Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Vùng đất con người Bắc Giang GẮN KẾT XƯƠNG GIANG - CHI LĂNG THÀNH ĐIỂM, VÙNG KINH TẾ DU LỊCH

GẮN KẾT XƯƠNG GIANG - CHI LĂNG THÀNH ĐIỂM, VÙNG KINH TẾ DU LỊCH

Nằm trong hệ thống các tuyến điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn. Xương Giang - Chi Lăng là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách muốn tìm hiểu khám phá về Du lịch lịch sử văn hoá và sinh thái tâm linh. Tuy nhiên những dấu hiệu khả quan, đáng mừng của hoạt động du lịch tại Xương Giang - Chi Lăng còn rất hạn chế và khiêm tốn so với tiềm năng du lịch ở những vùng đất này. Vậy làm thế nào để xây dựng Xương Giang - Chi Lăng thành điểm, vùng kinh tế du lịch thu hút khách tham quan đáp ứng yêu cầu đặt ra cho hướng hoạt động và phát triển kinh tế du lịch tại hai địa địa phương này.

Chi Lăng- Xương Giang những điểm du lịch về nguồn
Chi Lăng là huyện nằm ở phía nam tỉnh Lạng Sơn, phía Tây giáp huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) và huyện Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang nằm trên đường quốc lộ 1A cách thành phố Bắc Giang 50 km và cách thủ đô Hà Nội 106 km. Chi Lăng là một địa danh nổi tiếng, miền danh thắng của Tổ quốc, vùng đất có ý nghĩa văn hoá lớn. Nơi đây có núi Mã Yên (núi Yên Ngựa) khắc ghi dấu ấn lịch sử gắn liền với cái chết của tướng nhà Minh là Liễu Thăng.Tên núi khơi dậy niềm tự hào về chiến thắng Chi Lăng-Xương Giang năm xưa. Với địa thế hiểm yếu, qua bao nhiêu triều đại, Ải Chi Lăng là phên dậu đầu tiên trấn giữ kinh thành Thăng Long, gắn liền với lịch sử chiến tranh vệ quốc hào hùng với những chiến công vang dội của dân tộc Việt Nam chống lại sự xâm lược của các triều đại phong kiến phương Bắc. Sử sách còn ghi, tại Ải Chi Lăng, năm 981 Lê Hoàn đã phá quân Tống giết chết tướng cầm đầu. Năm 1076, Thái úy Lý Thường Kiệt chỉ huy quân và dân Đại Việt lập phòng tuyến đánh địch dọc sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay). Tại Ải Chi Lăng, Thái úy cũng bố trí quân mai phục do thủ lĩnh Thân Cảnh Phúc chỉ huy đã chặn đánh 30 vạn quân Tống do tướng Quách Quỳ cầm đầu. Tại đây chánh tướng Quách Quỳ và phó tướng Triệu Tiết của nhà Tống phải “vỡ mật”, “giập gan” chạy thoát thân về quê cha đất tổ vẫn không tin mình còn sống. Năm 1285, quân Nguyên kéo sang xâm lược nước ta lần thứ hai. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thân chinh đến Ải Chi Lăng khảo sát và lập trận đồ để đánh phủ đầu quân giặc. Cũng ở đây, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng chạy trốn, bỏ mặc hai tướng Lý Hằng, Lý Quán và hàng vạn binh lính bỏ xác nơi cửa tử này. Thế kỷ 15, ải Chi Lăng lại ghi vào lịch sử Việt Nam một trang chói lọi. Năm 1427, Lê Lợi Nguyễn Trãi lại chọn Chi Lăng làm trận chiến khi quân Minh tràn vào nước ta. Tướng Lê Lựu của ta giao chiến, vừa đánh vừa lui để nhử Liễu Thăng lọt vào trận địa mai phục. Khi địch ào ạt tiến qua Ải Chi Lăng, tổng chỉ huy Lê Sát phát lệnh, các tướng Lê Vấn, Lê Nhân Chú, Đại Huề… và quân mai phục từ tứ phía tràn ra chém đầu nguyên soái Liễu Thăng ngay trên Ải Chi Lăng, kết thúc trận đánh thần kỳ, khiến đạo quân cứu viện hùng hậu của quân Minh bị hoang mang, suy sụp, mất sức chiến đấu và tới đầu tháng 11 năm 1427 thì bị vây đánh, tiêu diệt bắt sống toàn bộ ở Xương Giang, giải phóng đất nước. Ải Chi Lăng từ lâu được nhiều quan khách quốc tế, nhà sử học, khách du lịch... đến thăm với một sự trân trọng đặc biệt. Ngày nay Ải Chi Lăng là một di tích lịch sử có phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ nên du khách qua đây ai cũng phải dừng chân. Đến thăm Ải Chi Lăng, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp, địa thế hiểm trở với chiến lũy hình thang độc nhất trên thế giới mà còn cảm nhận được trí tuệ và lòng quả cảm của dân tộc Việt Nam trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Năm 1962, khu di tích lịch sử Chi Lăng được nhà nước xếp hạng nhằm bảo vệ dấu tích chiến thắng, cảnh quan thiên nhiên.
