Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Vùng đất con người Bắc Giang Đưa quần thể di tích Yên Tử trở thành Di sản thế giới

Đưa quần thể di tích Yên Tử trở thành Di sản thế giới

Ba tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang đang tiếp tục công tác chuẩn bị để xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận quần thể di tích danh thắng Yên Tử trải dài trên địa phận 3 tỉnh là Di sản thế giới.

Việc lập hồ sơ di sản thế giới cho Yên Tử vừa nâng cao nhận thức của người dân về giá trị di sản, góp phần chung tay bảo tồn và phát huy di sản, xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là một hệ thống hơn 70 điểm di tích, được cấu thành từ 4 cụm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt gồm: Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh), Khu di tích lịch sử nhà Trần (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh), Khu di tích danh thắng Tây Yên Tử (Bắc Giang) và Khu di tich Côn Sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương). 

Yên Tử gắn liền với sự ra đời, hình thành và phát triển của nhà Trần (1225-1400) và hình thành nên không gian tôn giáo, văn hóa đặc trưng của Thiền phái Trúc Lâm.

Đương thời, Yên Tử là Trung tâm Phật giáo Thiền tông thuần Việt với người sáng lập là Điều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông – vị vua duy nhất từ bỏ ngai vàng tu hành và đắc đạo.

Tầm quan trọng của quần thể di tích và danh thắng Yên Tử được thể hiện thông qua hàng loạt di tích, danh lam thắng cảnh trong khu di sản được nhận diện, xếp hạng ở cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt, với đầy đủ bốn loại hình di tích, danh lam thắng cảnh bao gồm di tích lịch sử; di tích kiến trúc-nghệ thuật; di tích khảo cổ; địa điểm danh lam thắng cảnh.

Tây Yên Tử nằm ở sườn Tây và Bắc của dãy núi Yên Tử, thuộc địa bàn tỉnh Bắc Giang. Đây là nơi có hệ thống các chùa tháp, di tích cùng sự kỳ vĩ của rừng, núi liên quan đến sự hình thành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần như Chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), chùa Am Vãi (Lục Ngạn), Đồng Thông (Sơn Động)...Nguồn: CAND

Đây cũng là những địa điểm có sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên với các công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị đặc biệt biệt của quốc gia, bao gồm Chùa Bí Thượng, chùa Suối Tắm, chùa Cầm Thực, chùa Lân, chùa Giải Oan, vườn tháp Hòn Ngọc, khu tháp Tổ, chùa Hoa Yên, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu, chùa Đồng.

Sự ra đời và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử để lại cho hậu thế những bản kinh văn và các bản sách quý giá, những sách dạy cho các tăng môn và dân chúng của Thiền phái Trúc Lâm tu tập, sám hối, tu hành thập thiện như Thiền tâm thiết chuỷ ngữ lục, Đại Hương Hải ấn thi tập, Tăng già Toái sự, Thạch thất Mỹ Ngữ, Truyền Đăng Lục, Thượng Sĩ hành trang… Đây là những di sản văn hoá phi vật thể quý giá đang đồng hành cùng sự phát triển của lịch sử dân tộc.

Bên cạnh đó, Yên Tử còn là một trong những linh sơn của đất nước, nơi bảo tồn được rất nhiều loài động thực vật quý hiếm mà không một vùng núi nào có được, đặc biệt là các loài cây quý như tùng, trúc, mai và các loại cây thuốc nam quý hiếm.

Vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non hoà với nét cổ kính, trầm mặc của chùa tháp, là sự thơ mộng của suối nước, trời mây chen trong cây cỏ hoa lá và chim muông, là sự phong phú của thảm thực vật đa dạng và những loại cây dược liệu có giá trị. Chính vì vậy mà từ xa xưa Yên Tử được xếp là một trong 72 phúc địa của nước ta.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, công tác nghiên cứu, xây dựng hồ sơ cũng gặp khó khăn khi các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế khó tiếp cận, tư vấn tại thực địa. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Yên Tử có giá trị vô cùng to lớn, đa dạng, phạm vi nghiên cứu trải dài hơn 11 nghìn km2, cho nên chúng ta phải làm hồ sơ trên 4 tiêu chí. Trong lịch sử chưa có hồ sơ Di sản nào làm trên 4 tiêu chí như vậy, đây cũng là khối lượng công việc khổng lồ. Tuy nhiên qua quá trình làm việc 2 năm qua, tôi thấy rằng đây không phải là khó khăn mà là sức mạnh tổng hợp, thể hiện sự đoàn kết, thống nhất của 3 tỉnh trong thực hiện."

