Du lịch cộng đồng (DLCĐ) là một trong những loại hình du lịch được nhiều người yêu thích. Ở tỉnh Bắc Giang, DLCĐ được chính quyền, ngành chức năng khuyến khích. Các hợp tác xã quan tâm đầu tư, bước đầu có những tín hiệu tích cực.
Thành lập nhiều HTX du lịch
Với diện tích trồng cây ăn quả khoảng 28 nghìn ha cùng nhiều thắng cảnh đẹp như hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần và các di sản văn hóa đặc sắc, huyện Lục Ngạn có nhiều tiềm năng phát triển DLCĐ. Toàn huyện hiện có 32 hợp tác xã (HTX) DLCĐ, riêng năm 2022 thành lập 28 HTX.
Khách tham quan điểm du lịch cộng đồng bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế). |
Một số HTX đầu tư cơ sở vật chất, hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, đón số lượng lớn khách đến tham quan như: Đồng Dao, xã Quý Sơn; An Phát, xã Hồng Giang; An Phú, xã Tân Sơn; Bình Nguyên, thị trấn Chũ. Đơn cử như HTX Đồng Dao hiện có 15 ha cây ăn quả, gần 100 ha diện tích hồ phục vụ du lịch. Đến đây, khách tham quan được tự tay hái quả tại vườn, trải nghiệm đi thuyền ngắm hồ, đạp xe, sử dụng dịch vụ lưu trú (homestay) cắm trại qua đêm, thưởng thức món ăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Hoàng Văn Hiệp, Giám đốc HTX Du lịch Đồng Dao cho biết: Từ khi bước vào mùa thu hoạch vải thiều (cuối tháng 5/2023) đến nay, đơn vị đón hơn 10 nghìn lượt khách đến tham quan, trong đó có nhiều đoàn khách ngoài tỉnh.
Huyện Yên Thế có nhiều điểm DLCĐ, du lịch sinh thái thu hút du khách như bản Ven, hồ Ngạc Hai, Thác Ngà, xã Xuân Lương; đập Cầu Rễ, đập Đá Ong, xã Tiến Thắng. UBND huyện chỉ đạo, định hướng, tạo điều kiện để điểm DLCĐ bản Ven phát triển thành điểm đến tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm. Năm 2022, sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa bản Ven được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, là sản phẩm đầu tiên thuộc nhóm DLCĐ, điểm du lịch của tỉnh được gắn sao.
Theo ông Ngô Cao Kiên, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển DLCĐ Bản Ven Xanh, từ cuối năm 2022 đến nay, doanh nghiệp đầu tư mô hình cắm trại rừng trúc (khoảng 20 lều trại), trang trại cừu, dê, thỏ, dựng thêm nhà sàn, cải tạo bể bơi, đồi chè, cối xay gió… thu hút hàng chục nghìn du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Toàn tỉnh hiện có hơn 40 HTX DLCĐ, trong đó tập trung nhiều nhất ở huyện Lục Ngạn. Mỗi HTX có từ 7 đến 10 thành viên, ngoài ra còn có các thành viên liên kết. Qua đánh giá, để nâng cao hiệu quả hoạt động, các HTX đã đổi mới trong quảng bá thông qua phối hợp với doanh nghiệp du lịch.
6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Bắc Giang đón khoảng 1,3 triệu lượt khách du lịch, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2022. |
Điển hình như ngày 4/6 vừa qua, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phúc Lâm (Hà Nội) cùng HTX Nông nghiệp và Du lịch sinh thái Giáp Sơn (Lục Ngạn) lần đầu tiên tổ chức sự kiện trình diễn thời trang với những bộ trang phục lấy cảm hứng từ vải thiều và văn hóa, con người Lục Ngạn có sự tham gia của nhiều người mẫu chuyên nghiệp. Công tác quảng bá được đẩy mạnh đã thu hút lượng khách đến với Bắc Giang ngày một tăng. 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Bắc Giang đón khoảng 1,3 triệu lượt khách du lịch, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2022.
