Thông tin du lịch Bắc Giang

Một chuyến Đồng Cao

Cách nay dăm năm, có một doanh nghiệp nghìn tỷ ở TP Hồ Chí Minh ra Bắc Giang khảo sát định đầu tư một dự án văn hóa - du lịch khá quy mô ở khu vực Tây Yên Tử. Quá trình khảo sát lập dự án, họ mời nhà văn Sương Nguyệt Minh đi cùng với tư cách là Giám đốc truyền thông tương lai của dự án.

Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, sau đó công việc phải tạm dừng. Nhưng từ đó đến nay, hễ có dịp là nhà văn Sương Nguyệt Minh lại tấm tắc xuýt xoa kể về Đồng Cao, một thảo nguyên “đẹp miên man” thuộc xã Phúc Sơn của huyện vùng cao Sơn Động. Nào là khí hậu chẳng khác gì Tam Đảo, Sa Pa, Mẫu Sơn… nhưng phong cảnh thì hoang sơ, thoáng đãng hơn nhiều. Nào là muốn ngắm cánh đồng đá trên cao thì việc gì phải lên Đồng Văn tít tận Hà Giang, vì Đồng Cao chỉ cách Hà Nội non 150 cây số, có thể đi và về trong ngày. Cơ mà đã lên Đồng Cao thì nên cắm trại đốt lửa qua đêm, để có thể chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên vào sáng sớm bình minh và lúc chiều tà mặt trời dần xuống núi thì mới đã…

Một góc Đồng Cao (Sơn Động). Ảnh: Nguyễn Thành Sơn

Thế là háo hức hẹn nhau một chuyến Đồng Cao, nhưng rồi cứ dềnh dàng lần lữa vì công việc riêng chung của mỗi người, mãi mới đây chúng tôi mới thực hiện được. Chiếc xe 7 chỗ xếp đúng 7 người, đúng 7 giờ sáng từ Trung tâm Hà Nội qua cầu Chương Dương, theo quốc lộ 5 leo lên quốc lộ 1, trực chỉ hướng Lạng Sơn. Hơn một giờ sau đến ngã ba Kế thì rẽ phải vào quốc lộ 31. Trưởng nhóm - nhà văn Sương Nguyệt Minh tuyên bố: Chừng 80 cây số nữa thì đến thị trấn An Châu. Ta đặt phòng nghỉ và ăn trưa ở đó. Từ An Châu lên Đồng Cao chỉ còn chừng 30 cây số thôi. Đường rải nhựa và bê tông rất tốt.

Nghe nhắc đến An Châu, nhà thơ Nguyễn Thanh Phong khe khẽ ngâm bài thơ “Cháu gửi Bác Hồ” trong sách tập đọc của chúng tôi ngót nửa thế kỷ trước: Cháu là em bé phương xa/ Theo anh vệ quốc, xa nhà từ lâu/ Cháu qua sông Đuống, sông Cầu/ Phủ Thông, Đèo Khách, An Châu, Lũng Vài…

Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu ngồi ở hàng ghế sau cất tiếng: An Châu trong bài thơ này không phải ở Sơn Động đâu. Bài thơ này ông Nguyễn Bá Dậu làm từ năm 1950, khi đang là cậu bé học trường Thiếu sinh quân ở chùa Đồng Tiến thuộc tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay. Mà Vĩnh Phúc thuộc miền Tây Bắc. Các địa danh Phủ Thông và Đèo Khách cũng đều nằm phía Tây của dãy Tam Đảo. Vì vậy An Châu chắc chắn là một địa danh cũng thuộc về Tây Bắc, còn An Châu của Sơn Động thuộc miền Đông Bắc.

