Dân tộc Cao Lan một trong 54 dân tộc thiểu số ở Việt Nam và là một trong 8 dân tộc có số dân dông ở Bắc Giang, cư trú tập trung ở các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động và Yên Thế. Người Cao Lan vốn cần cù lao động, họ luôn có tâm hồn lạc quan, phóng khoáng, yêu đời, yêu văn nghệ. Bắt nguồn từ cuộc sống lao động chứa chan đầy sức sống. Dân tộc Cao Lan đã để lại vốn văn học dân gian vô cùng phong phú và đa dạng, gồm nhiều thể loại như: truyện cổ, thơ ca, hò vè, tục ngữ, ca dao và dân ca (sịnh ca).
Sịnh ca là một trong những hình thức sinh hoạt văn nghệ hấp dẫn và thu hút nhiều lứa tuổi tham gia. Đó là giao duyên, hát đố, hát chúc mừng… được sáng tác theo thể thơ tứ tuyệt và được ghi chép chủ yếu bằng chữ Hán. Người hát và người sáng tác thường lấy cảnh đẹp của quê hương làng bản, những cảnh trong sinh hoạt, trong cuộc sống hàng ngày, hay những câu chuyện cổ tích, thần thoại, hát mừng năm mới, hát đối đáp mùa xuân, hát ở nhà, hát ở đình… làm đề tài hấp dẫn trong sinh hoạt văn nghệ của mình. Sịnh ca của người Cao Lan gồm nhiều loại: Sịnh ca ThSăn Lèn (hát năm mới), Sịnh ca ThSao bạo (hát đối đáp hay hát giao duyên), Sịnh ca Kên Láu (hát đám cưới), Sịnh ca Tò Tèn (hát đố)…
Trong kho tàng dân ca ấy , bên cạnh những bài có lời ca sẵn với nội dung của từng thể loại Sịnh ca, người hát có thể dựa vào đó đề hát hoặc có thể thêm bớt mội dung cho phù hợp với hoạt cảnh và nội dung chương trình cụ thể của cuộc hát, cũng có thể là những bài hát ngẫu hứng, sáng tác ngay để hát đối đáp. Thể loại này phù hợp với hát đố và hát giao duyên. Bên cạnh những bài dân ca cổ còn lại, một hệ thống các bài hát mới dựa theo làn điệu dân ca mà người hát sáng tác để phản ánh cuộc sống mới, ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ. Hệ thống những bài ca cổ đó chủ yếu bằng chữ Hán hoặc Nôm. Những bài ca được phiên âm dịch nghĩa có thể ví dụ:
- Sịnh ca ThSăn Lèn (hát năm mới)
"Năm cũ đã qua năm mới đến
Các gia đình đều dán giấy ở cửa
Các cửa đều được dán giấy hết
Gió thổi đua tờ giấy bay bay"
Hay:
"Tháng giêng mồng một năm mới đến
Bày mâm cỗ mời gia tiên
Mời gia tiên về để uống rượu
Phù hộ cho con cháu vạn niên"
Trong kho tàng dân ca Cao Lan, Sịnh ca ThSao bạo chiếm tỷ lệ khá cao (khoảng 70%) và đây là loại dân ca được người Cao Lan ưa thích và hay hát nhất. Ở thể loại này đa phần những bài hát có sẵn được lưu truyền trong tộc người. Người hát là nam, nữ ở tuổi thành niên là đi hát tỏ tình, giao duyên. Nội dung nói về tình yêu trai gái, họ mượn cảnh để tỏ tình, rồi hỏi han về nhau, về gia cảnh, nhà cửa… và cuối cùng là yêu thương, nhớ nhung, hẹn hò, có cả trách móc, giận hờn được gửi gắm vào lời thơ, câu hát. Để rồi đến những ngày mùa xuân mọi vật đâm chồi, nảy lộc, tình yêu nam nữ càng đậm, càng sâu, càng tha thiết yêu thương. Họ rủ nhau đi chơi, đi hát suốt cả tháng giêng, tháng hai, đi hát ở hết bản này sang bản khác. Rồi họ hát đối, hát giao duyên cho tình thêm đậm, họ yêu nhau qua lời hát, họ mến nhau bằng câu ca và họ lấy được nhau vì say mê tiếng hát.
Cũng như Quan họ và nhiều loại hình dân ca khác, người Cao Lan mở đầu cuộc hát là những bài chào hỏi, thường người con trai hát trước, lời ca gợi cảm, gợi tình ca ngợi vẻ đẹp của người con gái, bên nữ nghe mà chưa đáp lại (khác Quan họ ở chỗ ấy) đây là nét tinh tế, e thẹn và đó là bản sắc riêng của loại hình Sịnh ca Cao Lan. Khi họ đã trải qua những lời chào hỏi ban đầu, người con gái thấy có duyên tình tứ thì mới hát đối đáp lại. Những lới đối đáp ban đầu cũng là mượn cảnh để tỏ tình. Sau những cuộc hát đối đáp ở trong nhà (cũng tàn canh rạng ngày như Quan họ) sáng hôm sau khi xuân về lất phất mưa bay, họ mặc những trang phục đẹp nhất, đội khăn, thắt bao… màu sắc sánh với hoa rừng để rủ nhau đi hát xuân, hát hội… cho đến lúc phải chia tay nhau, họ như muốn níu kéo nhau ở lại, thì câu hát càng thêm đậm tình yêu, vừa trách móc, vừa thương yêu, vừa dặn dò và hẹn ngày gặp lại.
“Mặt trời còn ở trên cao
Em đây muốn hát anh sao vội về
Em đang muốn hát chàng lại vội đi
Mặt trời lặn hẳn hãy về được không?”
Hay:
“Cưỡi ngựa đường xa bao đèo suối
Nhìn ngựa quay về ngựa cùng buồn
Chặn ngựa ven đường em phải khóc
Nhớ chàng đường xa bao giờ gặp"
Dân ca Cao Lan nói chung và những bài hát về mùa xuân là di sản văn hóa vô cùng phong phú đa dạng và có giá trị cao về nghệ thuật, đã và đang được sưu tầm, bảo tồn. Mùa xuân Tân Mão này ở các rẻo cao ngày Hội hát đã và đang hòa cùng đất trời reo mầm sống cho lời ca bay bổng./.
Ngô Văn Trụ