Ban hành chính sách thúc đẩy DLCĐ
Tỉnh Bắc Giang có nhiều tiềm năng phát triển DLCĐ, bước đầu đạt kết quả tích cực, góp phần phát triển KT-XH địa phương. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động DLCĐ vẫn còn những hạn chế, khó khăn, như: Chất lượng dịch vụ, hiệu quả kinh tế của loại hình này chưa cao. Việc định hướng, đầu tư phát triển DLCĐ, phối hợp giữa các cấp, ngành trong tổ chức, quản lý, cơ chế chính sách, nguồn lực đầu tư, công tác liên kết, hợp tác trong và ngoài tỉnh, xúc tiến, quảng bá… còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng.
Ở các khu, điểm DLCĐ do các HTX đầu tư thiếu hệ thống nhà vệ sinh. Chất lượng dịch vụ lưu trú, ăn uống, sinh hoạt còn hạn chế. Dịch vụ vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, tính chuyên nghiệp chưa cao. Vì thế, lượng khách chủ yếu đi trong ngày, chi phí sử dụng dịch vụ thấp.
Theo ông Nguyễn Văn Thức, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sơn Động, ngoài điểm DLCĐ ở thôn Nà Ó, xã An Lạc, trên địa bàn huyện có những điểm du lịch khác có thể phát triển DLCĐ như: Cao nguyên Đồng Cao, xã Thạch Sơn; thác Ba Tia, thị trấn Tây Yên Tử. Tuy nhiên, tiềm lực tài chính đầu tư làm du lịch của các HTX, người dân hạn chế; các cơ chế chính sách về đất đai phục vụ phát triển du lịch còn nhiều vướng mắc, cơ sở vật chất, nhất là hạ tầng giao thông ở các điểm du lịch này còn khó khăn.
Để thúc đẩy DLCĐ phát triển, các HTX đóng vai trò quan trọng. Trong đó việc hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ chế chính sách, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cung ứng nguồn nhân lực, liên kết xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng là điều rất cần thiết.
Theo Đề án Phát triển DLCĐ tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2022-2030, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân rộng các điểm DLCĐ tại một số huyện, đặc biệt là 20 điểm DLCĐ vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn. Phấn đấu đến hết năm 2030 các điểm DLCĐ và tham quan vùng cây ăn quả có đủ điều kiện đón ít nhất 1 triệu lượt khách/năm, trong đó có 10 nghìn khách quốc tế. Tập trung phát triển các mô hình DLCĐ kết hợp với du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, trang trại nông nghiệp, sinh thái, trải nghiệm, ẩm thực, mua sắm.
Ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Sở phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, liên kết phát triển DLCĐ. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch du lịch. Sớm quy hoạch các khu, điểm du lịch tiềm năng để quản lý, thu hút đầu tư. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức về DLCĐ cho đội ngũ làm du lịch.
Được biết trong tháng 7/2023, HĐND tỉnh sẽ xem xét thông qua Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ phát triển DLCĐ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2030. Đối tượng áp dụng là hộ gia đình, cá nhân, HTX, tổ hợp tác, cơ quan, đơn vị liên quan đến tổ chức thực hiện chính sách. Theo đó sẽ có một số nội dung hỗ trợ như: Lập quy hoạch chi tiết điểm DLCĐ; đầu tư xây dựng nhà đón khách, trưng bày sản phẩm du lịch, nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nhà vệ sinh công cộng, làm đường giao thông nội bộ, bãi đỗ xe; mua, đóng thuyền, xe điện vận chuyển khách.
Chủ thể đầu tư xây dựng nhà đón khách; trưng bày sản phẩm du lịch, nông nghiệp, nông thôn, được hỗ trợ mức 500 triệu đồng/nhà; làm đường giao thông nội bộ 800 triệu đồng/km; mua, đóng thuyền, xe điện vận chuyển khách du lịch mức hỗ trợ 70% kinh phí (tối đa không quá 1,5 tỷ đồng/thuyền, không quá 200 triệu đồng/xe điện). Đây được coi là động lực để các tổ chức, cá nhân phát triển và hoàn thiện cơ sở vật chất các điểm DLCĐ, tạo cơ hội cho người dân các địa phương, đặc biệt là đồng bào miền núi, vùng khó khăn có thêm việc làm, tăng thu nhập, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, làng nghề truyền thống.
Theo Báo BG