Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Vùng đất con người Bắc Giang Lục Ngạn chú trọng phát triển các loại hình du lịch tiềm năng, thế mạnh

Lục Ngạn chú trọng phát triển các loại hình du lịch tiềm năng, thế mạnh

Để phát triển du lịch trên địa bàn trong thời gian tới, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) lựa chọn và phát triển các loại hình du lịch là tiềm năng, thế mạnh của địa phương như: Du lịch cộng đồng; du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, thể thao - giải trí; xây dựng Lục Ngạn trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút được nhiều khách đến tham quan, đưa du lịch trở ngành kinh tế quan trọng của địa phương.

Tập trung phát triển 2 nhóm sản phẩm du lịch thế mạnh

Để khai thác tiềm năng du lịch sẵn có, huyện Lục Ngạn định hướng đến năm 2025 xây dựng, phát triển du lịch của huyện với các sản phẩm du lịch hấp dẫn, tập trung vào 02 nhóm sản phẩm du lịch thế mạnh của huyện gồm: Du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí; du lịch văn hóa - tâm linh. Trong đó tập trung xây dựng và phát triển các không gian du lịch sinh thái - cộng đồng vùng cây ăn quả trọng điểm Lục Ngạn; không gian du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng - giải trí hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn; không gian du lịch văn hóa - tâm linh: Khu di tích đền Hả (xã Hồng Giang), Khu di tích chùa Am Vãi (xã Nam Dương) và các đình, chùa lân cận; không gian du lịch văn hóa làng cổ Bắc Hoa, xã Tân Sơn; liên kết không gian du lịch với các tỉnh, thành phố, huyện khác (Hà Nội - Thành phố Bắc Giang - Lục Ngạn, Lục Ngạn - Sơn Động - Bãi Cháy và ngược lại). Hoàn thành việc thu hút đầu tư xây dựng 02 khu du lịch là Khu đô thị, du lịch sinh thái, thể thao Khuôn Thần và Khu du lịch văn hóa - tâm linh chùa Am Vãi.

Xây dựng các điểm du lịch cộng đồng vùng cây ăn quả tập trung tại các xã trọng điểm về cây ăn quả. Ảnh: BGP/An Nhiên

Bên cạnh đó, huyện xây dựng các điểm du lịch cộng đồng vùng cây ăn quả tập trung tại các xã vùng lòng hồ Cấm Sơn; các xã trọng điểm về cây ăn quả (Tân Mộc, Quý Sơn, Mỹ An, Hồng Giang, Thanh Hải, Giáp Sơn, Phì Điền, Tân Quang, Trù Hựu, Phượng Sơn,…và thị trấn Chũ; phấn đấu có 7 điểm được công nhận. Thu hút đầu tư xây dựng 2-3 khách sạn kết hợp với nhà hàng ăn uống đạt tiêu chuẩn 3 sao; các điểm du lịch đều bố trí đón tiếp khác, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về điểm du lịch.

Phấn đấu đến năm 2025 thu hút khoảng 1 triệu lượt khách; doanh thu từ du lịch, dịch vụ du lịch đạt khoảng 100 tỷ đồng; tạo việc làm cho từ 300 - 500 người trong lĩnh vực du lịch; 100% lao động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ du lịch được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cơ bản liên quan đến công tác quản lý, tuyên truyền, quảng bá, hoạt động du lịch.

Huyện định hướng đến năm 2030cơ bản hoàn thành việc đầu tư xây dựng 02 khu du lịch: Khu đô thị, du lịch sinh thái, thể thao Khuôn Thần và Khu du lịch văn hóa - tâm linh chùa Am Vãi. Xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận thêm 7 điểm du lịch; tiếp tục huy động người dân tham gia làm du lịch cộng đồng trên địa bàn. Phấn đấu thu hút 1,5 triệu lượt khách; tổng doanh thu từ du lịch, dịch vụ du lịch đạt khoảng 210 tỷ đồng; tạo việc làm cho từ 700 đến 1.000 người trong lĩnh vực du lịch.

Giải pháp thúc đẩy du lịch phát triển

Để thúc đẩy du lịch phát triển, trước mắt, huyện Lục Ngạn xác định thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch du lịch trên cơ sở các sản phẩm du lịch thế mạnh của huyện như: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Khuôn Thần, du lịch sinh thái hồ Cấm Sơn; du lịch văn hóa - tâm linh chùa Am Vãi và các di tích lịch sử văn hóa khác; du lịch trải nghiệm tại làng cổ Bắc Hoa (xã Tân Sơn), các làng nghề truyền thống, các khu vực cảnh quan đẹp tại các xã vùng cao, du lịch cộng đồng vùng cây ăn quả tại các xã.

Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại khu vực hồ Cấm Sơn. Ảnh: BGP/An Nhiên

Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh, vùng đất, con người, tiềm năng, lợi thế du lịch của huyện nhằm thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: Ngày hội, Giao lưu Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn; Hội hát Sloong hao và phiên chợ Xuân vùng cao; Hội chợ Cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn, Lễ hội đền Hả, Lễ hội chùa Am Vãi...

Bên cạnh đó, huyện xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình du lịch mang đặc trưng riêng của Lục Ngạn như: “Lục Ngạn mùa hoa nở”, “Lục Ngạn mùa quả chín”, “Hồ trên núi”, “Trên đỉnh non thiêng”, “Sắc màu vùng cao”… Khuyến khích liên kết vùng trong thực hiện quy hoạch, quảng bá tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch.

Xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch chủ lực của địa phương như: Du lịch văn hóa tâm linh chùa Am Vãi; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại khu vực hồ Khuôn Thần; du lịch sinh thái cộng đồng gắn với vùng trồng cây ăn quả, sản phẩm nông nghiệp nông thôn, trọng điểm tại các xã Quý Sơn, Tân Mộc, Mỹ An, Thanh Hải, Hồng Giang, Tân Quang, Giáp Sơn, Phì Điền, Trù Hựu… và các xã khu vực vùng lòng hồ Cấm Sơn; du lịch bảo tồn, lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Nùng tại làng cổ Bắc Hoa, xã Tân Sơn.

Xây dựng cơ chế đặc thù để thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư cũng như người dân tham gia phát triển du lịch; huy động vốn đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch, các sản phẩm du lịch của huyện, đặc biệt là đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, khu vui chơi giải trí, tạo cảnh quan đẹp, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm.

Hội chợ Cam, bưởi Lục Ngạn thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm các sản phẩm đặc trưng
của địa phương. Ảnh: BGP/An Nhiên

Mặt khác, để phát triển du lịch, huyện chú trọng quy hoạch các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp đặc trưng có giá trị kinh tế cao như: vải thiều, cam, bưởi, ổi, nhãn, táo... Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao, sản xuất hữu cơ... kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đầu tư phát triển các làng nghề truyền thống, tạo ra những sản phẩm mang tính văn hóa, lưu niệm, đặc trưng, sản phẩm OCOP được chứng nhận như: Làng nghề mỳ Chũ, làng cây cảnh Bồng 1 (Thanh Hải); làng nấu rượu men lá xã Kiên Thành; nghề dệt, nhuộm vải truyền thống của người vùng cao, mật ong, chè hoa vàng... Đồng thời quan tâm phát triển, đào tạo nguồn nhân lực du lịch.

Với những giải pháp cụ thể, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong thời gian không xa, Lục Ngạn sẽ khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch của mình và là điểm đến du lịch hấp dẫn thu hút được nhiều khách đến tham quan, đưa du lịch trở ngành kinh tế quan trọng của địa phương./.

Theo BGP
Ngày cập nhật: 17/08/2021 Lượt xem: 504