Cổng trời bia Phật bởi vì lúc đi lên cổng trời có xuất hiện một mặt đá giống như một chiếc oản dâng lên cung Phật. Người dân gọi đây là Bia Phật. Trước mặt tảng đá có dòng chữ Hán tuy nhiên đã mờ nhưng chỉ còn duy nhất một chữ Phật. Nguồn: internet

Ngày 22/1 vừa qua, 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương đã họp bàn, ký cam kết thống nhất lộ trình phối hợp, hoàn thành Hồ sơ đề cử trình UNESCO, khẳng định nỗ lực, sự quyết tâm trong hợp tác, khai thác giá trị của Di sản chung.

Thời gian tới, UBND 3 tỉnh xem xét, chấp thuận về chủ trương và cấp kinh phí cho Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức khai quật khảo cổ học tại một số điểm di tích để bổ sung cơ sở khoa học, bằng chứng vật chất làm rõ giá trị của các địa điểm, di tích, phục vụ triển khai nghiên cứu, bổ sung xây dựng Hồ sơ Yên Tử.

3 tỉnh cũng sẽ huy động nguồn xã hội hóa cho các nội dung phát sinh trong quá trình xây dựng Hồ sơ; chú trọng bảo tồn nguyên trạng, không cấp phép nghiên cứu các dự án vào phần diện tích đã phát hiện khảo cổ, đồng thời chỉnh trang cảnh quan, đón các đoàn nghiên cứu.

3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương ký kết các biên bản thỏa thuận thực hiện nội dung hợp tác, trong đó có việc hoàn thành Hồ sơ khoa học Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử trình UNESCO. Nguồn: bacgiang.gov.vn

Ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương khẳng định: "Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với Quảng Ninh và Bắc Giang để sớm hoàn thiện hồ sơ. Chúng ta phải có cách làm, phương pháp cụ thể, chi tiết và rất quyết liệt. Nếu như được UNESCO công nhận thì đây thực sự là thành quả về văn hóa đã vượt khỏi không gian của một tỉnh, trở thành Di sản chung của nhân loại và đất nước, mà trong đó 3 tỉnh cùng nhau xây dựng, bảo vệ và giữ gìn."

Ngày 30/1/2021, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc) Việt Nam gửi Báo cáo tóm tắt đề cử “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử” (thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương) tới Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO để đề nghị xem xét, đưa vào Danh sách dự kiến lập Hồ sơ di sản thế giới.

Bản báo cáo này thay cho Báo cáo tóm tắt Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (thuộc địa bàn 2 tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang) đã được UNESCO đăng tải trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Di sản Thế giới.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và các cơ quan liên quan thực hiện các bước xây dựng Hồ sơ đề cử “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử” trình UNESCO xem xét, ghi vào Danh mục Di sản Thế giới theo quy định của Công ước Di sản Thế giới 1972 và pháp luật về di sản văn hóa.

Dự kiến, Hồ sơ lần 1 đề cử sẽ hoàn thiện trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 30/7; Hồ sơ lần 2 đề cử trình UNESCO thẩm định trước ngày 30/9 và Hồ sơ đề cử chính thức trình lên UNESCO Paris sẽ hoàn thiện trước ngày 31/12/2022.

Về vấn đề làm hồ sơ cho Di tích - Danh thắng Yên Tử, vị đại diện UNESCO tại Việt Nam chia sẻ: "Đây là quá trình rất dài, không chỉ vài tháng mà thậm chí là vài năm, vì đây là một bộ hồ sơ rất phức tạp. Như chúng ta đã biết, ở cấp cao đó thì phải đạt được một sự đồng thuận chung về các giá trị của hồ sơ di sản. Từ đó, ở dưới mức độ thấp hơn là các địa phương chúng ta mới có những bước đi cụ thể. Cũng từ đó, chúng tôi mới có thể có những gợi ý theo hướng hồ sơ về di sản văn hóa hay hồ sơ di sản thiên nhiên. Tôi cho rằng, các bạn cần tiếp tục có những nghiên cứu khoa học, mời các chuyên gia nghiên cứu theo những tiêu chí trong bộ 10 tiêu chí của UNESCO. Từ những nghiên cứu của các bạn, UNESCO sẽ sẵn sàng hỗ trợ các bước tiếp theo. Chúng tôi sẽ có tư vấn cụ thể".

Theo DLVN

Ngày cập nhật: 22/02/2022 Lượt xem: 776