Di tích Địa điểm Chiến thắng Xương Giang tại thành Xương Giang, thuộc thành Phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử sống động nhất hiện còn về cuộc khởi nghĩa chống quân Minh của nhân dân ta thế kỷ 15. Xương Giang là tên toà thành cổ do quân Minh xây dựng vào thế kỷ 15 (1407). Sau khi xâm lược nước ta, nhà Minh đã cho xây dựng các sở vệ, đắp thành lũy ở những nơi xung yếu để phòng thủ. Xương Giang khi đó trở thành thành lũy kiên cố, án ngữ trên con đường dịch trạm từ Quảng Tây (Trung Quốc) nối với Đông Quan (Hà Nội). Cùng với nhiều địa danh khác như: Chi Lăng, Cần Trạm, Hố Cát... thành Xương Giang đã trở thành trung tâm diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược. Đặc biệt, nơi đây diễn ra 2 chiến thắng lớn của nghĩa quân Lam Sơn: Lần thứ nhất là trận công thành Xương Giang tháng 9 năm 1427. Lần thứ hai là trận quyết chiến chiến lược Chi Lăng-Xương Giang tháng 11 năm 1427. Địa điểm Chiến thắng Xương Giang gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp của Hoàng đế Lê Lợi và quân sư Nguyễn Trãi cùng các vị tướng lĩnh trực tiếp chỉ huy tham gia trận đánh Xương Giang, các anh hùng nghĩa sỹ nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược.

Địa điểm Chiến thắng Xương Giang là khu di tích tiêu biểu lưu giữ các chứng tích văn hoá vật chất của một giai đoạn lịch sử đặc biệt và đầy biến động trong lịch sử Việt Nam. Hiện nay, khu di tích có 12 địa điểm ghi dấu sự kiện lịch sử đó là: Khu trung tâm thành Xương Giang, đoạn sông Xương Giang; Giếng Phủ; các mốc cửa thành phía Bắc, cửa Đông Bắc, cửa Đông, cửa Nam, cửa Tây Nam, hố khai quật số 2, hố khai quật số 3, dấu vết tường thành phía Đông thành Xương Giang, Đền Thành... các tài liệu, hiện vật còn lưu giữ được ở đây khá phong phú, minh chứng cho lịch sử đấu tranh oanh liệt của dân tộc ở thế kỷ XV. Đặc biệt, kết quả khai quật khảo cổ học năm 2008 đã phát hiện tại đây có dấu tích những công trình kiến trúc, dinh thự của tầng lớp quan lại cao cấp của quân đội nhà Minh, những mộ táng, đồ gốm men cao cấp của Trung Quốc như bát, đĩa men ngọc thế kỷ 15 và một số đồ gia dụng của Việt Nam như gốm men lam thế kỷ 15, các vật liệu như gạch, ngói…
Nhằm phát huy giá trị của di tích Chiến thắng Xương Giang, năm 2017 UBND thành phố Bắc Giang đã xây dựng đền Xương Giang thờ Lê Lợi, Nguyễn Trãi và tướng sỹ, nghĩa quân Lam Sơn. Hiện nay, di tích Địa điểm Chiến thắng Xương Giang là trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa gắn với đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang và nhiều địa phương khác. Hằng năm, lễ hội Xương Giang diễn ra trong hai ngày 6 và 7 tháng Giêng tại khu trung tâm thành Xương Giang. Đây là lễ hội lịch sử mở đầu cho chuỗi lễ hội xuân trên địa bàn thành phố Bắc Giang. Năm 2019, Địa điểm Chiến thắng Xương Giang tại thành Xương Giang được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
