gia đình đã đầu tư khôi phục một số phong tục, nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Cao Lan; mua sắm hàng chục bộ trang phục truyền thống; xây dựng thực đơn ẩm thực, gian trưng bày thuốc nam, hình thành một số điểm trải nghiệm cho khách và phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành đưa vào vận hành tour du lịch chính thức tại bản Ven. Đồng thời ông Khuyến cũng đang tích cực vận động các hộ dân có diện tích chè, vườn đồi phối hợp mở rộng không gian trải nghiệm cho du khách.

Theo Báo Bắc Giang
Ngày cập nhật: 23/12/2020 Lượt xem: 639