Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Vùng đất con người Bắc Giang Di tích cầu Sông Thương - ngày ấy, bây giờ

Di tích cầu Sông Thương - ngày ấy, bây giờ

BẮC GIANG - Cầu Sông Thương còn gọi là cầu Phủ Lạng Thương (TP Bắc Giang) là một trong những địa điểm ghi dấu sự kiện Bác Hồ về thăm tỉnh Bắc Giang, là chứng tích cho tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu ngoan cường của quân và dân Bắc Giang trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Những trang sử vẻ vang

Theo một số tài liệu, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, giai đoạn 1945- 1954, cầu Sông Thương là mạch nối giao thông chi viện lương thực, vũ khí cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến, cầu Phủ Lạng Thương được ta lật xuống lòng sông nhằm ngăn chặn bước tiến của quân thù để giữ vững Đông Bắc - Việt Bắc. Khi bóng quân xâm lược không còn trên miền Bắc, nhân dân Phủ Lạng Thương bắt tay hàn gắn vết thương chiến tranh, trong đó có khôi phục lại cầu sắt, đường xe lửa. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, bởi đó là một trong những tuyến giao thông huyết mạch từ Thủ đô Hà Nội đến Mục Nam Quan.

Bác Hồ thăm công trường xây dựng cầu Phủ Lạng Thương, thị xã Bắc Giang (nay là TP Bắc Giang), ngày 24/1/1955, tức mồng Một Tết năm Ất Mùi. Ảnh tư liệu.

Bác Hồ thăm công trường xây dựng cầu Phủ Lạng Thương, thị xã Bắc Giang (nay là TP Bắc Giang), ngày 24/1/1955, tức mồng Một Tết năm Ất Mùi. Ảnh tư liệu.

Ngày 24/1/1955 (tức mồng Một Tết năm Ất Mùi), Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm công trường khôi phục đường xe lửa Phủ Lạng Thương. Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn đối với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tỉnh Bắc Giang nói chung, cán bộ, chuyên gia, công nhân công trường khôi phục đường xe lửa Phủ Lạng Thương nói riêng. Bác lần lượt bắt tay, hỏi thăm sức khỏe mọi người rồi đi thăm cầu. 

Bác hỏi cán bộ về tình hình, tiến độ làm cầu, biểu dương thành tích công nhân đạt được, ân cần trò chuyện, hỏi thăm việc tổ chức ăn Tết, đời sống của anh em công nhân;. Người khen ngợi sự tận tình giúp đỡ của công nhân và chuyên gia Trung Quốc, nhân dân thị xã Phủ Lạng Thương. Bác phân tích kỹ tầm quan trọng của tuyến đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan và hứa sẽ tặng nhiều phần thưởng cho các cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc. Dịp khánh thành đường xe lửa Hà Nội - Mục Nam Quan (ngày 28/2/1955), Bác có thư khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, đồng bào.

Năm 1965, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh không quân, hải quân nhằm phá hoại miền Bắc. Cầu Sông Thương trở thành một trong những trọng điểm bắn phá của không quân Mỹ. Trung đoàn Pháo phòng không 216 thuộc Bộ Tư lệnh Phòng không Hà Bắc (nay là Sư đoàn Phòng không 365, Quân chủng Phòng không - Không quân) là đơn vị được giao nhiệm vụ bảo vệ cầu. Các chiến sĩ của trung đoàn cùng với nhân dân, lực lượng dân quân tự vệ các xã bám trụ kiên cường, chiến đấu dũng cảm. 

Trong làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù, các chị, các mẹ trong “Hội mẹ chiến sĩ” xã Đa Mai xả thân mang từng gánh bún, bánh lên trận địa; khâu vá hàng nghìn tấm áo cho chiến sĩ, cùng nhân dân đóng góp hàng nghìn ngày công xây dựng trận địa pháo cao xạ. Trong 592 ngày đêm, địch đã 155 lần đánh phá trực tiếp vào trận địa của trung đoàn. Nhiều chiến sĩ anh dũng hy sinh nhưng Trung đoàn 216 vẫn trụ vững trên địa bàn hợp đồng tác chiến, lập chiến công xuất sắc, bắn rơi tại chỗ 17 máy bay Mỹ. Cuộc chiến bảo vệ cầu Sông Thương đã góp phần vào chiến thắng vẻ vang của quân và dân tỉnh Hà Bắc.