Xây dựng Chi Lăng- Xương Giang thành điểm, vùng kinh tế du lịch
Chi Lăng- Xương Giang, hai địa điểm di tích không chỉ có giá trị về sự kiện lịch sử mà còn có vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên. Mỗi địa danh, thành luỹ, hòn đá, ngọn núi, lòng sông đều ghi lại những dấu vết lịch sử. Tên mỗi địa danh đều hàm chứa một truyền thuyết gắn liền với cuộc chiến oanh liệt của quân và dân ta qua các thời kỳ lịch sử chống ngoại bang xâm lược. Chi Lăng - Xương Giang là những điểm đến có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang. Tiềm năng đặc biệt có thể khai thác cho hoạt động du lịch phải kể đến là giá trị di sản thể hiện qua các di tích lịch sử văn hoá, hệ thống các công trình tôn giáo tín ngưỡng ở hai địa phương như: Ải Chi Lăng, cảnh quan thiên nhiên và hàng chục địa danh khác đã đi vào lịch sử của của đất nước như thung lũng Chi Lăng, núi Phượng Hoàng, Mã Yên Sơn, hang Thái Đức, núi Vua Ngự, Lũng Ngàn, hố Bẫy Ngựa, ngõ Thề, thành cổ Chi Lăng, Liễu Thăng thạch, Quỷ Môn Quan, Vọng Tiền Tiêu, Bảo Đài Sơn, Bầu Quán, Quỷ Môn Quan (ở Chi Lăng- Lạng Sơn)…Địa điểm Thành Xương Giang, Cần Trạm, Hố Cát…(Bắc Giang). Tiềm năng du lịch của hai địa phương không chỉ nằm ở các di tích lịch sử, địa danh thành ải, cảnh quan thiên nhiên mà còn ở miệt vười trái cây với những ngàn na, táo, bưởi, vải thiều… hấp dẫn du khách. Mặt khác lại có đường giao thông thuận lợi kết nối giữa Lạng Sơn với Bắc Giang- Bắc Ninh và thủ đô Hà Nội.
Với tiềm năng du lịch sẵn có, nhưng trong những năm qua hoạt động du lịch tại Chi Lăng- Xương Giang còn rất khiêm tốn. Có thể nhận thấy những nguyên nhân còn hạn chế như điều kiện ăn ở, trang thiết bị hỗ trợ và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách khi đến với Chi Lăng- Xương Giang. Để xây dựng Chi Lăng- Xương Giang thành điểm- vùng kinh tế du lịch thiết nghĩ cần phải có kế hoạch nâng cấp, tu bổ các di tích đồng thời phối hợp với các ngành, các tổ chức trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh việc xây dựng, hình thành tuyến du lịch trên địa bàn huyện, thành phố của hai địa phương trong đó điểm nhấn là hệ thống di tích Chi Lăng- Xương Giang. Khai thác thế mạnh sản phẩm du lịch tại hai địa phương có tính độc đáo đặc trưng riêng như địa hình tự nhiên gắn với sự kiện lịch sử, đặc biệt là sự kiện chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang chống quân Minh năm 1427, di sản văn hoá dân gian địa phương, phong tục của đồng bào các dân tộc….
