Thông tin du lịch Bắc Giang

Lục Ngạn - mùa hoa vải thiều

Từ thành phố Bắc Giang, ngược quốc lộ 31 lên huyện Lục Ngạn. Tiết tháng hai âm, mưa lất phất. Hai bên đường, hoa vải thiều đua nở tưng bừng. Qua phố Kim, vượt cầu Gia Nghé, nhìn xa hút tầm mắt là những trang trại vải thiều lá xanh hoa trắng, cây lớn cây nhỏ lúp xúp bạt ngàn. Tại các khu vườn, vải chen sát vải, những cành hoa đua nhau đón nắng, đón gió, rà sát ra cả mặt đường.

Tây Bắc nổi tiếng với hoa ban trắng. Hà Nội đẹp nao lòng với sắc hoa sưa, hoa sữa. Tây nguyên vàng rực hoa quỳ, trắng muốt sắc hoa cà phê. Còn Bắc Giang với bạt ngàn hoa vải thiều giúp mùa xuân thêm tươi đẹp. Vương quốc vải thiều – danh hiệu được mệnh danh cho vùng đất Lục Ngạn, vùng đất nổi tiếng với hơn 17.000 ha vải thiều với sản lượng thu hoạch hàng năm lớn nhất Việt Nam. Đến Bắc Giang vào dịp đầu xuân, điều du khách cảm nhận là sự choáng ngợp trước cảnh hoa vải thiều bung nở trắng các triền đồi. Màu trắng thuần khiết, nối tiếp nhau trải dài bên những miệt vườn. Thật lạ kỳ, trên mảnh đất này đều có sự góp mặt của những loài cây nổi tiếng thơm ngon: vải thiều, hồng Nhân hậu, na dai, cam đường Canh, táo Thiện phiến, nếp Phì Điền, gạo Bao Thai hồng…
Riêng vải thiều, loài quả từng được xem là sản vật tiến vua, là cây xóa đói giảm nghèo đang khoe sắc đua hương giữa tiết xuân, hứa hẹn một vụ mùa bội thu, được giá với niềm mong đợi của người dân vùng đất vải.
Để có mùa vải thiều thắng lợi, ngoài việc phụ thuộc vào thiên nhiên, còn rất cần sự chăm sóc đúng kỹ thuật của những người chủ vườn cần mẫn. Ngay sau khi thu hoạch, từ tháng sáu đến tháng tám năm trước, những chủ vườn sẽ tiến hành cắt tỉa cành lá, loại bỏ những cành sâu, kém phát triển. Tiến hành bón phân, tưới nước, làm sạch cỏ. Tới tháng chín, tháng mười thì tiến hành khoanh vỏ gốc. Khoanh vỏ là hình thức kìm hãm sự phát triển tiêu cực của lộc lá, kích thích quá trình ra hoa cho vụ quả sang năm. Tháng giêng năm sau khi những chồi nụ bắt đầu chớm nhú, các chủ vườn lại bón phân tưới nước chờ vụ hoa và quả mới. Cây vải được cho là vải tổ trên đất Lục Ngạn đã có tuổi đời trên 60 năm, thuộc sở hữu của ông Nguyễn Đức Trụ, người làng Thủ Dương, xã Nam Dương. Ông Trụ là người đã nhân giống, chiết cành cho họ hàng, làng mạc, xóm giềng – những người từ Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên… lên Lục Ngạn làm ăn, lập nghiệp từ mấy mươi năm trước. Nhưng để biến Lục Ngạn thành kinh đô của loại quả thơm ngọt, năm 1982 lãnh đạo tỉnh, huyện lúc bấy giờ có chủ trương phủ xanh đất trống, đồi núi trọc bằng 20.000 ha cây ăn quả, mà chủ yếu là cây vải, được lấy giống từ huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương lên, với một quyết tâm cao là đưa vùng đất Lục Ngạn vốn nghèo khó trở thành ấm no, giầu có…
Được xác định là cây kinh tế mũi nhọn chủ yếu của huyện, nhiều năm qua, diện tích trồng vải không ngừng tăng nhanh. Người người trồng vải, nhà nhà trồng vải, vải có ở khắp nơi: trên vườn đồi, trong vườn nhà của hàng ngàn hộ dân ở cả 29 xã, thị trấn trên toàn huyện. Các khu hành chính huyện, xã cũng đều được bao quanh bởi những vườn vải thấp cành, trĩu quả xoà thấp chạm vai người. Diện tích vải thiều Lục Ngạn hiện đạt khoảng 17.000 ha, trong tổng số trên 21.000 ha cây ăn quả toàn huyện gồm: vải, hồng nhân hậu, nhãn, cam Đường Canh, cam Vinh, bưởi Diễn, bưởi Da xanh và một số cây ăn quả khác. Đến Lục Ngạn vào dịp tháng hai tháng ba, ngoài việc được chiêm ngưỡng bạt ngàn màu hoa vải nở trắng bung. Những chùm hoa trắng li ti đan xen chíu chít vào nhau. Du khách còn cảm nhận được mùi hương hoa vải dịu ngọt thơm nồng. Buổi sớm mai, những chùm hoa đẫy hương trời mời gọi những đàn ong chăm chỉ mùa làm mật. Mật ong vải thiều cũng là sản vật nổi tiếng của vùng đất nhiều hoa thơm trái ngọt. Sản phẩm mật ong – chút quà quê mang đậm hương sắc núi rừng cũng sẽ làm vừa lòng khách phương xa.
