Được thành lập năm 2016, Hội Văn hóa quan họ Bắc Giang trở thành mái nhà chung của những người yêu thích và có khả năng biểu diễn, truyền dạy các làn điệu dân ca quan họ. Hoạt động tích cực và sáng tạo với các tiêu chí “mạnh về tổ chức, giỏi về chuyên môn, đẹp về lối sống”, Hội góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Thanh tao, thắm đượm tình người
Những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, tình tứ vốn được nhiều người yêu thích. Tuy vậy, trước đây, người yêu quan họ trong tỉnh ít có cơ hội được thể hiện, thỏa đam mê. Bởi vậy, năm 2016, Hội Văn hóa quan họ tỉnh Bắc Giang được thành lập với mục đích tập hợp những người có phẩm chất đạo đức, yêu thích và có khả năng sưu tầm, nghiên cứu, biểu diễn dân ca quan họ để cùng giao lưu, học hỏi, thực hành chuyên môn, kỹ năng biểu diễn, thiết thực phục vụ nhân dân.
Hội viên Câu lạc bộ Dân ca Thanh Giã (Lục Nam) biểu diễn quan họ tại chùa Thanh Giã. |
Khi mới thành lập, Hội có 14 câu lạc bộ (CLB) cơ sở với 125 hội viên thuộc các huyện, TP tham gia. Hằng năm, Hội tổ chức bồi dưỡng kiến thức về quan họ cho các nghệ nhân, giúp hội viên nâng cao hiểu biết về môn nghệ thuật truyền thống đã được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Định kỳ hằng tháng, các cấp hội tổ chức tập luyện, hướng dẫn kỹ năng biểu diễn quan họ cho hội viên; giao lưu giữa các CLB trong tỉnh; biểu diễn phục vụ nhân dân tại lễ hội, lễ kỷ niệm của địa phương và đất nước, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy, lan tỏa rộng rãi môn nghệ thuật này.
Qua 5 năm, đến nay, Hội đã có 26 CLB cơ sở với 439 hội viên; nhiều CLB hoạt động tích cực, hiệu quả. Đơn cử như CLB Dân ca quan họ Tình Quê (TP Bắc Giang) với 20 hội viên thường tổ chức tập luyện vào ngày Chủ nhật hằng tuần. Nơi tập luyện được bố trí tại nhà hội viên CLB. Ngoài tham gia các buổi tập huấn, đơn vị còn mời các nghệ nhân, nghệ sĩ giàu kinh nghiệm hướng dẫn các thành viên. CLB đầu tư trang phục đẹp và đầy đủ dụng cụ biểu diễn; mỗi năm tham gia hội diễn, giao lưu, phục vụ hội nghị, lễ hội trong và ngoài tỉnh hàng trăm cuộc. Trước mỗi cuộc hội diễn, các hội viên lại dành thời gian để tập luyện nhuần nhuyễn các tiết mục nên luôn giành giải cao.
Hội Văn hóa quan họ tỉnh đã trở thành mái nhà chung, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho những người yêu quan họ, để các liền anh, liền chị sau những giờ làm việc, lao động căng thẳng lại được đắm mình vào những làn điệu ngọt ngào. Hằng năm, các cấp hội tham gia gần 1,5 nghìn cuộc thi, hội diễn và biểu diễn, nhiều cá nhân, tập thể đoạt giải cao tại các hội thi, hội diễn hát quan họ cấp tỉnh… Chị Thanh Nhã, hội viên CLB Dân ca quan họ Tư Mại (Yên Dũng) từ nhỏ đã yêu thích những làn điệu quan họ nhưng ít có điều kiện học hỏi, biểu diễn mà thường hát ở nhà theo đài, ti vi.
Từ khi tham gia CLB, chị được các nghệ nhân, nghệ sĩ giỏi truyền dạy kinh nghiệm nên từng bước nâng cao hiểu biết về lối chơi, cách lấy hơi, luyến láy nhả chữ sao cho “vang, rền, nền, nảy”, câu ca mượt mà. Đến nay chị có thể hát được khoảng 30 bài quan họ, trong đó có một số bài hát khó. Chị từng đoạt giải cao tại một số liên hoan quan họ cấp tỉnh.
