Địa danh Đồng Cao, xã Thạch Sơn (Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) được giới thiệu lần đầu trên các phương tiện thông tin năm 2011. Từ đó, đông đảo du khách, nhất là giới trẻ đã biết đến và ưa thích khám phá địa chỉ du lịch mới mẻ và hấp dẫn này. Tuy vậy, du lịch Đồng Cao như đang trong thời kỳ “vỡ đất” cần lắm những định hướng, kế sách phù hợp.Bỡ ngỡ làm du lịchCon đường gồ ghề, lởm chởm đất đá đang trong giai đoạn thi công cũng không thể ngăn được sự háo hức của những người trẻ cưỡi trên "con ngựa sắt" ì ạch bò qua từng mét mỗi khi qua khúc cua gấp, nhưng rồi vẻ đẹp của Đồng Cao như bù lại bao nỗi vất vả ấy. Bao giọt mồ hôi ướt đẫm áo đã mau chóng được hong khô bởi cơn gió ào ào trên đỉnh đèo. Đó cũng chính là cảm giác được chờ đợi nhiều nhất của những nhóm trẻ ưa khám phá miền đất lạ mà mọi người vẫn gọi là "cộng đồng phượt", họ chẳng quản đường xa, khó nhọc đến đây ngắm cảnh. Lần thứ hai lên Đồng Cao nhưng khi vượt qua những đỉnh đèo ấy, cảm xúc của tôi vẫn thay đổi liên tục, từ hồi hộp, đến phấn khích, vừa bước tới đầu bản đã thấy những đống củi khô chất cao ngất chờ bán cho du khách. Và thật đáng mừng khi nghe đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Thạch Sơn Hoàng Văn Tân phấn khởi khoe rằng: Không phải ngày nghỉ, ngày lễ mà ngày thường cũng rất đông du khách đến Đồng Cao, bản làng giờ đông vui, dân trong vùng tự hào vì được thiên nhiên ưu đãi một thắng cảnh đẹp". Điểm ấn tượng khi đến Đồng Cao là được tận hưởng bầu không khí mát mẻ, trong lành, thiên nhiên hoang sơ cộng thêm sự chấc phác, thật thà và nhiều tập quán văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc vùng cao. Sự mới lạ, mong muốn chinh phục những con đường gập ghềnh, khó đi cũng là lý do để không ít các nhóm trẻ hướng lên Đồng Cao. Điều mà ông Tân tâm đắc là từ một nơi heo hút và lạ lẫm, ngôi làng của 27 hộ dân tộc Dao giờ đã trở nên sôi động, náo nhiệt hơn. Người dân cũng dần biết làm du lịch, từ khi thu hút được du khách, các bà, các mẹ gùi củi lên tận nơi giao cho khách, đồng bào trong bản đã có thêm thu nhập nhờ nông sản và làm một số dịch vụ khác. Dịp đông khách, có gia đình thu được cả triệu đồng nhờ bán củi, trông xe…Nhà ở lưng chừng núi, chị Triệu Thị Thủy, dân tộc Dao, tâm sự: "Trước đây chúng tôi đâu biết du lịch "phượt" là gì, tự dưng ở đâu vài đoàn đến dựng lều, căng bạt ngủ qua đêm trên bãi cỏ sau nhà, ai cũng thấy lạ lùng, khó hiểu, giờ thì bà con háo hức chờ đợi khách đến mỗi ngày”. Nhờ du lịch mà đồng bào trong bản cũng vui lây, không còn sự vắng vẻ như trước, ngoài làm ruộng đồng, trồng rừng, bà con còn có thêm việc làm mới và thu nhập từ việc bán củi, rau, nước uống, thực phẩm, trông giữ xe, hướng dẫn khách... Hễ khách có nhu cầu, nhân dân chúng tôi luôn nhiệt tình và thiện cảm giúp đỡ. Những hôm trời mưa khách xin ngủ nhờ qua đêm trong căn nhà gỗ hoặc nhờ nấu ăn trong bếp, lấy nước sinh hoạt... gia đình đều giúp đỡ mà không lấy tiền, đổi lại khách cũng