Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Vùng đất con người Bắc Giang Độc đáo chợ tình Tân Sơn- Huyện Lục Ngạn

Độc đáo chợ tình Tân Sơn- Huyện Lục Ngạn

Tân Sơn là một xã vùng cao của huyện Lục Ngạn, từ thành phố Bắc Giang theo đường 31 Bắc Giang-  Sơn Động khoảng 46km là tới ngã ba Kép( Hồng Giang- Lục Ngạn) theo đường 290 Hồng Giang- Chi Lăng khoảng 30km là tới  trung tâm của xã. Là địa bàn cư trú lâu đời của đồng bào các dân tộc như Nùng, Kinh, Tày…Tân Sơn hiện vẫn giữ được nhiều tập tục văn hóa truyền thống, trong đó có nét sinh hoạt chợ tình Tân Sơn.

Tới Tân Sơn những ngày đầu xuân cái cảm nhận đầu tiên của du khách đó là màu xanh non của núi rừng vào xuân, màu của tình yêu của những hò hẹn của những đôi lứa giao duyên với nhau. Chợ phiên Tân Sơn có từ lâu đời, là nơi tụ họp, trao đổi mua bán hàng hóa của người dân quanh vùng. Chợ họp đều đặn 5 ngày một lần vào các ngày 2 và 7 trong tháng. Tuy nhiên có một phiên chợ đặc biệt hơn cả đó là phiên chợ họp vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm. Khác vơí các phiên chợ ngày thường, chợ phiên ngày 12 tháng giêng hằng năm đông người hơn nhưng lại có ít hàng hoá hơn. Chợ ngày thường chỉ có sự tham gia của những cư dân trong xã và các xã lân cận nhưng vào ngày chợ phiên ngày 12 này thì có cả đồng bào Nùng, Tày của các tỉnh bạn cũng tới tham dự như: Hoà Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Cạn….

           Khác với chợ tình SaPa được họp vào ngày thứ 7 hàng tuần  còn chợ tình Tân Sơn là phiên chợ chỉ họp một năm có một lần. Được gọi là chợ tình bởi người ta đến đây không phải để mua bán trao đổi hàng hoá mà đến để hò hẹn trao duyên. Chợ tình là nơi gửi gắm tình cảm, tình thương nhớ với nhau. Chợ bắt đầu họp từ ngày 11 tháng giêng. Vào ngày này, trên khắp trên các sườn đồi, bờ suối, đều vang lên âm thanh tha thiết của những chiếc kèn môi gọi bạn, những câu Sli, Lượn, Sloonghao…Những chàng trai những cô gái ai cũng diện cho mình những bộ trang phục đẹp nhất, độc đáo nhất để đến chợ, những sắc áo chàm xanh ngắt, xanh như mầu rừng núi quê hương. Họ hát với nhau tại bất kỳ địa điểm nào có thể hát, mới đầu họ hát với theo từng đoàn để làm quen sau  họ bắt đầu hát riêng thành từng cặp, Cứ như vậy họ hát cả ngày cả đêm và cũng trong hoàn cảnh như vậy mà có biết bao đôi trai gái đã gặp nhau và nên duyên vợ chồng. Điều đặc biệt nữa ở phiên chợ tình này là chợ không chỉ dành cho những người chưa có gia đình, chợ còn là nơi để những người đã có gia đình đến hát với nhau và nhớ lại những câu chuyện đẹp đã đi qua. Những đôi trai gái đã từng quen nhau trong ngày hội hát mà không lấy được nhau thì họ hẹn nhau cứ ngày ngày hàng năm lại hẹn gặp nhau tại chợ, nơi đã quen nhau. Cả vợ cả chồng đều có thể đi hát và họ tôn trọng nhau, tôn trọng những điều riêng tư của nhau nhưng họ cũng biết giữ gìn hạnh phúc của gia đình mình không vì người tình xưa mà phá hỏng hạnh phúc của gia đình hiện tại, đó là trị nhân văn vô cùng cao đẹp mà con người nơi đây còn lưu giữ lại được.

 

          Nội dung lời hát giao duyên của những đôi trai gái thông thường đều bộc lộ một tình yêu trong sáng, một khát vọng muốn được xây đắp tình yêu cùng với người bạn hát. Những câu hát của đồng bào tuy mộc mạc nhưng rất đỗi chân thành, họ bày tỏ tình cảm đồng thời thổ lộ cả những khó khăn của bản thân của gia đình với người bạn hát. Nếu người bạn hát thông cảm thì  họ có thể cùng nhau xây đắp hạnh phúc. Chẳng hạn những người trai ngoại tỉnh đến đây hát mà có tình cảm với một cô nào trong bản thì họ sẽ hát và nói rằng nhà xa điều kiện khó khăn và cô gái có thể đáp lại dù xa nhưng vẫn muốn cùng nhau đắp xây hạnh phúc. Còn những người đã quen nhau trong hội hát mà không lấy được nhau khi gặp lại họ sẽ hát những lời hát thăm hỏi gia cảnh, sức khoẻ, và có ý luyến tiếc…. Cuối mỗi cuộc hát đó là lúc khó chia tay nhất, họ hẹn nhau vào ngày này sang năm sẽ gặp lại, chúc gia đình mạnh khoẻ, chúc cho mọi sự bình an. Có những đôi trai gái qua ngày hội hát họ lại bạn rộn hơn nữa đó là họ phải chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại nhất của đời người đó là ngày cưới.

          Chợ tình Tân Sơn mang dấu ấn đậm nét của văn hoá cộng đồng các dân tộc Tầy, Nùng…. đó là nét văn hoá lâu đời của ông cha để lại, tuy nhiên hiện nay nó đang đứng trước những biến đổi sâu sắc của nền kinh tế thị trường, do vậy cần có những chính sách thích đáng để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá này.

Nguyễn Văn Nghiên

Ngày cập nhật: 23/09/2014 Lượt xem: 856