CLB Dân ca quan họ Dã Hương khen thưởng thiếu nhi có thành tích xuất sắc trong học hát quan họ. |
Theo NSƯT Văn Tân, Chủ tịch Hội, qua 5 năm hoạt động, Hội luôn quan tâm xây dựng đơn vị mạnh về tổ chức, giỏi về chuyên môn, đẹp về lối sống như tính cách nho nhã, nền nã của các liền anh, liền chị. Ngoài học hỏi, biểu diễn quan họ, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, mỗi đơn vị cơ sở, mỗi cán bộ, hội viên còn tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương, hoạt động từ thiện, nhân đạo đồng thời xây dựng gia đình hạnh phúc, hoà thuận. Các cấp hội có hơn 30 cặp vợ chồng cùng là hội viên, tích cực tham gia hoạt động của Hội.
Gìn giữ, truyền dạy cho đời sau
Để gìn giữ, bảo tồn dân ca quan họ, Hội quan tâm phát hiện tài năng trẻ để đào tạo các thế hệ kế tiếp. Trong nhiệm kỳ, các cơ sở hội đã truyền dạy cho 141 thiếu niên nhi đồng. Bên cạnh khơi dậy đam mê, niềm yêu thích của thế hệ trẻ với dân ca quan họ cũng như nghệ thuật truyền thống, các cán bộ, hội viên đã giúp các em thuộc và hát nhiều bài quan họ đặc sắc.
Với sự tích cực truyền dạy của các cơ sở hội, nhiều thanh thiếu nhi đã nâng cao kỹ năng biểu diễn quan họ và mạnh dạn tham gia các hội thi, liên hoan hoặc biểu diễn tại các chương trình nghệ thuật của địa phương. Riêng năm 2019, đã có 61 em tham gia Liên hoan Giọng hát quan họ nhí cấp tỉnh, đoạt nhiều giải thưởng, trong đó 13 giải A.
Được sự đồng thuận, ủng hộ của ngành Văn hóa và các cấp chính quyền, Hội Văn hóa quan họ Bắc Giang đang phối hợp xây dựng 10 làng quan họ tại các huyện Hiệp Hòa, Lạng Giang, Yên Dũng và TP Bắc Giang. |
Một trong những nôi truyền dạy quan họ cho thế hệ trẻ là CLB Dân ca quan họ Dã Hương (Lạng Giang). CLB có 22 hội viên, trong nhiệm kỳ đã truyền dạy cho 58 thanh thiếu nhi, giúp các em có thể hát nhuần nhuyễn từ ba bài quan họ trở lên. Không chỉ tổ chức những nhóm học 5-7 em nhỏ, Ban Chủ nhiệm CLB còn phối hợp với trường tiểu học mở lớp dạy hát quan họ cho 30 học sinh; đồng thời vận động xây dựng làng văn hóa quan họ tại làng Bừng, xã Tân Thanh. Theo bà Nguyễn Thị Lương, Chủ nhiệm CLB, bằng tâm huyết và tinh thần trách nhiệm, cán bộ, hội viên đã truyền cho các cháu nhỏ niềm yêu thích, đam mê quan họ, qua đó kiên trì luyện tập.
Thời gian qua, Hội phối hợp với các cấp chính quyền tổ chức các hoạt động, sinh hoạt dân ca quan họ, hướng dẫn truyền dạy, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương trong tỉnh, góp phần xây dựng nhiều làng quan họ.
Được sự đồng thuận, ủng hộ của ngành Văn hóa và các cấp chính quyền, Hội đang phối hợp xây dựng 10 làng quan họ tại các huyện Hiệp Hòa, Lạng Giang, Yên Dũng và TP Bắc Giang. Đây là những làng có đình, chùa, miếu, ao hồ, có tổ chức hát quan họ trong lễ hội hoặc biểu diễn quan họ trên thuyền, có ba thế hệ tham gia hát… Những nơi này sẽ tiếp tục được Hội hỗ trợ truyền dạy, tổ chức các hoạt động để góp phần gìn giữ, lan tỏa làn điệu quan họ - di sản văn hóa của quê hương.