 
Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch tại Xương Giang-Chi Lăng, đặc biệt là khai thác loại hình di tích lịch sử văn hoá, du lịch sinh thái tâm linh cùng các loại hình du lịch phụ trợ khác không thể thiếu sự liên kết du lịch vùng nhất là kết nối các tuyến, điểm du lịch với các vùng. Cụ thể kết nối giữa Chi Lăng (Lạng Sơn) với các điểm di tích Cần Trạm, Hố Cát, Xương Giang (Bắc Giang), kết nối khu du lịch sinh thái hồ Cấm Sơn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang)…Theo đó có thể xây dựng, hình thành các hành trình di sản văn hoá- tuyến tour du lịch Bắc Giang- Lạng Sơn hoàn chỉnh để khai thác liên hoàn, phục vụ nhiều đối tượng du khách với nhiều nhu cầu đa dạng khác nhau.
Tuyên truyền, đẩy mạnh xã hội hóa công tác tôn tạo, trùng tu, khuyến khích các hoạt động lễ hội, văn hóa, thể thao và khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng của Xương Giang- Chi Lăng để phát triển các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái. Các sản phẩm du lịch văn hóa ở Xương Giang-Chi Lăng sẽ tạo được sức hút lớn với du khách và thực sự trở thành một hướng phát triển kinh tế mới của địa phương. Thống kê các tài nguyên du lịch sẵn có, có khả năng đáp ứng nhu cầu của du khách. Xác định các giá trị để tạo hệ thống phân điểm du lịch làm cơ sở kết nối tạo điểm cho chương trình du lịch bền vững tại Xương Giang - Chi Lăng. Bên cạnh những tài nguyên du lịch sẵn có với cách khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên du lịch địa phương cũng cần hình thành các sản phẩm du lịch, dịch vụ ăn nghỉ, vui chơi, giải trí và trang thiết bị hỗ trợ như nhà hàng, ngân hàng, cửa hàng mua sắm … để thu hút khách tạo nên sự hấp dẫn cho du khách khi đến Xương Giang-Chi Lăng nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Với địa thế của mình, Chi Lăng – Xương sẽ thu hút du khách nhiều hơn nếu liên kết được tất cả điểm di tích của hai địa phương thành một tour khép kín, kết hợp tham quan các di tích lịch sử lẫn tìm hiểu văn hóa của đồng bào các dân tộc trong vùng. Bên cạnh đó kết hợp khai thác tuyến du lịch gắn với du lịch sinh thái, dựa vào các vùng sản xuất đặc trưng của vùng, nổi bật là các vườn cây ăn quả. Với giải pháp này, tại các điểm đến trong chuỗi hành trình, các du khách sẽ được tản bộ vào các vườn na, vườn cam, bưởi, vải thiều… cùng các sản vật khác để thưởng ngoạn và nếm thử các đặc sản của vùng Bắc Giang và Lạng Sơn.
Đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá, lễ hội truyền thống, bảo tồn phát huy các loại hình nghệ thuật đặc trưng, văn hoá dân gian của địa phương. Đặc biệt là các di tích trọng điểm cần đầu tư tốt hơn như Ải Chi Lăng, nhà trưng bầy chiến thắng Chi Lăng- Xương Giang, điểm di tích Cần Trạm, Hố Cát, thành Xương Giang, nhà trưng bày và biểu diễn nghệ thuật tại đền Xương Giang…Tận dụng các điều kiện tài nguyên du lịch tự nhiên, kết hợp phát triển du lịch văn hoá lịch sử, du lịch sinh thái tâm linh… tạo tính đa dạng cho sản phẩm du lịch. Kết nối với các điểm phụ cận tạo tuyến tham quan trong địa phương và các điểm du lịch vùng lân cận giúp phát triển du lịch đồng đều. Thành lập tuyến tham quan: Di tích Chi Lăng-Đền Chầu Năm - Chầu Lục- đền Quan Giám Sát- đền Mẫu Đồng Đăng…của tỉnh Lạng Sơn. Di tích Chi Lăng- thành Cần Trạm, Hố Cát, đền Xương Giang (Bắc Giang). Chi Lăng- Hồ Cấm Sơn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang)…/.
Bài: Đồng Ngọc Dưỡng, Ảnh: TTXTDL
Ngày cập nhật: 10/05/2021 Lượt xem: 1318