Sau gần nửa giờ ô tô rù rì ngược con dốc ngoằn ngoèo thoai thoải hơn chục cây số, đột ngột mở ra một thảo nguyên lồng lộng, mênh mông. Đang cuối mùa khô nên cả thảo nguyên bạc phếch cỏ khô. Nhấp nhô đá xám. Chen chúc lầm lì những hình thù to nhỏ khác nhau, tha hồ cho các loại trí tưởng tượng… Trời đang hanh khô, nhưng thỉnh thoảng lại một làn sương mù ùa đến quấn lấy mọi người rồi loang ra. Mặt trời lúc rờ rỡ chênh chếch bên sườn đồi, lúc chui tọt vào mây mù đám dày đám loãng. Đất trời theo đó mà rỡ ràng hào quang, khi chuyển màu đậm nhạt thật kỳ thú.

Đến lượt nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh tham gia: Còn An Châu nào vào đây nữa? “Cháu qua sông Đuống, sông Cầu” không phải Bắc Giang thì là ở đâu? Lại còn Lũng Vài là cửa khẩu phía Trung Quốc, đối diện bên này cửa khẩu Lạng Sơn của nước ta. Có thể trước đó tác giả nhí đã học Thiếu sinh quân ở Khu học xá T.Ư của Việt Nam đặt tại Quế Lâm bên Trung Quốc, cho nên cậu ta mới đi qua An Châu, Lũng Vài… Thế là nổ ra một cuộc tranh luận sôi nổi, mỗi người mỗi ý, chuyện nọ kéo chuyện kia. Xe đến thị trấn An Châu lúc nào không biết. Bấy giờ đã gần 11 giờ trưa.

Chiều hôm ấy chúng tôi có mặt ở Đồng Cao. Quả là danh bất hư truyền. Sau gần nửa giờ ô tô rù rì ngược con dốc ngoằn ngoèo thoai thoải hơn chục cây số, đột ngột mở ra một thảo nguyên lồng lộng, mênh mông. Đang cuối mùa khô nên cả thảo nguyên bạc phếch cỏ khô. Nhấp nhô đá xám. Chen chúc lầm lì những hình thù to nhỏ khác nhau, tha hồ cho các loại trí tưởng tượng… Trời đang hanh khô, nhưng thỉnh thoảng lại một làn sương mù ùa đến quấn lấy mọi người rồi loang ra. Mặt trời lúc rờ rỡ chênh chếch bên sườn đồi, lúc chui tọt vào mây mù đám dày đám loãng. Đất trời theo đó mà rỡ ràng hào quang, khi chuyển màu đậm nhạt thật kỳ thú. Nhà phê bình văn học Ngô Văn Giá kêu: Tớ là dân Bắc Giang mà hơn nửa đời mới biết quê mình có một chốn bồng lai tiên cảnh thế này…

Gọi là thảo nguyên vì chỉ có đá và cỏ ngút tầm mắt, nhưng Đồng Cao không bằng phẳng bình địa, mà là một “cánh đồng nghiêng”, càng lên cao gió càng thổi mạnh, hoang vu đến rợn người. Thi thoảng lại gặp một “hố rác” được xây bằng gạch mô phỏng hình thù những hòn đá mồ côi, bên trong có rất nhiều chai nhựa, vỏ lon bia và tro than, chắc là từ các đống lửa trại được thu dọn vào. Đó là những “dấu vết” chứng tỏ nơi đây từng có những cuộc tụ tập rất đông người, tất nhiên vào những thời điểm không nhiều sương mù và gió lạnh thông thống như hôm nay…

Vừa lúc mặt trời chui ra khỏi đám mây mù, đỏ ối như một quả cà chua khổng lồ, sắp “rơi” xuống bên kia dãy núi, cô nhà văn trẻ Thương Hà rối rít kêu: Các anh ơi, xem kìa… Theo hướng tay cô chỉ, thấy loang loáng một mặt nước không biết là ruộng hay ao. Nhìn kỹ, thấy những chấm trắng di động, có thể là ngan hoặc vịt, hoặc là một loài gì đó tương tự. Nhà văn Sương Nguyệt Minh thành thạo: Dưới kia có một bản người Dao, gọi là bản Gà! Cô Thương Hà hớn hở: Em nghe nói Đồng Cao có món đặc sản xôi trứng kiến. Hay ta xuống bản kiếm bữa cơm chiều?

Du khách cắm trại tại Đồng Cao.