gửi xe, mua hàng và thuê chúng tôi nướng thịt, có tối chỉ trông xe cũng được 500 nghìn đồng...". Cần một "nhạc trưởng" Tạo hóa đã cho Đồng Cao một thắng cảnh tuyệt vời với những thảm cỏ xanh giữa mênh mông, miền khí hậu ôn hòa quanh năm và những quần thể bãi đá cổ, nếu khám phát hết khu vực này phải hết vài ngày đi từ núi này đến núi nọ, càng đi càng thấy đẹp. Ai đã đến Đồng Cao hẳn sẽ ngạc nhiên đến khó tin bởi một thảo nguyên nằm ẩn mình giữa đồi núi chập trùng, mây giăng mờ ảo. Trở lại Đồng Cao lần này, chúng tôi vui mừng vì du lịch đã đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân, đồng thời cảm nhận rõ sự đổi thay của bản làng, đường bê tông rộng thênh thang đã được làm đến chân núi, điện lưới đã thắp sáng từng nóc nhà, đời sống nhân dân phần nào đã khấm khá. Tuy nhiên Bí thư Đảng ủy Hoàng Văn Tân cũng như những người có trách nhiệm đang cảm thấy có điều gì đó chưa ổn cho du lịch Đồng Cao. Ông Tân, tâm sự: "Hằng ngày, từng đoàn xe gắn máy khắp nơi đổ về Đồng Cao cắm trại, vui chơi, người đi đến đâu thì rác cũng đi theo đó, nhóm có ý thức tốt thì gom rác bỏ gọn vào một chỗ, nhưng nhiều nhóm xả ra bừa bãi, những chiếc xe phân khối lớn cày xéo trên thảm cỏ xanh đẹp mê hồn, ai nhìn thấy cũng xót xa cho cảnh quan nơi này, rồi họ đốt lửa, nấu nướng bừa bãi tạo thành những hình ảnh không mấy đẹp đẽ... Sự tự phát và thiếu chuyên nghiệp hiện nay đang có nguy cơ biến nơi đây thành đồng hoang chứ không còn là một vùng thảo nguyên kỳ thú. Để khắc phục, xã đã chỉ đạo bản Đồng Cao thành lập tổ an ninh nhằm giữ trật tự địa bàn, đồng thời hướng dẫn, tuyên truyền khách bảo vệ môi trường. Sắp tới, xã Thạch Sơn vào cuộc vận động thành lập các tổ quản lý, dịch vụ, quy hoạch những địa điểm được đốt lửa, đặt biển nội quy, cùng đó vận động nhân dân tích cực sản xuất các đồ lưu niệm như thổ cẩm, sản vật bán cho khách. Buổi tối sẽ có tổ hướng dẫn viên cùng du khách đi săn cua đá, ếch rừng…Tuy nhiên để du lịch Đồng Cao phát triển thì còn cần hơn nữa một vai trò của người “nhạc trưởng”. Đem vấn đề của Đồng Cao trao đổi với ông Nguyễn Quang Ngạn, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động, được biết, tuyến đường liên xã qua Đồng Cao đang được thi công, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2016, tạo nhiều thuận lợi cho du lịch. Hiện UBND tỉnh đã giao cho huyện mời chuyên gia nước ngoài lập quy hoạch phát triển du lịch Đồng Cao, khi có quy hoạch, huyện sẽ bắt tay vào triển khai. Cũng có người đề xuất ý tưởng trồng các cánh rừng hoa, cây cỏ đặc trưng của địa phương. Trước mắt huyện sẽ bảo tồn tốt các khu rừng đặc dụng, môi trường cảnh quan, tích cực kết nối với các loại hình du lịch sinh thái ở Khe Rỗ, và tuyến Tây Yên Tử; tập huấn, hướng dẫn cách làm du lịch cộng đồng cho bà con... Một tương lai đầy sáng cho du lịch trên thảo nguyên Đồng Cao đang được mở ra phía trước, góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Nguyễn Hưởng
Ngày cập nhật: 28/01/2016 Lượt xem: 616