Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Vùng đất con người Bắc Giang Đánh thức tiềm năng du lịch cộng đồng: Bài 3- Tăng tính chuyên nghiệp, giữ bản sắc

Đánh thức tiềm năng du lịch cộng đồng: Bài 3- Tăng tính chuyên nghiệp, giữ bản sắc

Những năm qua du lịch cộng đồng (DLCĐ) trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm hơn. Tuy nhiên, để DLCĐ “nhả trứng vàng” nhiều chuyên gia, nhà quản lý khuyến cáo, khi đầu tư phát triển, Bắc Giang cần bảo đảm tính bền vững qua việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa, bảo vệ tài nguyên môi trường, cùng đó xây dựng và thực hiện quy hoạch một cách bài bản, tránh “vết xe đổ” từ một số địa phương đi trước.

Người dân là chủ thể

Du khách thưởng thức hát then đàn tính tại thôn Nà Ó, xã An Lạc (Sơn Động).

Du khách thưởng thức hát then đàn tính tại thôn Nà Ó, xã An Lạc (Sơn Động).

Nếu trước năm 2017, lượng du khách đến với Bắc Giang chỉ đạt trên dưới 1 triệu lượt thì đến năm 2019 con số này đã đạt hơn 2 triệu lượt, trong đó khách quốc tế 32 nghìn lượt. Doanh thu từ hoạt động lưu trú, lữ hành và dịch vụ du lịch đạt khoảng 780 tỷ đồng. Kết quả trên cho thấy sự khởi sắc của du lịch Bắc Giang, trong đó có đóng góp từ DLCĐ.

Trong quy hoạch phát triển du lịch tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Bắc Giang định hướng ưu tiên đầu tư cho các khu, điểm vùng sâu, vùng xa có tiềm năng, có chính sách ưu đãi đối với phát triển DLCĐ. Tuy nhiên theo một số chuyên gia và nhà quản lý, DLCĐ Bắc Giang còn những hạn chế. 

So sánh với bản Lác (Hòa Bình), đồng bào dân tộc Thái ở đó có nhiều nhà sàn gỗ to đẹp, thoáng mát, người dân chỉ đầu tư cải tạo chút ít, trang bị thêm một số vật dụng là có thể đón khách lưu trú, thậm chí có nhà hàng trăm mét vuông, sức chứa vài chục khách/ngày đêm. Trong khi đó ở Bắc Giang một số dân tộc sinh sống tại các bản, làng vùng cao, miền núi đã phần nào mai một kiến trúc nhà ở truyền thống.

Hiện tỉnh mới có 2 điểm DLCĐ đủ điều kiện đón tiếp khách tại xã An Lạc (Sơn Động) và xã Xuân Lương (Yên Thế). Du khách đến đây chủ yếu ăn, ở tại nhà dân, tham quan thôn bản, trải nghiệm hoạt động làm nông nghiệp, thưởng thức văn nghệ... Quy mô và hiệu quả các điểm DLCĐ còn nhỏ, khách du lịch đến nhưng lưu trú ngắn ngày, hoặc không lưu trú, chi tiêu không đáng kể. Đặc biệt, người dân vào cuộc làm DLCĐ chưa nhiều, còn mang tính đơn lẻ, tự phát, một số hộ dân có tư tưởng trông chờ vào đầu tư của nhà nước. 

Du khách trải nghiệm tại bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế). Ảnh: CTV.

Du khách trải nghiệm tại bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế). Ảnh: CTV.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động Tống Thị Hương Giang, dù có tiềm năng về thiên nhiên, bản sắc văn hóa song hạn chế lớn nhất hiện nay là kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông đến các điểm DLCĐ chưa thuận tiện, hầu hết tuyến đường vào các điểm này xe 45 chỗ trở lên không thể vào được; sản phẩm du lịch, dịch vụ đơn điệu, việc quản lý điều hành các dịch vụ còn thiếu chuyên nghiệp...

