Thông tin du lịch Bắc Giang

Trang chủ Du lịch công cộng Khám phá Vùng đất con người Bắc Giang Lục Ngạn phát triển du lịch sinh thái cộng đồng theo hướng bền vững

Lục Ngạn phát triển du lịch sinh thái cộng đồng theo hướng bền vững

Huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, di tích lịch sử, văn hóa để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái cộng đồng. Dựa trên nền tảng thế mạnh của mình, huyện đã định hướng phát triển du lịch để tạo bước đi phát triển bền vững.
Lục Ngạn là một trong những vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc với nhiều loại trái cây đặc sản nổi tiếng. Ảnh: BGP/An Nhiên

Thế mạnh tài nguyên thiên nhiên và văn hóa

Lục Ngạn là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Đây là mảnh đất không những có thổ nhưỡng, khí hậu mát, ôn hòa, mà còn là một trong những vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc với nhiều loại trái cây đặc sản nổi tiếng. Không những vậy, mảnh đất Lục Ngạn giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc, có hệ thống các di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia, là nơi còn lưu giữ, bảo tồn nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như chùa Am Vãi, đền Hả, hát Sloong hao, hát Sli, hát Then, hát Lượn.

Cùng với những giá trị đặc sắc về văn hóa, Lục Ngạn có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như: hồ Cấm Sơn; hồ Khuôn Thần, xã Kiên Lao; hồ làng Thum, xã Quý Sơn; suối Cặm, xã Sa Lý; suối Đấy, suối Tà Cang, xã Phong Minh... Đây là những địa danh có nhiều tiềm năng, thế mạnh về du lịch trải nghiệm, sinh thái, nghỉ dưỡng.

Ngoài ra, Lục Ngạn có 03 làng nghề truyền thống, có nhiều sản phẩm truyền thống đặc trưng như: mỳ Chũ, rượu Kiên Thành, mật ong, phấn hoa, gạo nếp,...; là những điều kiện thuận lợi để Lục Ngạn phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Lục Ngạn có đủ tiềm năng để thu hút khách tham quan, trải nghiệm du lịch sinh thái cộng đồng quanh năm, trải rộng các địa phương trong toàn huyện.

Phát triển bền vững du lịch sinh thái cộng đồng

Với tiềm năng, lợi thế của mình, Lục Ngạn đặt mục tiêu xây dựng, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn với 02 không gian du lịch chính là khu vực hồ Cấm Sơn và vùng cây ăn quả; giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, phát triển kinh tế; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường nước khu vực hồ Cấm Sơn; bảo vệ môi trường, phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững.

Hồ Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn có cảnh quan thiên nhiên đẹp. Ảnh: BGP/An Nhiên

Lục Ngạn đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ thành lập hợp tác xã du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả tại các xã Mỹ An, Tân Mộc, Quý Sơn, Thanh Hải, Hồng Giang, Tân Quang, Trù Hựu, Tân Sơn, Hộ Đáp, Sơn Hải, Cấm Sơn… Mỗi hợp tác xã xây dựng, cải tạo, nâng cấp ít nhất từ 2 - 5 nhà sàn, nhà ở truyền thống, nhà trưng bày, nhà chòi tại các điểm phù hợp cho phát triển, thu hút khách du lịch.

Xây dựng các điểm du lịch cộng đồng tại các xã, thị trấn; chú trọng xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, phấn đấu đến năm 2025 có 7 điểm được công nhận. Tập trung khai thác tiềm năng và thế mạnh du lịch của địa phương, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch phục vụ khách tham quan, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Từng bước chuyên nghiệp, chuyên môn hóa, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động du lịch. Phấn đấu thu hút 1 triệu lượt khách du lịch đến tham quan trải nghiệm tại huyện vào năm 2025.

Đến năm 2030, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã du lịch cộng đồng đã thành lập của giai đoạn trước, đồng thời xem xét những địa phương có điều kiện phát triển du lịch để tiếp tục thành lập các hợp tác xã du lịch cộng đồng mới.

Lục Ngạn có nhiều sản phẩm truyền thống đặc trưng. Ảnh: BGP/An Nhiên

Hoàn thiện hạ tầng, cơ sở vật chất các điểm du lịch; phấn đấu trong giai đoạn có thêm 7 điểm được công nhận. Mỗi điểm du lịch đều có các sản phẩm lưu niệm đặc trưng để giới thiệu, bán cho du khách. Phấn đấu thu hút 1,5 triệu lượt khách du lịch đến tham quan trải nghiệm tại huyện vào năm 2030.

Các giải pháp phát triển du lịch sinh thái cộng đồng

Để thúc đẩy du lịch sinh thái cộng đồng phát triển, huyện Lục Ngạn sẽ xây dựng 04 điểm du lịch khu vực hồ Cấm Sơn gồm các xã Cấm Sơn, Tân Sơn, Hộ Đáp, Sơn Hải. Xây dựng 07 điểm du lịch cộng đồng vùng cây ăn quả gồm các thôn An Phú, xã Mỹ An; thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc; thôn Giành Mới, khu vực hồ Thum xã Quý Sơn; thôn Bồng 1, xã Thanh Hải; thôn Ngọt, xã Hồng Giang; thôn Sàng Bến, xã Tân Quang; thôn Bắc Hoa, xã Tân Sơn. Xây dựng điểm du lịch văn hóa tâm linh Đền Hả, xã Hồng Giang, chùa Am Vãi, xã Nam Dương.

Cùng với đó, huyện chú trọng quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng, nâng cấp các công trình hiện có phục vụ phát triển du lịch. Thực hiện bồi dưỡng nguồn nhân lực làm du lịch. Huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch. Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, công tác xã hội hóa, thành lập các hợp tác xã du lịch cộng đồng để tăng cường nguồn lực, đa dạng hóa các dịch vụ, các sản phẩm du lịch và tham gia vận hành có hiệu quả hoạt động du lịch tại địa bàn.

Kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các hạng mục phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí, nhà hàng ẩm thực, nhà sàn và một số hạng mục công trình tại các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.

Lục Ngạn là địa phương còn lưu giữ, bảo tồn nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể
như hát Sloong hao, hát Sli, hát Then, hát Lượn. Ảnh: BGP/An Nhiên

Lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án phát triển kinh tế - xã hội, dự án đầu tư của các ngành để từng bước đầu tư các hạng mục hạ tầng thiết yếu phục vụ cho phát triển du lịch.

Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động người dân tại các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái hưởng ứng, tích cực tham gia đầu tư xây dựng nhà sàn, nhà truyền thống, nhà chòi, các loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Phối hợp chặt chẽ với các công ty du lịch để hình thành tour, tuyến đưa khách du lịch đến với Lục Ngạn, đồng thời phối hợp với các tỉnh lân cận để liên kết tour, tuyến du lịch. Hình thành các tour du lịch thử nghiệm cho các đơn vị lữ hành, các đơn vị thông tấn báo chí để quảng bá điểm đến, giới thiệu các sản phẩm du lịch của huyện.

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên và sự đa dạng về vốn văn hóa đặc sắc cùng với sự phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền địa phương, nhà đầu tư và cả cộng đồng, du lịch sinh thái cộng đồng của huyện Lục Ngạn sẽ có bước đi bền vững và hứa hẹn sẽ trở thành sản phẩm du lịch thế mạnh của huyện, thu hút được nhiều du khách đến thưởng thức, trải nghiệm trong tương lai./.

Theo BGP
Ngày cập nhật: 29/09/2021 Lượt xem: 567