Bà Nguyễn Thị Nga (SN 1946), ở tổ dân phố Hà Vị 1, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) là một trong những dân quân du kích từng trực tiếp tham gia phục vụ chiến đấu bảo vệ cầu Sông Thương. Ngày đó, bà Nga là trung đội trưởng trung đội nữ dân quân du kích xã Thọ Xương, sau làm xã đội trưởng. Trung đội gồm 32 người có nhiệm vụ trực chiến, phối hợp chiến đấu bảo vệ, ngụy trang các trận địa gần khu vực cầu. 

Chiến tranh ác liệt, ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh song bà Nga cùng dân quân không quản ngại hiểm nguy tham gia tải đạn, hỗ trợ cứu thương, di chuyển thương binh về tuyến sau. "Trong những trận chiến ác liệt với quân thù để bảo vệ cầu, chúng tôi trực tiếp thu nhặt hài cốt của 36 chiến sĩ anh dũng hy sinh. Những năm tháng hào hùng, oanh liệt chiến đấu bảo vệ cầu chúng tôi không thể nào quên", bà Nga kể lại.

Khơi dậy niềm tự hào dân tộc

Với những giá trị lịch sử đặc biệt, ngày 8/12/2020, UBND tỉnh Bắc Giang ra quyết định xếp hạng Địa điểm cầu Sông Thương là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Hội Cựu chiến binh phường Trần Phú (TP Bắc Giang) ôn lại những năm tháng hào hùng chiến đấu bảo vệ cầu Sông Thương của quân và dân ta.

Hội Cựu chiến binh phường Trần Phú (TP Bắc Giang) ôn lại những năm tháng hào hùng chiến đấu bảo vệ cầu Sông Thương của quân và dân ta.

Di tích Địa điểm cầu Sông Thương hiện nay bao gồm 2 hạng mục công trình: Cầu Sông Thương và tượng đài chiến thắng không quân Mỹ với diện tích hơn 9.000 m2. Qua nhiều lần tu sửa, cầu Sông Thương hiện dài 133 m, rộng 10,35 m, cao 9,5 m. Tượng đài chiến thắng không quân Mỹ tại khuôn viên cây xanh đầu cầu Sông Thương được xây dựng năm 2015. Công trình có diện tích gần 7.000 m2, gồm nhiều hạng mục (tượng đài, khuôn viên cây xanh, tường rào). 

Tượng đài cao 2,1m, khắc họa hình tượng bộ đội phòng không bên mâm pháo, dân quân tự vệ địa phương vừa chiến đấu vừa sản xuất, đặc biệt có hình tượng người mẹ Bắc Giang vá áo cho chiến sĩ. Tượng đài chiến thắng không quân Mỹ vừa khắc ghi, tưởng nhớ, vừa ngợi ca, tôn vinh tinh thần đoàn kết, yêu nước, ý chí chiến đấu kiên cường vì độc lập, tự do của quân, dân Bắc Giang trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Theo bà Phùng Thị Mai Anh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, Bắc Giang đã có văn bản gửi Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) xin chủ trương đồng ý lập hồ sơ đề nghị xếp hạng Địa điểm cầu Sông Thương là di tích quốc gia. Hiện nay, tại Bảo tàng tỉnh lưu giữ nhiều ảnh tư liệu, hiện vật quý liên quan đến những trận đánh bảo vệ cầu Sông Thương.

Ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết, việc bảo tồn, phát huy giá trị các địa điểm di tích những lần Bác Hồ về thăm tỉnh Bắc Giang có ý nghĩa hết sức to lớn; khẳng định tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Bác đối với cán bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang, vị trí chiến lược của tỉnh Bắc Giang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Qua đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Các di tích được bảo tồn sẽ trở thành địa chỉ đỏ để người dân tham quan, học tập, góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Theo Báo BG

Lượt xem: 4227