Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Vùng đất con người Bắc Giang Khai thác tiềm năng du lịch vùng sông Lục, núi Huyền

Khai thác tiềm năng du lịch vùng sông Lục, núi Huyền

Với nhiều lợi thế để phát triển du lịch, thời gian qua, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã có nhiều cách làm để dần đưa ngành du lịch ngày càng tương xứng với tiềm năng và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế.

Những ngày này, các công nhân Công ty cổ phần Xây dựng Đáp Cầu, đơn vị thi công tuyến đường nối từ đình Tam Sơn đi Trạm soát vé Khu Du lịch sinh thái Suối Mỡ đang tích cực triển khai các hạng mục để sớm hoàn thành công trình. Tuyến đường này có chiều dài gần 700 m, rộng hơn 10 m kinh phí đầu tư hơn 9,9 tỷ đồng. Được biết, đây là một trong số hàng chục công trình đường kết nối phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn đang được huyện đầu tư xây dựng.

Du khách đến Khu Du lịch sinh thái Suối Mỡ. Ảnh: Công Doanh.

Du khách đến Khu Du lịch sinh thái Suối Mỡ. Ảnh: Công Doanh.

Đồng chí Dương Công Định, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trên cơ sở định hướng phát triển du lịch của tỉnh, từ đầu nhiệm kỳ, BTV Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 26 về "khuyến khích và thu hút đầu tư đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ngành du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; đưa ngành du lịch ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, nhiệm kỳ 2020-2025". 

Căn cứ vào các mục tiêu của Nghị quyết, huyện đã tranh thủ nguồn lực để nâng cấp, cải thiện hạ tầng cơ sở giúp thay đổi, làm đẹp cảnh quan, kết nối thuận tiện giữa các khu, điểm du lịch. Trong đó tập trung trọng điểm hạ tầng khu du lịch tâm linh sinh thái với các công trình theo "Con đường bộ hành của Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử"; chùa Bình Long, xã Huyền Sơn; Khu Du lịch sinh thái Suối Mỡ, xã Nghĩa Phương... Đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án xây dựng các tuyến đường kết nối tới điểm du lịch như: Đền Thần Nông, xã Cẩm Lý; hồ Suối Nứa, xã Đông Hưng...

Quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án sân Golf và nghỉ dưỡng Bắc Giang tại các xã: Chu Điện, Yên Sơn, Khám Lạng, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển KT - XH, mở ra các cơ hội quảng bá và thu hút đầu tư kinh doanh vào huyện.

Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế về địa hình, những năm gần đây, địa phương còn khuyến khích xây dựng làng văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng như: Du lịch cộng đồng nghỉ dưỡng homestay tại thôn Vĩnh Ninh, xã Lục Sơn; thôn Dùm, xã Nghĩa Phương. Thành lập dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng, homestay tại thôn Đồng Vành, xã Lục Sơn. 

Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, hai năm qua, huyện cũng bố trí kinh phí hơn 30 tỷ đồng để bảo tồn, tôn tạo 13 di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh, cấp quốc gia như: Nâng cấp hệ thống đền Suối Mỡ (Đền Trung); phục dựng chùa Bình Long (Bát Nhã cổ) ở xã Huyền Sơn... Theo thống kê, hơn 2 năm qua huyện Lục Nam đón hơn 960 nghìn lượt du khách, hướng dẫn 470 đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, đạt 48% so với Nghị quyết đề ra. Doanh thu du lịch, dịch vụ ước đạt hơn 20 tỷ đồng.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Đăng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện, có được kết quả trên, ngoài việc quan tâm đầu tư về hạ tầng du lịch còn là sự năng động, sáng tạo trong tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, văn hóa, tiềm năng, thế mạnh về vùng đất và con người Lục Nam thông qua nhiều kênh khác nhau như: Tổ chức Cuộc thi sáng tác ca khúc và Logo về huyện trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tuyên truyền qua Cổng thông tin điện tử của huyện, các trang mạng xã hội Zalo, Facebook và qua các hội nghị, cuộc hội thảo để quảng bá, giới thiệu đến các nhà đầu tư và du khách trong và ngoài tỉnh. 

Mặt khác, tích cực tổ chức rà soát đăng ký nhãn hiệu hàng hóa các sản phẩm nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc trưng của huyện gắn với du lịch. Đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được công nhận.

Mục tiêu của Nghị quyết phấn đấu từ nay đến năm 2025 huyện đón hơn 2 triệu lượt du khách, hướng dẫn 1.000 đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Cùng đó, hoàn thành xây dựng đề án hình thành “Con đường hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử” và quy hoạch, phục dựng các điểm di tích theo dấu chân Phật Hoàng trên dãy Huyền Đinh; xây dựng và thực hiện phát triển điểm du lịch cộng đồng... Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quan tâm bổ sung kinh phí đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng du lịch, bảo tồn các di tích đã được xếp hạng, giá trị văn hóa trên địa bàn; làm tốt công tác quy hoạch vùng phát triển các sản phẩm nông nghiệp gắn với phát triển du lịch...

Theo Báo Bắc Giang
Lượt xem: 569