Cả bọn hùa theo: Phải rồi! Giờ mà về thị trấn ăn ngủ thì chán lắm. Chúng tôi vội tụt xuống chân “cánh đồng nghiêng”, lên xe, chạy vào bản. Ô tô “đổ bộ” vào một ngôi nhà bất chợt bên đường. Chủ nhà có vẻ không bất ngờ với những vị khách không mời mà đến, cũng tỏ vẻ không ngạc nhiên khi đám khách mồm năm miệng mười hỏi han đủ thứ và đề nghị gia đình nấu giúp một bữa cơm tối. Nhưng khi nghe nói đến xôi trứng kiến thì lắc đầu: Mùa này không có trứng kiến đâu, chỉ có vịt bản thôi.

Cả bọn lại ồ lên: Cũng tốt! Nhưng mà nhà không có vịt. Cậu thanh niên trạc hai mươi tuổi đồng ý chạy đi mua hộ đôi vịt. Nhà thơ Nguyễn Thành Phong xắn tay vào bếp bắc nước. Cô Thương Hà theo chị chủ nhà ra vườn nhổ sắn. Số còn lại theo cụ ông trạc ngoài 70 tuổi vào nhà trò chuyện. Đập vào mắt tôi là cái túi quà nhìn thấy trên mỗi chiếc xe máy lúc ăn trưa ở thị trấn An Châu. Thì ra cụ là “Người cao tuổi tiêu biểu” của huyện. Nhìn lên mấy bức ván thưng, thấy có nhiều Bằng khen, Giấy khen ghi tên cụ Triệu Tiến Thoong. Người đàn ông ngoài 40 tuổi là con trai của cụ. Còn anh thanh niên chạy đi mua vịt là Long, cháu nội của cụ, vừa xuất ngũ từ Lạng Sơn về…

Đi bộ đội về có khác, vừa nhanh nhẹn vừa tháo vát, đi mua vịt còn rủ người bán theo cùng giúp một tay làm thịt cho nhanh. Anh ta là chủ cái quán độc nhất ngoài đường ô tô, đoạn qua thảo nguyên lúc nãy. Quán hoạt động chủ yếu vào mùa hè, còn mùa này thì anh chăn vịt, chăn trâu bò và chăm sóc rừng keo. Cả bản này chưa ai biết làm “dịch vụ du lịch” như anh. Đã bảo Đồng Cao còn hoang sơ lắm mà…

Đúng 7 giờ tối, nhà thơ trẻ Hoàng Liên Sơn khệ nệ bê cỗ lên nhà. Thịt vịt luộc chắc và thơm. Sắn vùi tro bếp bùi ngậy. Bánh tét nướng than vừa nhai vừa hít. Khoai sọ nấu với nước luộc vịt trên cả tuyệt vời. Và rượu nếp nương tuyệt hảo. Chủ và khách như chỗ thân quen tự bao giờ. Hăng lên thì cùng hát. Lại còn mời đêm nay ngủ lại Đồng Cao nhé!

Cơ mà đã hơn 9 giờ đêm rồi, phải về thôi! Một bữa tối thật ấn tượng ở Đồng Cao. Chỉ tiếc là trong nhà ngoài vườn chẳng có lấy một thứ gì gọi là gia vị. Bảo chàng Long chạy đi nhà nào có thì mua giúp, nhưng anh cam đoan cả bản chẳng nhà nào trồng rau xanh và gia vị đâu. Thịt vịt, canh khoai sọ mà có thêm củ gừng, quả ớt, lát chanh, hạt lạc, nhúm rau thơm… thì sự ngon mới trọn vẹn hoàn hảo. Trên đường trở về thị trấn An Châu, chúng tôi nói đùa với nhà văn Giám đốc Truyền thông hụt: Nếu nay mai cái dự án nghìn tỷ kia tái khởi động trở lại, thì nhớ viết thêm khoản tập huấn cho bà con Đồng Cao biết trồng rau xanh và các loại gia vị theo tiêu chuẩn VietGAP nhé!

Theo Cổng TTĐT Sơn Động

Lượt xem: 1377