Thông tin du lịch Bắc Giang

Huyền thoại dải Nham Biền

Nham Biền, dải núi được ví như chiếc đòn gánh, gánh hai dải bạc Nhật Đức và Nguyệt Đức (dòng sông Thương và sông Cầu). Điểm khởi đầu từ địa phận xã Xuân Phú, với 99 ngọn nhấp nhô chạy dài qua các xã: Tân Liễu, Nham Sơn, Tiền Phong, Yên Lư (Yên Dũng) tới bờ nam sông Cầu thuộc địa phận xã Vân Trung, huyện Việt Yên. Từ thủa khai thiên lập địa,tạo hoá đã ban tặng cho thắng tích nơi đây cảnh đẹp không đâu có được. Dải Nham Biền không chỉ mang lại cảnh quan sinh thái mà còn trở đầy huyền tích, huyền thoại về vùng đất con người Bắc Giang.
Truyền thuyết về vùng đất đế đô: Truyện kể rằng, xưa kia có một vị vua khai sáng đi tìm đất lập đế đô. Khi đến vùng đất này thấy núi sông cảnh đẹp, con người cần cù, chịu khó. Đúng là nơi đắc địa, hội tụ đủ yếu tố thiên thời, địa lợi nhân hoà nên có thể chọn làm kinh đô. Một ngày kia có 100 con chim phượng hoàng bay qua dãy Nham Biền đậu trên 99 ngọn núi, con chim đầu đàn bay lượn mãi mà không tìm được chỗ đậu nên bay đi. 99 con phượng hoàng còn lại thấy con chim đầu đàn bay đi nên cũng bay đi theo mất. Nhà vua chứng kiến cảnh này biết mưu sự việc lớn không thành nên cũng bỏ đi tìm vùng đất khác định đô. Người đời sau nghe tiền nhân truyền lại cũng thấy nuối tiếc nên gọi đất quê mình là “đất phượng hoàng bay”.
Dải Nham Biền 99 ngọn, mỗi ngọn núi đều mang một tên riêng hàm chứa đầy huyền tích lịch sử như núi Non Vua, núi Vua Bà, núi Ông Lão, núi Bành Kiệu, núi Cột cờ, núi Hàm Long, núi Voi, núi Mâm Xôi…Trên đỉnh Non Vua còn có bàn cờ tiên trên đá, lại có giếng tiên nước trong vắt quanh năm không cạn. Tương truyền xưa kia có mười một nàng tiên nữ thường ngày hay xuống núi Nham Biền ngắm cảnh đẹp và chơi cờ trên khối đá này.
Thời Hùng vương dựng nước, vùng núi Nham Biền có vị trí chiến lược quân sự quan trọng được Cao Sơn và Quý Minh những vị tướng kiệt xuất của vua Hùng chọn làm nơi mai phục chinh chiến để bảo vệ cương vực quốc gia. Sau khi đất nước thanh bình, các ông đã xin phép vua cha đến định cư ở nơi này vừa để bảo vệ lãnh thổ quốc gia vừa là khai khẩn đất hoang dạy dân cách làm ăn sinh cư lập nghiệp. Nhớ đến công lao của các vị, cư dân xứ Bắc đều tôn thờ các ông làm thành hoàng làng.
Thời kỳ kháng chiến chống quân Tống xâm lược, núi Nham Biền cũng là địa bàn chiến lược quan trọng ở phía nam chiến tuyến Như Nguyệt (sông Cầu). Khi Quách Quỳ đem quân đánh chiếm Đại Việt, nhiều trận chiến ác liệt diễn ra dưới khu vực núi Nham Biền như vùng: Kem, Nham Sơn, Khao Túc. Trận Khao Túc diễn ra vào năm 1076, quân Tống nhận thấy Nham Biền là địa bàn hiểm yếu, chúng đã tổ chức chiếm đóng trên núi Cáu để làm bàn đạp phá chiến tuyến Như Nguyệt (theo sách Đàm Phố của Tôn Thăng thời này phía Đông Bắc và Nam Yên Dũng gọi là Khao Túc). Phía nam bên kia sông Như Nguyệt là căn cứ của thuỷ quân Đại Việt do hai hoàng tử Hoàng Chân và Chiêu Văn chi huy. Năm 1077, Lý Thường Kiệt tổ chức phản công vào toàn bộ đội hình của quân giặc. Hai hoàng Tử Hoàng Chân và Chiêu Văn chỉ huy đưa toàn bộ thuỷ quân vượt qua bến Trúc Tay tiến vào Khao Túc. Khi vừa lên bờ, quân ta đã tiêu diệt đội quân tiền tiêu của địch và tấn công vào các vị trí giặc chiếm đóng khắp vùng Nham Biền. Trong một tình thế bất lợi, giặc phản công hai Hoàng tử Hoàng Chân và Chiêu Văn đã bị hy sinh. Tuy nhiên quân dân Đại Việt vẫn lập chiến công vang dội ở vùng Nham Biền tạo thời cơ để Lý Thường Kiệt phá tan quân Tống ở phòng tuyến Như Nguyệt và chiến trường Mai Đình, buộc quân Tống phải rút về nước.
Thời nhà Trần, vùng Nham Biền thuộc xã Nham Sơn ngày nay là điền trang thái ấp của thái sư Trần Thủ Độ. Tương truyền, núi Bành Kiệu, núi Non Vua là nơi Trần Thủ Độ đặt kiệu để rước vua về đây xem ông đánh rắn thần trừ tai hoạ cho nhân dân. Ngày nay đền Thanh Nhàn, đình Đông Hương và nhiều di tích khác dọc ven chân núi Nham Biền đều thờ quan Thái sư Trần Thủ Độ và Linh Từ quốc Mẫu Trần Thị Dung. Ngày hội làng Cáu (Đông Hương) xã Nham Sơn còn diễn lại tích trò “múa bông đuổi bệt” ôn lại sự tích Trần Thủ Độ đánh rắn bảo vệ nhân dân ở vùng đất này.
Thời thuộc Pháp, Nham Biền là địa bàn đóng quân của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám chống lại giặc Pháp. Phía sau chùa Kem thuộc chân núi Nham Biền hiện nay còn nền móng phế tích của Nhà quan, giếng quan, tường thành của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. Núi Cột Cờ trên dải Nham Biền là nơi Hoàng Hoa Thám dựng cờ khởi nghĩa. Sau khi tập kích bắn cháy tàu chiến Pháp trên sông Cầu, Nguyễn Cao cũng rút quân về đóng tại núi Cột Cờ. Còn nhiều huyền thoại về dải Nham Biền mà chưa thể kể hết. Trở về Yên Dũng hôm nay, thăm thiền viện Trúc Lâm Phương Hoàng và nghe huyền thoại về dải Nham Biền có lẽ là tour du lịch hấp dẫn cho nhiều du khách khi đến Bắc Giang.
Đồng Ngọc Dưỡng - Bảo tàng tỉnh
Ngày cập nhật: 27/10/2020 Lượt xem: 965