Còn Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ DLCĐ An Lạc (Sơn Động) Vũ Ngọc Huân chia sẻ: Nói đến đầu tư nhà cửa làm Homestay, nhiều người dân trong xã có băn khoăn bởi số tiền ấy với đồng bào rất lớn, quan trọng hơn là họ sợ khi xây dựng xong liệu có khách đến ở hay không? Thực tế, khách đến An Lạc cũng chỉ tập trung từng thời điểm, cũng có khi vắng vẻ. 

Giải quyết được câu hỏi này, chắc chắn sẽ có nhiều hộ sẵn sàng bỏ tiền đầu tư. Hay như trong định hướng phát triển DLCD của tỉnh có làng Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên). Khách đến làng cổ này ước ao được nghe các liền anh, liền chị trổ vài ba câu quan họ cổ. Thế nhưng Nghệ nhân Ưu tú Phú Hiệp từng có lúc phân trần: “Không phải chúng tôi không ý thức được việc bảo tồn văn hóa gắn với làm du lịch nhưng quả thực còn nhiều trở ngại”. 

Bản thân nghệ nhân Hiệp từng hát dân ca quan họ phục vụ nhiều đoàn khách trong nước, quốc tế khi về làng nhưng “Khi xong xuôi tất cả lại về”, chỉ có những tràng pháo tay và lời khen ngợi. “Người quan họ rất ngại nói đến tiền bạc nên cứ “đành lòng vậy, cầm lòng vậy”, nghệ nhân Phú Hiệp tâm tư. 

Từ câu chuyện ở Thổ Hà, có thể nhận thấy phát triển DLCĐ cần luôn phải xác định người dân làm chủ thể và một phần lợi nhuận từ các hãng lữ hành phải được chia sẻ cho người dân. Bên cạnh đó là bảo đảm sự minh bạch, rõ ràng trong vấn đề lợi ích kinh tế.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Minh Hà: Để phát triển DLCĐ hiệu quả, một trong những yếu tố then chốt đó là phải huy động được sự vào cuộc của người dân sở tại và xuất phát từ chính lợi ích của bà con. Nhà nước chỉ đóng vai trò “bà đỡ” qua việc hỗ trợ về hạ tầng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, liên kết quảng bá điểm đến như: Thành lập các HTX bảo đảm hoạt động theo quy định; quan tâm xây dựng và hoàn thiện hệ thống công cụ xúc tiến du lịch như: Clip, phim quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch Bắc Giang, bản đồ, sách mỏng, tờ rơi, tờ gấp, poster ảnh, biển chỉ dẫn… 

Tiếp đó là từng bước hình thành các nhóm hộ liên kết làm DLCĐ, khuyến khích người dân chú trọng khai thác các yêu tố đặc sắc, đặc trưng từng dân tộc, vùng miền, đồng thời có sự định hướng để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Trước mắt Bắc Giang sẽ tập trung cao cho DLCĐ xã An Lạc và xã Xuân Lương. Cùng đó khuyến khích các khu vực lân cận tham gia với vai trò “vệ tinh” cung cấp các sản phẩm, đặc sản địa phương cho du khách, vừa tạo được những sản phẩm du lịch độc đáo, mang tính vùng miền, vừa góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Những gợi mở, định hướng

Là chuyên gia hàng đầu về DLCĐ tại Việt Nam, ông Dương Minh Bình, Chủ tịch Công ty Tư vấn dịch vụ và phát triển du lịch CBT (TP Hồ Chí Minh) đã nhiều lần đến Bắc Giang tham gia khảo sát, tập huấn cho ngành chuyên môn và các hộ dân làm DLCĐ đánh giá: Bắc Giang xuất hiện DLCĐ sớm hơn so với nhiều địa phương trong nước nhưng tiếc là đến nay lại phát triển sau, trong khi tỉnh có nhiều lợi thế, đặc biệt là xã An Lạc rất gần với tỉnh Quảng Ninh và các khu du lịch khác của tỉnh nên rất dễ “lấy” khách. Nếu làm tốt, mỗi năm An Lạc chỉ cần thu hút 0,1% lượng khách từ Quảng Ninh sang thì bảo đảm sẽ không đủ sức đón khách.

