Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Vùng đất con người Bắc Giang Kết nối di tích để phát triển du lịch

Kết nối di tích để phát triển du lịch

Xuân về để cho Tết đến. Trong không khí nồng nàn của mùa xuân và trống hội, thêm một lần cơ hội để Tân Yên giới thiệu quảng bá địa phương mình với du khách và cũng là một lần nhìn lại du lịch của địa phương.
Huyện Tân Yên có 20 xã, 2 thị trấn và có số lượng di tích khá lớn. Theo thống kê của ngành văn hóa trên địa bàn huyện có 431 di tích, trên 164 lễ hội. Trong số này có 95 di tích và cụm di tíchtrong đó có 12 cụm di tích gồm 15 di tíchQuốc gia đặc biệt nằm trong 23 di tích của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, 6 di tích xếp hạng quốc gia, 75 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Ở góc nhìn về Du lịch thì kho tàng di sản gồm loại hình vật thể, phi vật thể cùng hệ thống di tích thiên nhiên, lịch sử, văn hóa ở Tân Yên là nguồn tài nguyên. Du lịch chỉ có thể phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên đó. Với Tân Yên đã làm du lịch chưa. Công bắng mà nói, hơn chục năm trước chương trình phát triển du lịch đã được khởi động. Nhưng đến nay đã có du lịch chưa. Đánh giá thực chất thì là chưa vì tuy có số lượng di tích khá lớn, nhưng hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức độ thăm viếng, chủ yếu vào dịp đầu xuân sau đó hầu hết các di tích này đều đóng cửa. Manh nha hình thành một số tua du lịch nhưng èo ợt. Du lịch chưa trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của địa phương.