Các xã trọng điểm của vải thiều Lục Ngạn là các xã Quý Sơn, Hồng Giang, Tân Quang, Giáp Sơn…. Đây là những xã đứng đầu toàn huyện về kỹ thuật thâm canh và chăm sóc vải thiều. Chất lượng và giá bán sản phẩm vải thiều của nông dân tại các xã này bao giờ cũng đứng đầu và cao nhất huyện. Các xã vùng cao tuy sản lượng vải thiều thấp hơn các xã vùng thấp, nhưng mùa hoa vải thiều tại các xã vùng cao của huyện Lục Ngạn lại mang một bản sắc rất riêng biệt. Mùa hoa vải thiều cũng chính là mùa hát hội của bà con các dân tộc vùng cao Lục Ngạn.
Ở vùng cao Lục Ngạn mỗi độ xuân về, khi hoa đào hoa mận tàn, hoa vải thiều bung nở, là không khí hội xuân lại tưng bừng náo nhiệt. Tục hát soong hao của người Nùng được bắt đầu từ Tết Nguyên đán kéo dài đến hết mùa xuân.
Người Nùng ở Lục Ngạn vẫn có câu hát truyền khẩu “soong hao pây lỉn xuân hát lượn, pú lượn là pú vui” (hai ta đi chơi xuân hát lượn, không lượn là không vui). Đầu xuân cũng là mùa soong hao Lục Ngạn. Ở các phiên chợ vùng cao, du khách thường gặp các sắc áo chàm của bà con dân tộc Tày, Nùng, Sán Chí, Sán Dìu. Màu chàm những chiếc khăn trên đầu thiếu nữ, màu chàm những tà áo thướt tha ngày hội. Và càng không thể không nhắc tới điệu soong hao dặt dìu mỗi độ giêng hai. Vào mùa soong hao người Nùng ở Lục Ngạn thường mời người Nùng ở Lạng Sơn cùng các vùng lân cận xuống chơi dự hội. Các bạn hát từ Lạng Sơn về thường đi thành từng đoàn. Đoàn ít cỡ khoảng mười người, đoàn nhiều có khi lên tới vài ba chục người. mỗi đoàn thường có người già đi theo làm nhiệm vụ giao dịch tổ chức. Các đoàn khách đến trước hội từ một đến hai ngày. Để tỏ lòng mến khách, dân bản thường giữ khách ở chơi vài ngày cùng vui chơi ca hát và thăm hỏi lẫn nhau. Vào hội soong hao, thanh niên dân tộc Nùng hát trong làng, ngoài bản, bên những cánh rừng hoặc ở các chợ trung tâm. Đi hát hội cũng là đi mua sắm các vật dụng gia đình, đi chơi chợ ngày xuân.
Tục hát soong hao của người Nùng, nam nữ phải đối đáp theo các bước: làm quen, chào hỏi, xin phép, kết bạn và hẹn hò. Thường thì mọi người vẫn hát những bài hát ca ngợi cảnh đẹp quê hương, làng bản, phong tục sản xuất, ca ngợi bốn mùa. Qua lời hát, các cặp đôi gửi cho nhau những lời nhắn nhủ yêu thương, ngỏ ý giao duyên kết tình. Mỗi mùa soong hao về lại có biết bao cặp nam nữ nên duyên đôi lứa. Hết hội vùng này lại tới hội vùng kia, bạn soong hao lần lượt mời nhau về dự hội ở địa phương mình. Mở màn cho hội soong hao vùng Lục Ngạn là ngày 12 tháng giêng – ngày chợ phiên Thác Lười (Tân Sơn). Từ các xã Cấm sơn, Sơn Hải, Hộ Đáp và tận bên kia đèo Quao (Lạng Sơn) các chàng trai, cô gái cùng rủ nhau tìm về. Họ say xưa câu hát,hát từ Thác Lười đến Phong Vân về Tân Hoa, Biển Động, xuôi Chũ xong lại vòng về Bắc Lệ, Chi Lăng. Soong hao cứ vui như thế cho đến hết xuân.
Mùa xuân là mùa soong hao, mùa hoa vải thiều, nhắn ai đó hãy lên với vùng cao Lục Ngạn ngay từ đầu tháng Giêng đến cuối tháng Hai âm lịch để say sưa với mùa hát hội. Bạn sẽ được nghe tiếng hát soong hao bên suối Thác Lười, đến với chợ phiên Tân Sơn, Phong Vân, Biển Động, cũng như trung tâm phố Chũ cũng dễ dàng bắt gặp một không khí soong hao. Tháng Giêng trôi qua, rồi tháng Hai, tháng Ba… Hoa gạo tàn đi, ngồng khoai thêm lá. Ngày trở về câu hát vẫn bay theo.
Bài: Lê Đức Cương, Ảnh: TTXTDL
Ngày cập nhật: 24/03/2020 Lượt xem: 1022