Cũng theo ông Dương Minh Bình, DLCĐ đang có ở nhiều nơi nhưng hầu như chưa được quy hoạch bài bản, Bắc Giang không ngoại lệ. Đầu tư cho DLCĐ không tốn nhiều chi phí như các loại hình du lịch khác, du khách đến với loại hình này không đòi hỏi quá cao về các dịch vụ, họ cần sự mộc mạc chân quê, tất nhiên phải đi đôi với lịch lãm, bảo đảm vệ sinh; từ chỗ nghỉ, đến thực phẩm an toàn... 

Họ đến để đi bộ ngắm cảnh, trải nghiệm tắm suối, leo núi hơn là hát karaoke hay hưởng thụ dịch vụ cao cấp khác… Chính cách hiểu lệch lạc đã dẫn tới cách làm sai tại một số địa phương, vô tình làm phá vỡ không gian, cảnh quan và mất dần bản sắc, trong đó bản Lác (Hòa Bình) là một ví dụ điển hình.

Những năm qua, Bắc Giang đã có sự hỗ trợ của nhà nước cho DLCĐ song theo ông Dương Minh Bình hiệu quả chưa tương xứng, một phần do ngành chuyên môn quá tập trung vào việc tổ chức khảo sát, tổ chức các đoàn famtrip (dành cho các hãng lữ hành, các nhà báo khảo sát, quảng bá). Trong khi nếu điểm đến và dịch vụ còn sơ sài mà đã tổ chức famtrip sẽ là con dao hai lưỡi, thậm chí phản tác dụng, bởi các đoàn sẽ lan truyền tin rằng điểm đó chưa có gì. 

Vì thế, nên chăng số tiền từ những hoạt động trên dành để hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân đầu tư làm DLCĐ sẽ hiệu quả hơn. Bên cạnh đầu tư của nhà nước về hạ tầng, giới thiệu quảng bá, kết nối tour tuyến, tỉnh cần vận động người dân tự bỏ tiền xây dựng, cải tạo nhà ở, mở thêm các dịch vụ hoạt động trải nghiệm cho khách, đặc biệt là có chính sách cho vay vốn làm DLCĐ. Chỉ khi người dân bỏ tiền ra họ mới có trách nhiệm cho công trình của mình. 

Tuy nhiên, để tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” thì cần có quy hoạch tổng thể, hộ nào cam kết làm đúng quy hoạch nhà nước mới cho xây dựng và hỗ trợ kinh phí. Khi đã có được sản phẩm tương đối hoàn thiện mới làm công tác marketing, quảng bá rộng rãi và kết nối với các đơn vị lữ hành đưa khách đến.

Một trong những kinh nghiệm ông Dương Minh Bình muốn nhấn mạnh là trước hết phải đề cao tính cộng đồng, phải có được sự tham gia rộng rãi của người dân, người dân phải trở thành chủ thể, được đảm bảo lợi ích. Cần hướng dẫn bà con thực hiện từng bước, trước tiên là điều kiện ăn, nghỉ như: Cải tạo những ngôi nhà thành nơi lưu trú đạt tiêu chuẩn, hướng dẫn họ nấu các món ăn từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương, cách pha chế đồ uống sao cho hấp dẫn, bảo đảm an toàn, đẹp mắt… 

Sau khi bảo đảm điều kiện ăn nghỉ mới tính đến chuyện xây dựng không gian xung quanh bản làng làm chỗ trải nghiệm cho khách. Du khách có thể đi leo núi, tắm suối, đi bộ, đạp xe, trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp như: Canh tác lúa nước, làm nương, trồng chế biến chè, vườn rau sạch, dệt thổ cẩm, mây tre đan, dệt vải; tìm hiểu, mua sắm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại địa phương, tắm lá thuốc dân tộc, văn hóa nghệ thuật, tham gia các trò chơi dân gian... “Chỉ khi có sự chuẩn bị đầy đủ, khoa học, thực hiện bài bản, chắc chắc từng bước, kéo người dân vào cuộc và mang lại lợi ích trước hết cho người dân thì khi đó DLCĐ mới phát triển bền vững”, ông Dương Minh Bình khẳng định.

Theo Báo Bắc Giang
Ngày cập nhật: 24/12/2020 Lượt xem: 593