Thực hiện Nghị quyết 44 của Ban Thừng vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch Bắc Giang, giai đoạn 2016-2020, chỉ 4 năm, Bắc Giang đã có tên trong bản đồ du lịch toàn quốc.
Tiềm năng được đánh thức
Bắc Giang là vùng đất có bề dầy truyền thống lịch sử, văn hóa với hơn 2,2 nghìn di tích, trong đó gần 700 di tích được xếp hạng bảo vệ; 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt; gần 100 di tích cấp quốc gia. Bắc Giang là địa phương có nhiều lễ hội nổi tiếng. Hiện tỉnh có 3 di sản được thế giới công nhận là: Dân ca qua họ, Ca trù và Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm.
Khu du lịch tâm linh- sinh thái Tây Yên Tử, điểm đến của nhiều du khách. |
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, cả hệ thống chính trị của Bắc Giang đã vào cuộc một cách tích cực. Nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm được tổ chức. Qua nghiên cứu, thảo luận và tìm tòi, Bắc Giang đã chọn con đường phát triển du lịch theo hướng bền vững, đó là bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, nhất là dân ca quan họ, Ca trù, hát Then, văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số cùng các loại hình nghệ thuật truyền thống. Xây dựng các sản phẩm du lịch có thế mạnh, trong đó tập trung phát triển ba sản phẩm du lịch là: Văn hóa- tâm linh; lịch sử- văn hóa; sinh thái- nghỉ dưỡng. Xây dựng thương hiệu Tây Yên Tử…
Đầu tư tập trung, quảng bá sáng tạo
Từ huy động các nguồn lực, theo thời gian, hệ thống các điểm du lịch được đầu tư, nâng cấp, tu bổ, tôn tạo, xây mới. Điển hình trong đó là Chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), chùa Bổ Đà (Việt Yên); điểm di tích ATKII (Hiệp Hòa); Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám (Yên Thế); Địa điểm chiến Thắng Xương Giang (TP Bắc Giang); Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng (Yên Dũng) và Khu du lịch Tâm linh- sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động).
Cùng với đó là việc đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông; nhà nghỉ đáp ứng yêu cầu của du khách. Đến nay dù còn khó khăn, nhưng hệ thống giao thông đã cơ bản thuận lợi. Những điểm tham quan xa trung tâm nhất như Tây Yên Tử, Khe Rỗ (Sơn Động) chỉ vài giờ xe chạy.
Du khách tham quan vùng cây ăn trái Lục Ngạn. |
Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch được quan tâm. Theo đánh giá của giới chuyên môn, có lẽ ít có một chương trình nào được quan tâm và quảng bá như đối với chương trình phát triển du lịch. Không chỉ là tuyên truyền trực quan qua các sự kiện; qua báo chí mà cả mạng xã hội.
Vì vậy thông tin về du lịch được truyền tải thường xuyên, liên tục. Các cơ quan truyền thông trong tỉnh đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức nhiều hoạt động để quảng bá hình ảnh của Bắc Giang với bạn bè trong và ngoài nước, như tổ chức cuộc thi ảnh “Bắc Giang quê hương tôi”; “Sắc Xuân Tây Yên Tử”; “7 ngày khám phá Tây Yên Tử” và gần đây là cuộc thi viết về du lịch Bắc Giang.
Cùng đó, UBND tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động như hội nghị quảng bá du lịch tại một số địa phương trong tỉnh cũng như Thành phố Hà Nội với sự tham gia của đông đảo người dân, nhà nghiên cứu và hàng trăm nhà báo tới dự. Đáng chú ý, sự kiện Tuần Văn hóa- Du lịch đã được tổ chức nhiều năm với các chủ đề khác nhau gây ấn tượng với các du khách. Năm 2020 Bắc Giang chọn chủ đề: “Bắc Giang- Miền đất thiêng Tây Yên Tử”…
Quá trình triển khai được đánh giá bài bản cả bề rộng và chiều sâu vì có Tổ tư vấn truyền thông về sự kiện. Theo nhà báo Nguyễn Đăng Lâm, Giám đốc Trung tâm thông tin, Văn phòng UBND tỉnh, đây là nét mới mà không phải đơn vị nào, sự kiện nào cũng có. Với những cách làm sáng tạo và hiệu quả đó, hình ảnh Bắc Giang đã được quảng bá rộng rãi không chỉ trong tỉnh, trong nước mà cả thế giới.
Điểm đến Bắc Giang
Chưa khi nào khách du lịch lại đến Bắc Giang đông như vài năm gần đây. Thống kê của ngành chức năng nếu năm 2016, lượng khách đến tỉnh chỉ có hơn 500 nghìn lượt người; năm 2017 có 1,2 lượt người… thì năm 2019 đã tới trên 2 triệu lượt người, thu về cho ngân sách gần 1000 tỷ đồng. Điều đáng nói là không chỉ khách trong nước mà nhiều đoàn khách quốc tế cũng đã tìm đến các điểm du lịch của Bắc Giang.
Năm 2019 toàn tỉnh có 29 nghìn lượt khách quốc tế tới tham quan, nghiên cứu. Có mặt tại cây Dã Hương nghìn năm tuổi (Tiên Lục- Lạng Giang), ông Lê Quốc Ngữ, người Việt Nam đang định cư ở Hàn Quốc cho biết, thông qua mạng internet tôi biết được cây cổ thụ này. Đến đây tôi thực sự choáng ngợp trước vẻ hùng vĩ của cây quý. Tôi đã ôm quanh gốc cây để lấy may mắn cho mình và gia đình.
Còn khi nói về thắng cảnh chùa Vĩnh Nghiêm, nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định: “Tôi đã đi nhiều nơi, nhưng một không gian thoáng rộng với lối kiến trúc như ở chùa Vĩnh Nghiêm là rất hiếm. Đặc biệt, kho mộc bản ở đây là tư liệu quý giá mà không phải nơi nào cũng có. Đáng chú ý là con người Bắc Giang thân thiện, hài hòa. Mỗi lần đến Vĩnh Nghiêm tôi lại khám phá thêm một điều mới mẻ, thú vị”.
Hành trình lên núi Non Vua (Yên Dũng) đang được nhiều du khách lựa chọn. |
Cùng với tu bổ, tôn tạo di tích là việc bố trí các tua, tuyến du lịch hợp lý. Nhiều công ty lữ hành đã quan tâm đến địa bàn Bắc Giang. Nếu như năm 2016 chỉ có vài ba doanh nghiệp coi Bắc Giang là điểm đến của du khách, thì nay đã có hơn 30 doanh nghiệp làm điều này.
Những tua du lịch hình thành như: ATKII (Hiệp Hòa) - Khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân (Tân Yên) - Khu di tích lịch sử Hoàng Hòa Thám (Yên Thế); hay tua Chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng)- Suối Mỡ (Lục Nam) - Khu du lịch Tâm linh - Sinh thái Tân Yên Tử (Sơn Động); Cây Dã hương nghìn năm tuổi- Địa điểm chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang) - chùa Bổ Đà…
Gần đây có thêm các tua tham quan vùng cây ăn trái; thăm hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần (Lục Ngạn); du lịch Đồng Thông (Sơn Động). Mỗi tua đều có sự khác biệt, giúp du khách trải nghiệm và khám phá nhiều điều thú vị về mảnh đất và con người Bắc Giang.
Theo Báo Bắc Giang