Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Vùng đất con người Bắc Giang Độc đáo tục đón Tết cổ truyền của người dân tộc thiểu số

Độc đáo tục đón Tết cổ truyền của người dân tộc thiểu số

Tết đến, xuân về, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) lại náo nức tổ chức các hoạt động mang đậm nét truyền thống của dân tộc mình. Giờ đây, dù những phong tục, tập quán có thay đổi, đơn giản hơn song nét đẹp truyền thống vẫn được lưu giữ vẹn nguyên.

Phát huy bản sắc dân tộc

Ông Lục Văn Dèo trang trí cây nêu chuẩn bị đón Tết.

Ông Lục Văn Dèo trang trí cây nêu chuẩn bị đón Tết.

Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, khi những bông hoa đào đã bừng nở khoe sắc, chúng tôi cùng cán bộ Phòng Dân tộc huyện về xã vùng cao Hộ Đáp, nơi có tới hơn 75% dân số là đồng bào dân tộc Nùng. 

Cũng giống như bao gia đình người Nùng khác ở Lục Ngạn, gia đình ông Lục Văn Dèo, thôn Na Hem chuẩn bị đón Tết theo đúng phong tục, tập quán của dân tộc mình. “Đồng bào dân tộc Nùng ăn Tết từ ngày 25 tháng Chạp tới hết Rằm tháng Giêng. Trong những ngày này, hương trên bàn thờ tổ tiên không được tắt mà phải thắp liên tục”, ông Dèo kể.

Cũng theo ông Dèo, cây nêu là nét văn hóa không thể thiếu trong dịp Tết của người Nùng. Trước khi cây nêu được dựng trước nhà, gia chủ sẽ trang trí trên ngọn buộc lông gà trống thiến, sau đó cuộn giấy đỏ quanh thân cây, trang trí thêm chùm bóng bay và quan trọng là gắn lá cờ đỏ sao vàng. 

Cùng với dựng cây nêu, vào ngày 30 Tết, người Nùng còn dán giấy đỏ trang trí khắp nhà, gồm: Trước cửa, bàn thờ, cây cối trong vườn…bởi họ quan niệm giấy đỏ tượng trưng cho sự may mắn, sang năm mới mọi việc trong gia đình sẽ gặp nhiều thuận lợi, suôn sẻ.

Trong ngày Tết, mỗi gia đình người Nùng đều làm ba mâm cỗ, mỗi mâm có một con gà luộc, 5 chén rượu, bánh chưng để cúng tổ tiên, Táo quân và người bảo vệ của gia đình (hay còn gọi là bàn thờ Ké). Người được thờ ở đây là một người từ xa xưa đã có công bảo vệ cho sự an toàn của dòng họ. 

Vì thế gia đình người Nùng nào ở đây cũng lập một bàn thờ Ké thể hiện sự nhớ ơn người có công với dòng họ. Ngoài ra, người Nùng còn có tục cúng thổ công. Mỗi bản của người Nùng đều có một miếu cúng thổ công hoặc nhiều gia đình sống cùng trên một khu đất sẽ lập trung dựng một miếu thổ công.

Nét đẹp trong đón Tết cổ truyền của dân tộc Sán Dìu trên địa bàn huyện cũng rất riêng và độc đáo. Gần Tết, nhà nào cũng chuẩn bị giấy đỏ trang trí quanh nhà, như bàn thờ tổ tiên, trước cửa ra vào, ngoài cổng, chuồng gia súc, gia cầm... cây cối hoặc các vật dụng sản xuất. 

Trên bàn thờ tổ tiên, ngoài bánh chưng, thịt lợn, thịt gà, rượu trắng, bánh kẹo hoa quả và đồ vàng mã, không thể thiếu 2 cây hoa cải vàng. Đây là biểu tượng của một năm mùa màng bội thu, thắng lợi; mọi người mạnh khỏe, đoàn kết. Sáng mồng Một tết, người Sán Dìu không ăn mặn mà ăn chay.

Trong phong tục đón Tết của người Sán Dìu ở Lục Ngạn, có tục gánh nước vào sáng mồng Một tết. Sáng sớm, con cháu của gia đình ra sông, suối mang theo thùng nước cùng khoanh bánh chưng, giấy bạc, thắp hương xin phép các vị thần mua nước về nhà. Nếu gánh nước đó nặng, năm đó gia đình sẽ làm ăn phát tài, thóc lúa đầy bồ, chăn nuôi thuận lợi.

Giữ gìn nét đẹp truyền thống

Theo thống kê, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 51% dân số toàn huyện, chủ yếu là dân tộc Nùng, Sán Dìu, Sán Chí, Dao…; tập trung nhiều ở các xã: Hộ Đáp, Tân Hoa, Giáp Sơn, Quý Sơn, Phong Minh, Đèo Gia, Tân Lập… Theo ông Hoàng Văn Oanh, Trưởng phòng Dân tộc huyện, một nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào trong những ngày Tết là tổ chức hát đối đáp, giao duyên. 

Ở từng thôn, bản, từng tốp thanh niên, trung niên thậm chí cả người cao tuổi, mỗi tốp gồm 4-8 người, bên nam, bên nữ tập trung hát ở nhà văn hóa hoặc sân đình, chùa, thậm chí trong khu vườn rộng hoặc bên bờ suối. Đặc biệt, những gia đình nào được khách đến chơi và ca hát tại nhà thì đó là một niềm vinh hạnh. Chính vì lẽ đó, gia chủ rất phấn khởi, đón tiếp khách nồng hậu, chu đáo. 

Lời ca và giai điệu của câu hát đối đáp, giao duyên mềm dẻo, đầy sức lan tỏa, diễn đạt tâm tư tình cảm của người hát, làm mê say lòng người. Cùng đó, trong những ngày xuân, đồng bào dân tộc thường tổ chức nhiều trò chơi dân gian, hoạt động thể thao thu hút nam thanh, nữ tú.

Nhằm bảo tồn những nét truyền thống của đồng bào, những năm qua, huyện Lục Ngạn mở nhiều lớp truyền dạy hát dân ca, tiếng nói, chữ viết của người dân tộc như: Hát Then của dân tộc Nùng, hát Soọng Cô dân tộc Sán Dìu, Sình Ca của dân tộc Cao Lan… Đến nay, các địa phương đã thành lập được 32 câu lạc bộ bát dân ca các dân tộc, thu hút hàng nghìn hội viên tham gia. “Nhiều phong tục, tập quán của người dân tộc đã được thay đổi để tránh rườm rà, lãng phí. Tuy nhiên, những phong tục trong ngày Tết Nguyên đán vẫn được giữ gìn bởi nó mang đậm bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, đồng thời thể hiện nét đẹp, đặc sắc, phong phú về văn hóa trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam”, ông Hoàng Văn Oanh nói.

Theo Báo Bắc Giang
Ngày cập nhật: 11/02/2021 Lượt xem: 655