Thử nghiệm một tua du lịch về các Di tích Quốc gia đặc biệt trên địa bàn huyện Tân Yên. Theo Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích lịch sử: Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế là Di tích quốc gia đặc biệt. Có 23 di tích và cụm di tích được công nhận nằm trên địa bàn 4 huyện liền kề nhau: Yên Thế, Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng của tỉnh Bắc Giang.Trong đó Tân Yên có 12 cụm với 15 di tích. Chiếm tới hơn 1 nửa. Đó là Đình, chùa Hả xã Tân trung. Điểm di tích này cực kỳ quan trọng vì trong Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế đây là nơi Đề Nắm đã làm lễ tế cờ, chính thức phát động cuộc khởi nghĩa và cũng là quê hương của Lương Văn Năm – Vị thủ lĩnh đầu tiên của cuộc khởi nghĩa. Khu lưu niệm danh nhân Hoàng Hoa Thám tại làng Trũng, xã Ngọc Châu. Điểm di tích này là nơi Hoàng Hoa Thám cư ngụ thời niên thiếu và trưởng thành. Đồ rằng khi mất Thống Luận đã đưa vị Chủ tướng của mình về đây chôn cất. Tại đây hiện có đình, đền, chùa, điếm, cố trạch và phần mộ người thân của Hoàng Hoa Thám. Đình Cao Thượng tại thị trấn Cao Thượng, cửa ngõ vào vùng Yên Thế xưa. Nơi đã diễn ra những trận đánh ác liệt làm nổi danh tên tuổi của các ông đề, ông Đốc và Nghĩa quân Yên Thế. Ngoài ra là Cụm di tích Cầu Vồng, xã Song Vân nơi lưu truyền câu phương ngôn xứ Bắc nổi tiếng Trai Cầu Vồng Yên Thế. Đình Dương Lâm xã An Dương nơi Đề Thám gửi con học hành và là địa điểm nghĩa quân họp bàn kế đánh Tây.Đình Nội xã Việt Lập lưu truyền việc Đề Thám giúp dân bắn đình. Đình làng Chuông ở làng Chuông Nhã Nam quê của Dường Văn Truật tức Đề Truật – 1 trong 7 tướng tài của Nghĩa quân Yên Thế. Đền Gốc Khế, Chùa Phố tại Nhã Namnơi hoạt động của nhiều tướng lĩnh của nghĩa quân. Đền thờ Cả Trọng (đền Gốc Dẻ) là ngôi đền đầu tiên thờ Cả Trọng - con trai cả của Đề Thám và cũng là một vị chỉ huy tài giỏi của nghĩa quân.Ao Chấn Ký là nơi thực dân Pháp thả tro cốt đầu Hoàng Hoa Thám và hai thủ hạ thân tín của ông.Nghĩa địa Pháp, đồi Phủ - nơi chôn cất những lính Pháp, Việt (theo Pháp) chết trận khi giao chiến với nghĩa quân Yên Thế. Đồi Phủ là địa điểm tập kết của quân Pháp cho các cuộc hành binh cũng là nơi hai lần chứng kiến sự kiện liên quan đến hai cuộc hoà hoãn giữa thực dân Pháp và Đề Thám. Đó là chưa kể 1 số các di tích khác liên quan đến cuộc khởi nghĩa này, trong đó có Đồi Ngàn Ván xã An Dương nơi diễn ra trận đánh cuối cùng của Hoàng Hoa Thám. Có thể nói Tân Yên có những điểm di tích cực kỳ quan trọng và rất có ý nghĩa đối với Khởi Nghĩa Nông dân Yên Thế, với Đề Nắm, Đề Thám hai vị thủ lĩnh tối cao.
Nhưng trong 15 Di tích Quốc gia đặc biệt của Tân Yên, có đến 2 di tích là: Ao ông Chấn Ký, Nghĩa địa pháp chỉ còn cái tên. Đồi Phủ bao năm vẫn chỉ là 1 quả đồi trống trơ trụi. Đền Đức Trọng xuống cấp. Sự kết nối của các di sản này là khá rời rạc vì không có những câu chuyện có đầu có cuối để kể. Trong khi các câu chuyện kể chính là để kết nối, móc xích các di tích lại với nhau. Hơn thế, giá trị của những câu chuyện phía sau mỗi di tích, di sản sẽ làm cho du khách hiểu hơn về điểm di tích, khơi gọi sự tò mò cần tìm hiểu và làm cho họ cảm thấy mình đang tham dự vào sinh hoạt của cộng đồng. Bên cạnh đó, đến nay với các điểm di tích liên quan đến Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế tại Tân Yên hầu như không có các hiện vật liên quan trực tiếp tới cuộc khởi nghĩa. Vô hình chung các đình chùa đền miếu ở đây nó cũng đều đều, bằng bằng như các đình chùa đền miếu chỗ khác mà không có gì nổi trội, ấn tượng để nói, để nhớ. Như đã nói: Kho tàng di sản gồm loại hình vật thể, phi vật thể cùng hệ thống di tích thiên nhiên, lịch sử, văn hóa là nguồn tài nguyên của du lịch. Tiềm năng Tân Yên không thiếu, nhưng trong những năm qua, ngoại trừ Di tích Đề Truật đã được nhân dân địa phương xây dựng lại thì Tân Yên rất hạn chế trong việc tìm hiểu bổ xung thêm các điểm di tích liên quan đến Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế. Đặc biệt thiếu là mảng Làng chiến đấu – di sản của Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế, tập trung tại Yên Thế hạ. Do đó, tuy là đất phát tích của Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế nhưng không tạo được thu hút, ngay cả vào mùa lễ hội du khách đến thăm viếng tìm hiểu cũng không nhiều và kém xa Yên Thế, nơi chỉ có 9 điểm Di tích QGĐB liên quan đến Khởi nghĩa này.
Ở một góc độ khác. Mấy năm qua Tân Yên đã xây dựng và cắm hệ thống các tấm bảng, biển đề tên, chỉ đường vào các di tích. Nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó. Bản thân những tấm biến này cần chi tiết hơn. Cần đính kèm với những thông tin tối giản nhất để du khách có thể hiểu, đây là di tích gì. Liên quan đến ai. Thời nào. Thiếu thông tin, thiếu tính liên kết giữa các điểm di tích, giữa các địa phương, hoặc chỉ mang tính địa phương cục bộ nên không phát huy hết giá trị di tích. Thêm vào đó cầu nối giữa các di tích với du khách tham quan là đội ngũ Hướng dẫn viên du lịch. Cả huyện Tân Yên hiện nay có 2 hướng dẫn viên nhưng trình độ còn hạn chế, sự hiểu biết mới chỉ tập trung vào 1 số điểm di tích nhất định. Trong khi tại cơ sở ban quản lý di tích phần do lớn tuổi, phần do không được đào tạo chuyên môn về lĩnh vực văn hóa lịch sử nên ngại nói về di tích đó nên du khách có đến cũng chỉ nhìn ngó, chiêm bái rồi đi. Với hệ thống các điểm di tích QG đặc biệt còn thiếu và yếu như vậy, các điểm di tích khác chưa thể nói lên được điều gì và du lịch ở Tân Yên vẫn chỉ ở tiềm năng. Đây cũng là thiệt thòi cho Tân Yên vì khi hoạt động du lịch phát triển, nó sẽ là cầu nối hữu hiệu giúp quảng bá, phát huy giá trị di tích, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, từ đó giới thiệu hình ảnh, văn hóa Tân Yên tới công chúng.
Tân Yên có lợi thế khi có nhiều di tích LSVH, đặc biệt là cái nôi của Phong trào Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế. Cho nên, trên nền tổng thể, ngành văn hóa huyện Tân Yên cần có cái nhìn tổng quan, có chiến lược cụ thể hơn trong công tác phát triển du lịch. Để có thể phát triển du lịch trước hết cần củng cố lại hệ thống di tích, đặc biệt là các di tích liên quan đến Cuộc Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế, nhất là các di tích về các ông đề, ông Đốc, núi Châu, làng chiến đấu ở Quế Nham, Cao Thượng, Liên Sơn, Tân Trung, núi Ngàn Ván nơi diễn ra trận đánh cuối cùng của Đề Thám. Xây dựng hệ thống chuyện kể để kết nối hệ thống di tích này. Đẩy mạnh công tác truyền thông, định hướng, nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường du lịch. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng phong trào ứng xử văn minh thân thiện với du khách, giữ gìn trật tự trị an, vệ sinh môi trường. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa và nên linh hoạt trong quá trình tìm nguồn kinh phí để tu bổ di tích. Có cơ chế cho doanh nghiệp, các mạnh thường quân như giảm thuế kinh doanh, thuế thu nhập một phần nếu họ có những đóng góp trực tiếp cho việc tu bổ di tích, mua di vật hiến tặng vào di tích, tránh ỷ lại dựa dẫm vào nguồn ngân sách. Di sản là tài nguyên du lịch không thể thay thế, cho nên phải giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa bảo tồn di tích và phát triển du lịch theo hướng bền vững, tôn trọng di sản gốc. Đẩy mạnh liên kết với các huyện trong tỉnh, đặc biệt là Tân Yên – Yên Thế hình thành các tour, tuyến du lịch chung. Có như vậy mới có thể sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả và nhân văn nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa mà cha ông để lại và đưa du lịch dần trở thành ngành kinh tế, gắn phát triển du lịch với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Tân Yên. 
 Châu Giang
Ngày cập nhật: 16/03/2021 Lượt xem: 631